Kẻ mơ tưởng

"Cuộc đào thoát vĩ đại" của Angus Deaton
bài điểm sách của DAVID LEONHARDT, 19 tháng 12 năm 2013.
-----
Những ký ức về thời kinh tế vàng son có thể có một sức hấp dẫn mạnh mẽ, đặc biệt là sau hơn năm năm khủng hoảng tài chính và hậu quả của nó vẫn còn dai dẳng. Tại Mỹ,
người ta khao khát nói về giai đoạn giữa thế kỷ 20, khi tầng lớp trung lưu đang gia tăng và tiến bộ kinh tế là điều thông thường. Ở châu Âu và Nhật Bản, nhiều người nhớ về những năm 1980, trước khi đồng euro ra đời và vỡ bong bóng ở Nhật Bản. Ngay cả ở Trung Hoa và Ấn Độ, hai trong số các nền kinh tế năng động hơn của thế giới, một số người lại ca ngợi thời điểm khi cuộc sống của họ không phải xoay vần quanh sự tăng trưởng chóng mặt.

Thành công lớn nhất trong cuốn "Great Escape" ("Cuộc đào thoát vĩ đại") của Angus Deaton là mang đến cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh về tất cả những hoài niệm này. Deaton, một giáo sư uy tín về kinh tế học tại Đại học Princeton, không chỉ dừng ở việc mô tả các vấn đề của thế giới, như bất bình đẳng thu nhập ở các nước giàu, các vấn đề sức khỏe ở Trung Hoa và Mỹ hay HIV ở châu Phi. Phần lớn cuốn sách xoay quanh những rắc rối như vậy và cả các giải pháp tiềm năng có thể có. Nhưng trọng tâm thông điệp của Deaton rất tích cực, gần như tới mức đáng khâm phục. Qua các thước đo có ý nghĩa nhất — chúng ta sống được bao lâu, khỏe mạnh và hạnh phúc đến đâu, thu nhận được bao nhiêu tri thức — cuộc sống chưa bao giờ tốt hơn thế. Và quan trọng hơn, nó vẫn đang được cải thiện.

Deaton chắc chắn biết rằng nhiều độc giả sẽ nhìn nhận những tuyên bố này với thái độ hoài nghi, đặc biệt khi chúng xuất phát từ một người với chuyên ngành thường đề cao tiền bạc hơn nhu cầu căn bản của con người. Để xua tan những hoài nghi này, ông mô tả toàn diện và chi tiết về
việc cuộc sống đã được cải thiện như thế nào. Tuổi thọ trung bình đã tăng lên một cách ấn tượng, tăng 50% kể từ năm 1900 và vẫn đang tăng lên. Mặc cho bùng nổ dân số, chất lượng cuộc sống trung bình đã tăng đáng kể. Số người có mức sống dưới 1 USD một ngày (đã điều chỉnh lạm phát) đã giảm từ 42% (số liệu năm 1981) xuống còn 14 %. Ngay cả khi bất bình đẳng gia tăng ở nhiều quốc gia, bất bình đẳng trên toàn cầu nhiều khả năng đã giảm, phần lớn nhờ vào sự hưng thịnh của châu Á. "Mọi việc đang tốt hơn", ông viết, "tốt hơn rất nhiều."

Tất nhiên, phần lớn những thay đổi nhanh chóng nhất xảy ra đã lâu hay — đối với độc giả tại Mỹ và châu Âu — đang xảy ra ở nơi nào đó xa xôi. Trong thế giới công nghiệp hóa, người ta có thể dễ dàng tập trung vào tin tức xấu (như mức lương trì trệ và bệnh béo phì gia tăng) và coi những tiến bộ mới nhất (ví dụ như, iPhone phiên bản mới nhất) là những giá trị vật chất gây xao nhãng. Nhưng điều này cũng sẽ là một sai lầm. Tốc độ phát triển có thể đã chậm lại ở phương Tây. Đối với một số khu vực nhất định, trên các thước đo nhất định, tốc độ phát triển thậm chí có lẽ đã dừng lại. Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người, nó vẫn chưa dừng.

Các cuộc cách mạng kỹ thuật số đã cho phép chúng ta giữ liên lạc với bạn bè và gia đình mà trước đây có lẽ sẽ trở nên xa cách. Sự dân chủ hóa trong ngành hàng không, với tất cả những tồi tệ của nó, cũng phát huy lợi ích. Tiến bộ lớn nhất chống lại ung thư và bệnh tim đã xuất hiện trong 20 đến 30 năm trở lại đây. Và mặc dù Deaton không nhấn mạnh, gần như mọi hình thức phân biệt đối xử đã không còn phổ biến. Khi người ta nói đến cuộc sống ở Mỹ thời hậu chiến, họ có lẽ sẽ không đề cập đến cuộc sống của những người phụ nữ, người Mỹ gốc Phi, người đồng tính nam, đồng tính nữ, người Công giáo, Do Thái giáo, tín đồ Mormon, người gốc Mỹ La Tinh, người Mỹ gốc Á hay người tàn tật.

Hầu hết chúng ta có thể tìm thấy phiên bản thu nhỏ của câu chuyện này trong chính gia đình mình. Ông nội của Deaton trở về từ Thế chiến I, đến làm việc tại một hầm mỏ ở Scotland và vươn lên trở thành người giám sát mỏ. Cha của Deaton, dù không tốt nghiệp trung học, đã trở thành một kỹ sư xây dựng và sống thọ gấp đôi cha của mình. Ông nội của tôi đã thoát khỏi Đức quốc xã, đến New York, nhưng qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1950 khi còn tương đối trẻ. Nếu những tiến bộ y học đến sớm hơn vài thập niên, cha tôi cũng có thể đã lớn lên với một người cha. Nói một cách thẳng thắn, hầu hết chúng ta ngày nay đều có ít nhất một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè sẽ không sống nổi nếu thiếu những tiến bộ của vài thập kỷ qua.

Có lẽ ấn tượng nhất — và, đồng thời, đáng lo ngại nhất — là quá trình này là không thể tránh khỏi. Loài người đã trải qua phần lớn thời gian trong lịch sử mà không hề tạo ra sự tiến bộ nào, cả tuổi thọ cũng như thu nhập. Deaton viết "Trong hàng ngàn năm, những người may mắn thoát khỏi cái chết từ thời thơ ấu lại phải đối mặt với những năm tháng nghèo đói dai dẳng."

"Cuộc đào thoát vĩ đại" của Deaton đề cập đến quá trình bắt đầu trong suốt thời kỳ Khai sáng và biến sự tiến bộ trở thành điều thông thường. Các nhà khoa học, bác sĩ, doanh nhân và giới chức chính phủ đã bắt đầu tìm kiếm sự thật, chứ không phải ngoan ngoãn chấp nhận các giáo điều, và họ bắt đầu thử nghiệm. Triết gia Immanuel Kant đã định nghĩa thời kỳ Khai sáng như sau: "Hãy can đảm nhận biết! Hãy can đảm tự dùng giác tính của mình!" Các lý thuyết về mầm bệnh, vệ sinh công cộng, cách mạng công nghiệp và nền dân chủ hiện đại ra đời ngay sau đó.

Deaton không hề thất bại với cách viết dễ hiểu, dễ tiếp cận đối với người đọc không chuyên. Đôi khi, ông lặp lại chính mình (ông hoàn toàn không phải là một người ủng hộ viện trợ nước ngoài) hoặc đào sâu vào những chủ đề mang tính kỹ thuật mà không mấy ai hứng thú, như việc tính toán tỷ giá hối đoái. Nhưng những độc giả muốn học một chút về kinh tế học mà không muốn phải đọc một cuốn sách giáo khoa có thể sẽ thích thú với những chi tiết chuyên sâu này. Nhìn chung, "Cuộc đào thoát vĩ đại" cùng với "Getting Better" (tạm dịch: Trở nên tốt đẹp hơn: Vì sao sự phát triển trên toàn cầu đang thành công và chúng ta có thể cải thiện thế giới hơn nữa như thế nào?) — cuốn sách được xuất bản vào năm 2011 của Charles Kenny cũng tập trung vào các nước nghèo (và có quan điểm tích cực hơn về viện trợ nước ngoài) — là một trong những cuốn sách giải thích súc tích nhất về các hiện trạng trong thế giới ngày nay.

Nhưng câu hỏi lớn nhất và chưa có câu trả lời là quá trình này sẽ tiếp tục nhanh tới mức nào. Deaton tỏ ra lạc quan một cách thận trọng. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận những mối đe dọa đang gia tăng, sự nóng lên toàn cầu là mối đe dọa rõ ràng nhất trong số đó. Ngoài biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế đã chậm lại và bất bình đẳng đã tăng lên ở hầu hết các nước giàu, khiến tầng lớp trung lưu và người nghèo chỉ còn mức thu nhập khiêm tốn. Bất bình đẳng ở Mỹ nghiêm trọng tới mức phần lớn người Mỹ — 99% dưới đáy, ông tính toán — thu nhập tồi tệ hơn phần lớn người dân Pháp trong những thập kỷ gần đây, dù nước Mỹ được cho là có nền kinh tế năng động. Trong khi đó ở Trung Hoa, suy giảm tốc độ tăng trưởng có thể chỉ là bước khởi đầu, nó còn có thể gây ra bất ổn chính trị, thậm chí là chiến tranh.

Từ góc độ lịch sử, sự phát triển đáng lo ngại nhất có thể là khuynh hướng không chú ý đến bài học cốt lõi từ thời kỳ Khai sáng và nói rộng ra, trong cuốn Cuộc đào thoát vĩ đại của Deaton: Thực tế có vai trò quan trọng, nhất là khi chúng mâu thuẫn với quy luật và định kiến. Phớt lờ thực tế sẽ dẫn đến những hậu quả.

Tri thức — ở đây là giáo dục — là động cơ quan trọng nhất của nhân loại để tạo ra sự tiến bộ. Dựa trên các dữ liệu, Deaton kết luận rằng tuổi thọ tăng cao một cách đáng kinh ngạc tại một số nước nghèo gần đây, thậm chí còn cao hơn các nước có mức thu nhập cao, chủ yếu là nhờ chất lượng giáo dục được nâng cao. Ví dụ, một cư dân Ấn Độ bình thường hiện nay chỉ giàu ngang với một người Anh vào năm 1860, nhưng lại có tuổi thọ trung bình cao hơn một người dân châu Âu sống vào giữa thế kỷ 20. Sự phát triển của tri thức, về chăm sóc sức khỏe, thuốc thang và chế độ ăn uống, giải thích cho sự khác biệt này.

Thật không may, tri thức và sự thật ngày nay thường phải ở thế thủ. Những người theo trào lưu chính thống thuộc nhiều thành phần khiến nhiều quốc gia không thể tự giải thoát. Ở phương Tây, khoa học đôi khi vẫn phải đầu hàng trước những giáo điều, về biến đổi khí hậu, về sự phát triển và chính sách kinh tế. Giới tinh hoa ở cả hai cánh tả hữu đều đặt câu hỏi về giá trị của phổ cập giáo dục và chống lại những nỗ lực để cải thiện chất lượng các trường học, ngay cả khi bản thân họ dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để mưu cầu nền giáo dục tốt nhất có thể cho con em của mình.

Sự thật là những vấn đề lớn nhất hiện nay, bao gồm tăng trưởng kinh tế, giáo dục và môi trường, không hề có các giải pháp dễ dàng. Nhưng việc chúng ta đã thoát khỏi nhiều thế kỷ đói nghèo và tử vong sớm cũng tương tự, và nhiều hơn thế. Đây đã từng là điều rất khó khăn, với rất nhiều thất bại trong hành trình tới đích. Câu chuyện Deaton kể — câu chuyện truyền cảm hứng nhất về con người — mang đến cho tất cả chúng ta lý do để lạc quan, miễn là chúng ta sẵn sàng lắng nghe những bài học của nó.

David Leonhardt, nguyên phụ trách chuyên mục kinh tế và trưởng đại diện của The New York Times tại Washington, hiện đang là trưởng một nhóm nghiên cứu về chính trị và chính sách.

Minh Thu
NYTimes

Bài trước: Con phố lát vàng

4 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc