Vì sao Vương quốc Anh sao chép mô hình "thị trưởng thành phố" của Mỹ?

Rudy Giuliani speaking at the forum titled "Countering Iran’s Nuclear Terrorist Threats". Photo courtesy Gage Skidmore.

Đối với nhiều người dân New York, người đã đem lại bình yên cho thành phố này là Rudy Giuliani. Ông Guliani là Thị trưởng Thành phố New York từ năm 1994 đến năm 2001, và với tư cách người đứng đầu cơ quan hành pháp của thành phố, ông đã khởi xướng chiến dịch trấn áp tội phạm quyết liệt và được người dân thành phố ủng hộ. Các nhà hoạch định chính sách của Vương quốc Anh đã nhận thấy một thị trưởng đầy quyền lực mang lại sự thay đổi sâu rộng ở các thành phố của Mỹ hiệu quả như thế nào. Đầu những năm 2000, dưới sự điều hành của chính phủ thuộc Đảng Lao động của ông Tony Blair, chính trường Vương quốc Anh đã đón nhận những làn sóng thị trưởng thành phố do dân bầu đầu tiên. Hiện nay, chức danh "thị trưởng thành phố" – đại diện cho những khu vực đô thị lớn hơn như Greater Manchester – nằm hàng đầu trong chương trình nghị sự chính sách quốc gia. Tháng 5 năm 2015, Bộ trưởng Tài chính George Osborne đã thông báo, đối với tất cả các thành phố lớn ở Anh, tham gia vào việc chuyển giao quyền lực và bầu ra một thị trưởng là điều bắt buộc. "Tôi sẽ không áp đặt mô hình này lên bất kì ai," ông nói với một số người dân ở Manchester. "Nhưng tôi cũng sẽ không hài lòng với những gì cho ít hơn thế." Ông và các đồng nghiệp trong Đảng Bảo thủ, cũng như nhiều người khác thuộc đảng đối lập, đều mong Vương quốc Anh “nhập khẩu” mô hình thị trưởng dân bầu kiểu Mỹ này cùng với một loạt các quyền hành pháp được tăng cường. Vì sao vậy?

Các thị trưởng đầu tiên của Anh, nhậm chức ở London vào năm 2000 và ở các thị trấn nhỏ hơn như Hartlepool và Middlesborough vào năm 2001, đóng vai trò không thể thiếu đối với dự án "hiện đại hóa" của Đảng Lao động và cũng được cá nhân ông Tony Blair, Thủ tướng khi đó, nhiệt tình thúc đẩy phát triển. Ông Blair, người kiên định ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương, chưa bao giờ che giấu sự vay mượn trong hệ thống thị trưởng mới của mình đối với mô hình của Mỹ, dù quyền lực của các thị trưởng Anh, tuy đã có những thay đổi - vẫn thua kém so với những người đồng cấp Mỹ (ví dụ, thị trưởng London có rất ít quyền lực ngoài một số lĩnh vực như vận tải, hoạch định chính sách và một số khía cạnh trong công tác quy hoạch). Chỉ hơn một thập kỉ sau đó, ông Osborne, một học trò nhiệt tình đối với nền chính trị Mỹ không kém gì ông Blair, cũng thể hiện sự ngưỡng mộ của mình với các thị trưởng New York, Chicago và một số thành phố khác. Ngoài việc chính phủ liên bang tại Washington hoạt động không hiệu quả do những ách tắc tại quốc hội thường hạn chế khả năng đạt được mục tiêu của các chính trị gia - hệ thống thị trưởng thành phố của Mỹ có thể đạt hiệu quả nổi bật.

Các nhà hoạch định chính sách của Vương quốc Anh từ thời ông Michael Heseltine vào thập niên 1980, tới thời ông Blair và bây giờ là ông Osborne đều tin rằng những thị trưởng theo phong cách Mỹ có thể giúp giải quyết những vấn đề cố hữu tại các thành phố của Vương quốc Anh. Theo quan điểm của họ, những đấu đá bè phái trong các hội đồng thành phố sẽ kéo lùi sự phát triển của các thành phố tại Vương quốc Anh. Những người ủng hộ mô hình này cho rằng thị trưởng với quyền hành pháp có thể đẩy nhanh quá trình ra quyết định; đồng thời cũng vạch ra trách nhiệm giải trình một cách rõ ràng thông qua các nhiệm vụ do cá nhân trực tiếp đảm nhận. Sự sốt sắng của chính phủ Vương quốc Anh hiện nay đối với cảnh sát trưởng do dân bầu – cũng được nhập khẩu từ Mỹ (vấn đề mà tờ Economist đã chỉ trích) - là kết quả của tư duy tương tự.

Mỹ không phải là mô hình duy nhất cho các nhà hoạch định chính sách của Vương quốc Anh: các thành phố châu Âu, như một số thành phố ở Pháp, Ý và Đức, cũng có các thị trưởng đầy quyền lực. Và ngay tại Vương quốc Anh cũng đã có một tiền lệ: các thị trưởng của quốc gia này vào thế kỉ XIX, như thị trưởng Joseph Chamberlain của Birmingham rất được ca ngợi. Dù mô hình này đã rất phổ biến ở nhiều nơi, song vẫn còn rất nhiều ý kiến chỉ trích: một số cho rằng việc tập trung quyền lực vào tay một người sẽ có nguy cơ tạo ra những "Mussolini cấp thành phố", những người có thể làm cho thành phố phát triển rực rỡ nhưng cũng hoàn toàn có thể khiến thành phố lụn bại. Tuy nhiên, hiện tại, những lo ngại đó có lẽ là vô căn cứ. Ở Vương quốc Anh, quyền lực vẫn tập trung về trung ương nhiều hơn so với Mỹ, và những thị trưởng người Anh vẫn chưa có được quyền lực tài chính như những người đồng cấp Mỹ. Nhưng nếu quá trình phân quyền ở Anh được tiếp tục đẩy mạnh, trong tương lai gần, điều này sẽ không còn đúng nữa.

Minh Thu
The Economist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc