Nhà nước Israel

Nhà nước Israel: 'Miền đất hứa của tôi', tác giả Ari Shavit

by Leon Wieseltier, ngày 21 tháng 11, năm 2013.

Quá nhiều trong số các diễn ngôn về Israel thể hiện sự ngờ vực. Tôi không có ý cho rằng như thế là quá khắc nghiệt: Đôi khi là vậy, đôi khi thì không. Ý tôi là là nhà nước này quá thường xuyên bị đánh giá vì khả năng tồn tại hay tính hợp pháp của nó, như thể sự chấp nhận cơ bản nào đó đối với thực tại của nó bị treo lại để chờ giải pháp cho rất nhiều vấn đề cả nội tại lẫn với bên ngoài của nó. Không có gì phải nghi ngờ về mức độ nghiêm trọng của những vấn đề đó, và một số trong đó đề cập tới các chủ đề chính về chính trị và đạo đức; nhưng các vấn đề của Israel quá thường xuyên bị gộp lại và nâng lên thành một Vấn đề duy nhất, qua đó xóa bỏ sự tồn tại thực tế của Nhà nước Do thái này và biến nó thành một hình thái tạm thời trong lịch sử, một tình trạng tranh cãi thường xuyên, mà nó chỉ có thể thoát khỏi bằng cách trang bị những lời bào chữa và giải thích đủ loại.

Trong những năm đầu lập quốc, Israel thích nghĩ về chính nó như một thử nghiệm về việc
hiện thực hóa những lý tưởng và hy vọng khác nhau, nhưng thực sự tất cả các xã hội, bao gồm cả các nước Ả Rập đều là những thử nghiệm về công bằng; và tồn tại tự nó không bao giờ được phép coi là một thử nghiệm, như thể ai đó có quyền tuyên bố rằng thí nghiệm đã thất bại, và cố gắng làm điều gì đó đối với thí nghiệm này. Israel không phải là một đề nghị, nó là một quốc gia. Thực tính của nó là một trong những thành tựu vĩ đại trong lịch sử của người Do Thái cũng như của chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc, và nói thế không phải là tự mãn hay hối lỗi. Những vấn đề sẽ không biến mất. Nhưng tôi lại không thể nói như vậy về cảm giác về sự vĩ đại.

Đây là một trong những thành tựu của cuốn sách quan trọng và có tác động mạnh mà Ari Shavit viết nhằm phục hồi cảm giác về thực tính của Israel và say sưa với nó, để khôi phục lại sự hùng vĩ của một thực tế đơn giản trong cái nhìn đầy đủ về các sự kiện phức tạp. "My Promised Land" ("Miền đất hứa của tôi") gây ngạc nhiên về nhiều mặt, nhất là nó tương đối thiếu quan tâm tới việc cung cấp cho người đọc các thông tin về chính trị. Shavit, nhà bình luận trong ban biên tập của Haaretz, có một tâm trí độc lập, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ học thuyết nào. Ông viết không để ca ngợi hay đổ lỗi, dù trong quá trình viết ông có thực hiện cả hai, thay vào đó, với sự uyên bác và tài hùng biện; ông viết để quan sát và phản ánh.

Đây là cuốn sách ít thiên vị nhất về Israel mà tôi từng đọc. Đây là một cuốn sách Zion nhưng không bị kích động bởi chủ nghĩa Zion (chủ nghĩa phục quốc Do Thái). Nó nói về toàn thể trải nghiệm Israel. Shavit đắm mình trong toàn bộ lịch sử của đất nước mình. Dù một số sự kiện trong đó làm ông tổn thương, không gì là xa lạ đối với ông. Ông đã viết một chương xuất sắc về chính trị gia tham nhũng nhưng đầy sức hút Aryeh Deri, và sự trỗi dậy trên chính trường của tôn giáo dòng Sephardi tại Israel, qua đó minh họa rõ nét tầm hiểu biết của mình.

Shavit không là một người lạ ở bất kỳ đâu trên xứ sở của mình. Cái chất tự nhiên trong bản sắc của ông, sự dễ dàng ông có khi đi giữa những đồng bào của mình, có tác dụng nghịch lý khi giải phóng ông để thực sự đối đầu với những mâu thuẫn và tội ác mà ông phát hiện ra. Sự trung thực thẳng thắn của ông tự nó là bằng chứng về sự "bình thường hóa" mà những người sáng lập chủ nghĩa phục quốc Do Thái ước nguyện cho người Do Thái trên quê hương của họ; nhưng nó lại dễ làm họ lầm tưởng mà kỳ vọng rằng bình thường sẽ chỉ mang lại sự mãn nguyện. Lo lắng, hoài nghi, sợ hãi và kinh hoàng cũng là những yếu tố của một cuộc sống bình thường.

Shavit bắt đầu câu chuyện của Israel từ khởi đầu: với chủ nghĩa phục quốc Do Thái và các dự án không tưởng của những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỉ XX. Đã lâu rồi tôi mới lại thấy một người thế tục quan sát xã hội Israel mà vẫn bị mê hoặc bởi mảnh đất này và cảm động trước những tầm nhìn ban đầu về những gì có thể được dựng lên ở đó đến vậy. "Nhiệm vụ của chủ nghĩa phục quốc Do Thái", đúng như Shavit mô tả, là để cứu người Do Thái khỏi sự hủy diệt khi lưu vong; và danh dự không cho phép ông được nghi ngờ khao khát được sống của họ. "Nhu cầu là có thật", ông viết. "Tầm nhìn rất ấn tượng — tham vọng nhưng không điên rồ. Và sự kiên trì là chưa từng có: Trong hơn một thế kỷ, chủ nghĩa phục quốc Do Thái cho thấy sự quyết tâm, trí tưởng tượng và sức sáng tạo phi thường." Có một cái gì đó gần như xấu xa về một tình yêu nước được tuyên bố mạnh mẽ đến vậy từ một nhà báo sành sỏi như thế — và về một tình yêu như thế dành cho Israel.

Nhưng đây không phải là lòng yêu nước rỗng tuếch hay gian dối. Có tình yêu ở "Miền đất hứa của tôi", nhưng không hề có sự tuyên truyền. Shavit biết làm thế nào để đồng thời bày tỏ tình đoàn kết và sự phê bình. Ông đề xuất rằng chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã tạo ra những phép mầu trong lịch sử và ông cũng đề xuất rằng nó cũng để lại trong lịch sử những tội lỗi. "Ngay từ đầu, chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã như đi trên băng mỏng": Có một dân tộc khác sống ở vùng đất này. "Phép màu được dựa trên sự phủ nhận", ông thẳng thắn nhận xét. "Máy ủi san bằng các ngôi làng Palestine, các sắc lệnh tịch thu đất của người Palestine, các đạo luật thu hồi quyền công dân của người Palestine và bãi bỏ quê hương của họ." Tường thuật của Shavit về vụ thảm sát và trục xuất người Ả Rập khỏi Lydda của quân đội Israel trong cuộc chiến tranh năm 1948 là một chiến công bệnh hoạn, ngay cả khi trong quan điểm của ông nó không phải là tất cả những gì cần biết về cuộc chiến hay về đất nước này. "Phải lựa chọn rạch ròi", ông tuyên bố không né tránh: "Hoặc chối bỏ chủ nghĩa phục quốc Do Thái vì Lydda, hoặc chấp nhận chủ nghĩa phục quốc Do Thái cùng với Lydda."

Shavit đã đưa ra lựa chọn của mình. Ông không chối bỏ chủ nghĩa phục quốc Do Thái và cũng không bào chữa cho nó. Ông lên án kẻ gây ra tội ác, nhưng ông không lên án cuộc chiến tranh giành quyền tồn tại và tự quyết mà những tội ác đã phạm phải trong đó, "Nếu cần thiết, tôi sẽ đứng về phía những kẻ bị nguyền rủa. Bởi vì tôi biết rằng nếu không vì họ, nhà nước Israel sẽ không ra đời.... Họ đã làm những việc bẩn thỉu bẩn để cho dân tộc tôi, bản thân tôi, con gái tôi và các con trai tôi được sống". Điều này có gây sốc không? Chỉ với những người ngây thơ thôi. Sự hấp dẫn đến từ "bi kịch" có thể dễ dàng bị lạm dụng, nhưng Shavit không làm thế. Ông từ chối nhìn xa hơn những gì ông gọi là "bản năng cơ bản của phong trào dân tộc Do Thái", và không có sự tráo trở hay tự tha thứ trong sự trung thực của ông. "Miền đất hứa của tôi" đầy rẫy đau thương, và nó mang giọng văn không khoan nhượng của sự phán xét đích thực.

Tuy nhiên, Shavit khẳng định có một sự phức tạp ở mức độ cao về đạo đức. Ngay cả khi "phủ nhận là một mệnh lệnh sinh tử" trong những trường hợp cấp bách hay căng thẳng sục sôi — quốc gia dân tộc nào hay phong trào dân tộc nào sẽ ném hòn đá đầu tiên? — sự phủ nhận phải kết thúc và toàn bộ những rối ren xấu xí này phải được tiết lộ. Nhưng bản chất quyền lực bị tổn hại về mặt đạo đức chắc chắn không đội chiếc vương miện đạo đức cho sự yếu ớt bất lực. Vấn đề về phương tiện và mục đích sẽ không được giải quyết bằng tự sát. Tất cả những điều này rất lắt léo khó nắm bắt. Thực tế là tự do và chủ quyền thường giành được bằng bạo lực không thể biện minh cho bất kỳ điều gì mà bất kỳ nhà nước hoặc bất kỳ phong trào nào có thể gây ra nhân danh chúng. Nhưng chắc chắn cũng không có công lý nào trong việc chết với đôi tay sạch thay vì sống với hai bàn tay vấy bẩn. Người Palestine nên hiểu được điều này. Người Israel nên hiểu được điều này về người Palestine.

Tác giả của "Miền đất hứa của tôi" là một người mơ mộng nhưng có thói nghiện thực tế. Ông không ngừng đòi hỏi sự xác nhận nhưng không hề ảo tưởng. Cuốn sách của Shavit là một thử nghiệm kéo dài về khả năng của chính ông trong việc duy trì những nguyên tắc của mình trong cái nhìn đầy đủ về sự tàn bạo bao quanh chúng. "Trong những gì xa xưa nhất mà tôi có thể nhớ, có sự sợ hãi", cuốn sách của ông bắt đầu như thế. Và một vài trang sau: "Trong những gì xa xưa nhất mà tôi có thể nhớ, có sự chiếm đóng." Tôi khâm phục ông vì không bao giờ rút khỏi tính hai mặt của "nỗi sợ hãi hiện sinh" và "cơn phẫn nộ đạo đức". Không có câu chuyện thỏa đáng nào về tình hình của Israel có thể được đưa ra mà không có tư duy hai chiều này, nhất là vì các cuộc tranh luận hiện nay về Israel chủ yếu bao gồm những tranh cãi giữa những người muốn lờ đi điều này và những người muốn lờ đi điều kia.

Giữa những tranh cãi ấy, Shavit tỏ ra không hề ngần ngại làm phật lòng ai — ví dụ như trong nhận xét này về tiến trình hòa bình Israel-Palestine: "Nếu Israel không rút lui khỏi Bờ Tây, họ sẽ bị lên án về chính trị và đạo đức, nhưng nếu họ rút lui, họ có thể phải đối mặt với một chế độ ở Bờ Tây được Iran hậu thuẫn và lấy cảm hứng từ phong trào Huynh đệ Hồi giáo với những tên lửa có thể đe dọa an ninh của Israel." Đó là một công thức có thể sẽ chẳng giúp ích gì cho các nhà hoạt động và các nhà ngoại giao và các cây viết xã luận, nhưng tất cả đều là sự thật.

Nếu người Palestine không thể được trân trọng và hiểu đầy đủ khi họ được xem xét duy nhất từ góc nhìn của người Israel thì điều tương tự cũng xảy ra với người Israel khi họ được xem xét duy nhất từ góc nhìn của người Palestine. Tôi không muốn để lại ấn tượng rằng "Miền đất hứa của tôi" là một cuốn sách nữa về Israel và Palestine. Nó chứa đựng rất nhiều hơn thế nữa. Shavit mang tới đầy đủ sự phong phú của nước mình với lịch sử, văn hoá, tôn giáo và chính trị của nó. (Tôi ước ông ấy nói thêm về ngôn ngữ của nó: Việc tạo ra tiếng Hebrew hiện đại là một sự ngạc nhiên thậm chí còn lớn hơn sự hình thành của nhà nước Israel hiện đại.)

Shavit chọn 16 ngày trong lịch sử của chủ nghĩa phục quốc Do Thái và Israel từ năm 1897 đến năm 2013, đều không phải là những ngày kinh điển, để thông qua đó kể câu chuyện quốc gia. Ông ghi chép về địa điểm và con người, ông lùng sục kho lưu trữ. Trong tay của ông câu chuyện quốc gia cũng là một câu chuyện cá nhân, không chỉ vì ông lần theo vai trò của gia đình và bạn bè tại các bước ngoặt trong câu chuyện, mà cũng bởi vì ông luôn kiểm chứng và kiểm tra lại quan sát riêng của mình về thực tế của đất nước mình.

Tuy nhiên thật may đây không phải là một cuốn hồi ký; nó là một cuộc điều tra được bổ sung thêm sự gần gũi. Shavit khám phá xã hội của ông với sự tỉ mỉ của một người đàn ông cảm thấy bản thân mình gắn với số phận của nó, và ông không ngần ngại nói về sự tan rã của nước cộng hòa Israel trong những năm gần đây. Theo quan sát của ông "Trong vòng chưa đầy 30 năm, Israel đã trải qua bảy cuộc nổi loạn trong nước khác nhau: cuộc nổi dậy của người định cư, các cuộc nổi dậy hòa bình, cuộc nổi dậy tự do tư pháp, cuộc nổi dậy phương Đông, cuộc nổi dậy của dòng Chính thống cực đoan, cuộc nổi dậy của chủ nghĩa khoái lạc cá nhân và cuộc nổi dậy của người Israel gốc Palestine." Ông lo lắng, có lẽ có phần hơi quá, rằng đất nước ông đang tan rã: "Quốc gia khởi nghiệp này phải tự khởi động lại".

Chắc chắn là không có tình tiết giảm nhẹ nào cho sự bất bình đẳng kinh tế và xã hội mà ông mô tả, hoặc những xáo trộn hoàn toàn các chính sách định cư trong vùng lãnh thổ mà Israel có một mối quan tâm khẩn cấp và lâu dài trong việc di tản. Nhưng những lời khuyên và khích lệ của Shavit rằng "luận điểm cũ về nghĩa vụ và sự cam kết đã được thay thế bằng một luận điểm mới về sự phản kháng và chủ nghĩa khoái lạc", và "thách thức trước mắt là thách thức giành lại quyền lực quốc gia", là u ám và khắc nghiệt hơn so với giọng văn đầy nhiệt huyết và phóng khoáng trong cuốn sách. Và khái niệm "quyền lực quốc gia" thì đi kèm với những mối liên hệ không mấy hấp dẫn. Vùng đất hỗn loạn và ồn ào trong "Miền đất hứa của tôi" sẽ không được chữa lành bởi sự vãn hồi trật tự.

"Những gì đất nước này có thể mang đến", Shavit kết luận, "không phải là an ninh hay hạnh phúc hay sự an tâm. Những gì nó có thể mang lại chỉ là sự căng thẳng của cuộc sống bị đẩy tới bờ vực." Nói cách khác là vận may khi không trở thành một Luxembourg thứ hai. Chắc chắn vận may này có tốt có xấu — nhưng còn có loại vận may nào khác nữa? Nhìn vào quá khứ của người Do Thái và hiện tại của người vùng Cận Đông, có tốt có xấu đã là quá nhiều rồi.


Leon Wieseltier là biên tập viên văn học của tờ The New Republic.


Đăng Duy
NYTimes


Tags: book

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc