Câu chuyện dài vay nợ của Ukraine

Barricade with the protesters at Hrushevskogo street on January 25, 2014 in Kiev, Ukraine. Photo courtesy Sasha Maksymenko.

Nền kinh tế của Ukraine, bị chiến tranh tàn phá, đang rơi tự do. Trong quý II năm nay, GDP của nước này đã giảm 15% (điều chỉnh theo năm), sau mức giảm 18% trong quý I. Nợ công của nước này ước tính bằng 100% GDP. Do đó, không quá ngạc nhiên khi Ukraine muốn cắt giảm một phần nợ của mình. Sau nhiều tháng đàm phán gay gắt, Ukraine và các chủ nợ có thể sẽ đạt được một thỏa thuận trong tuần này. Những vấn đề gì không được nhất trí giữa Ukraine và các chủ nợ, và những gì có thể xảy ra?

Các cuộc đàm phán đã diễn ra trong thời gian dài. Trong nhiều tháng, không một ai, ngay cả Bộ trưởng Tài chính của Ukraine - Natalie Jaresko, có thể hoàn toàn chắc chắn về các chủ nợ của Ukraine. Giờ đây, thông tin cho biết, trong số đó bao gồm Franklin Templeton, một nhà quản lý tài sản có tiếng, người nắm giữ khoảng 9 tỷ USD trái phiếu của Ukraine, và BTG Pactual, một công ty của Brazil. Ngay từ đầu, mọi người đều nhận thấy rằng Ukraine cần hình thức giảm nợ nào đó. Câu hỏi lớn nhất là hình thức cứu trợ nào sẽ được đưa ra. Hàng tháng trời, các chủ nợ nhất quyết rằng vấn đề của Ukraine sẽ được giải quyết bằng cách "giãn nợ" (maturity extensions), nghĩa là đẩy lùi ngày hoàn trả trái phiếu.

Nhưng biện pháp này không thể được thực hiện, nó mâu thuẫn với yêu cầu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế đặt ra. IMF đã giữ cho nền kinh tế Ukraine tồn tại bằng việc cung cấp một loạt các khoản vay có tổng trị giá khoảng 7 tỷ đô la kể từ năm ngoái. IMF hỗ trợ Ukraine với điều kiện chính quyền Kiev sẽ xóa 15,3 tỷ USD nợ gốc và lãi vào năm 2018, và giảm tỷ lệ nợ công/GDP xuống khoảng 70% vào năm 2020. Mục tiêu là giảm số tiền trả nợ mỗi năm không quá 10% GDP. Tất cả điều này nghĩa là, Ukraine không chỉ cần giãn nợ, mà còn cần giảm tổng số tiền nợ. Chính phủ Ukraine muốn giảm 40% tổng số tiền nợ của họ. Theo một số báo cáo, gần đây các chủ nợ của nước này đã đưa ra tỷ lệ giảm thấp hơn, chỉ khoảng 5%.

Ukraine sẽ sớm có thể đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ. Nếu không được như vậy, nước này có thể buộc phải tuyên bố không đáp ứng được các khoản hoàn trả trái phiếu trong tương lai (bao gồm 500 triệu USD vào ngày 23/9). Nhưng thậm chí kể cả khi đạt được một thỏa thuận, tình hình tài chính của Ukraine sẽ vẫn ở trong tình trạng khẩn cấp. Một chủ nợ, nắm giữ 3 tỷ USD trái phiếu đáo hạn vào tháng 12, đã không tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào. Có một điều khoản lạ lùng trong loại trái phiếu đó, cho phép người nắm giữ trái phiếu có thể buộc Ukraine tuyên bố vi ước trong trường hợp nợ công vượt quá 60% GDP. Thật không may, chủ nợ đó chính là nước Nga.

Đoàn Khải
The Economist

Tags: ukraine

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc