Quyền lực xoay vần

'Sự báo thù của Địa lý', tác giả Robert D. Kaplan
bài bình của Anne-Marie Slaughter,
ngày 5 tháng 10 năm 2012.

Những người lãng quên địa lý không bao giờ có thể đánh bại nó. Đó là ý
tưởng chủ đạo, lặp đi lặp lại trong cuốn sách mới của Robert D. Kaplan, "Sự báo thù của Địa lý: Những gì bản đồ nói với chúng ta về các xung đột sắp tới và cuộc chiến chống lại định mệnh" ('The Revenge of Geography: What the Map Tells Us About Coming Conflicts and The Battle Against Fate'). Mỗi chương sách bắt đầu bằng việc trình bày các đặc trưng của lãnh thổ theo cách một thầy bói xem các đường chỉ tay, sơ đồ những dãy núi, sông ngòi và đồng bằng như là những yếu tố quyết định định mệnh. Nhưng ngay khi các dòng chữ bắt đầu lảo đảo dưới sức nặng của thuyết tất định địa lý, Kaplan nhanh chóng chuyển hướng, lập luận ủng hộ "thuyết tất định thiên vị mà tất cả chúng ta đều cần" (chữ in nghiêng trong bản gốc). Ông lui về một quan điểm ôn hòa hơn khi cho rằng địa lý là một "bối cảnh" không thể thiếu cho vở kịch của con người về các ý tưởng, ý chí và cơ hội.

Kaplan, phóng viên của tờ The Atlantic và cũng là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, đã làm sống lại các nhà tư tưởng thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX như Halford J. Mackinder, tác giả của bài luận "Trục địa lý của lịch sử" vào năm 1904, cho rằng việc kiểm soát "Vùng đất trung tâm" của lục địa Á-Âu sẽ quyết định số phận
của các đế quốc. Tương tự như vậy, các chiến lược gia khác thời đó như Alfred Thayer Mahan và Nicholas J. Spykman có lẽ đã ủng hộ sức mạnh trên biển hơn là sức mạnh trên đất liền, nhưng họ vẫn mô tả lịch sử thế giới như là cuộc đụng độ muôn thuở giữa hai sức mạnh này (Sparta với Athens, Venice với Phổ). Spykman cũng trả lời cho câu hỏi ám ảnh của Mackinder về Vùng đất trung tâm bằng việc tập trung vào châu Âu, Ấn Độ và “Vùng đất ven” Thái Bình Dương."

Hầu hết những gì mà các chiến lược gia này đã đề xuất dường như sẽ không chính xác về mặt chính trị trong thời đại ngày nay — chủ nghĩa đế quốc và phân biệt chủng tộc. Các lý thuyết của Mackinder đã được Đức quốc xã áp dụng (theo Kaplan là chiếm dụng). Tuy nhiên, những nhà địa chiến lược này đã có tầm nhìn vượt khỏi những nghi thức ngoại giao và những kỳ vọng pháp luật được ngầm định, để thấy được cuộc đấu tranh khắc nghiệt và lâu dài cho sự sống còn — bộ lạc chống lại bộ lạc, kẻ xâm lược chống lại cư dân bản địa. Điểm mạnh của các lý thuyết này là ở chỗ chúng đánh giá cao cách thức các yếu tố cố định về địa lý và khí hậu định hình các yếu tố nhiều biến động hơn trong sự lựa chọn của con người — câu chuyện mà ngày nay Jared Diamond nói tới trong tác phẩm kinh điển "Súng, Vi trùng và Thép" của ông.

Có lẽ bài kiểm tra tốt nhất về giá trị của chúng là chất lượng phân tích địa chính trị của chính Kaplan ngay sau khi chúng được đặt ra. Ông áp dụng cách tiếp cận địa lý là trên hết của mình đối với các khu vực khác nhau trên thế giới và đưa ra nhiều dự báo làm đảo lộn những hiểu biết thông thường. Ở châu Âu, ông thấy — chính xác, theo quan điểm của tôi — rằng Địa Trung Hải sẽ một lần nữa lại "trở thành người kết nối", liên kết phía nam châu Âu với Bắc Phi như nó đã từng trong thế giới cổ đại, thay vì tiếp tục là đường phân chia giữa các đế quốc hùng mạnh trước đây và những thuộc địa của họ. Các vùng đất của ô liu và nho có khả năng một lần nữa trở thành một cộng đồng kinh tế và văn hóa, được cung cấp năng lượng có lẽ bởi những vùng dự trữ khí tự nhiên và dầu khổng lồ dưới đáy biển phía bắc và phía đông Địa Trung Hải. Tổng quát hơn, quy mô nhân khẩu học và kinh tế tuyệt đối của Liên minh châu Âu, mặc dù có những dự báo ảm đạm về cả hai khía cạnh này, đưa Kaplan tới kết luận rằng đây "sẽ vẫn là một trong những trung tâm hậu công nghiệp lớn của thế giới." Việc chuyển dịch từ Brussels đến Berlin như là trung tâm trọng trường đối với nền chính trị châu Âu, do đó, sẽ có những ý nghĩa toàn cầu.

Tiến về phía đông, Kaplan đưa ra một nhận xét về Nga mà một lần nữa lại làm giảm giá trị của thuyết tất định trong tiêu đề của cuốn sách này. Vladimir Putin và Dmitri Medvedev, ông viết, "không đưa ra được một ý tưởng lạc quan nào, không có bất cứ ý thức hệ nào, và trên thực tế: những gì thuận lợi mà họ có chỉ là địa lý. Và chỉ mỗi thế thì không đủ." Chính vấn đề địa lý đó "dẫn đến một mối quan hệ căng thẳng muôn thuở giữa Nga và Trung Hoa", ngay cả khi cam kết chung về một chính phủ độc tài chuyên chế và về những đặc quyền chủ quyền khiến hai chế độ này tiến lại gần nhau.

Ở Trung Đông và Tây Nam Á, qua lăng kính địa lý, Kaplan phát hiện ra một sự giống nhau không ngờ giữa Iran và Ả Rập Saudi. Ông mô tả cả hai quốc gia này là một tập hợp lỏng lẻo các bộ lạc, dân tộc và các miền đất — các trung tâm thường không thể gắn kết các lãnh địa xa xôi của họ với nhau. Lịch sử Ả Rập Saudi là sự thay đổi nhanh chóng và liên tục giữa "trung tâm Najd" theo chi phái Hồi giáo Wahhabi và "những vùng ngoại vi của Bán đảo Ả Rập." Và Iran "thường giống một đế quốc đa quốc gia vô định hình hơn là một quốc gia độc lập." Hậu tố "istan" là trong tiếng Ba Tư để chỉ "vùng đất", có nghĩa là những nước có chữ "stans" ở Trung Á — Pakistan, Afghanistan, Tajikistan, Uzbekistan và các nước khác — cho thấy đây là một bản đồ được vẽ ở Tehran.

Rời khỏi vùng đất trung tâm, chính Tây bán cầu là nơi bộ khung lý thuyết của Kaplan đưa đến kết quả đáng ngạc nhiên nhất — một sự pha trộn bất thường giữa Samuel Huntington và Fernand Braudel: "Tôi tin rằng, trong tiến trình thế kỷ XXI, châu Mỹ sẽ thực sự nổi lên như một nền văn minh của người Polynesia và người lai Âu–Mỹ, theo hướng từ Bắc tới Nam, từ Canada đến Mexico, chứ không phải là một hòn đảo trải từ đông sang tây chủ yếu của người da sáng màu hơn, nằm trong vùng ôn đới trải dài từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương". Ông đã đúng khi tập trung vào điểm giao thoa giữa nhân khẩu học và địa lý bán cầu, nhưng áp lực phải hội nhập sâu rộng hơn ở bán cầu này có khả năng đến từ việc cạnh tranh kinh tế với châu Á và châu Âu, cũng như đến từ tình hình nhân khẩu. Và quả thực, Kaplan tự mình thừa nhận một phần quan điểm đó: ông nhìn thấy một thế giới trong đó một "lục địa Á-Âu liên kết và thống nhất" sẽ đòi hỏi phải có một "Bắc Mỹ liên kết và thống nhất" để "tạo thế cân bằng".

Chuyến đi vòng quanh thế giới về địa lý này dựa trên một khái niệm đậm chất thế kỷ XIX về bản đồ là như thế nào. Kaplan định nghĩa bản đồ là "đại diện mang tính không gian về những phân chia ranh giới của nhân loại", và theo định nghĩa này, ông muốn nói rằng đó không chỉ là đại diện về mặt lãnh thổ tự nhiên, mà còn là địa hình. Ông nhìn thế giới như là một bản đồ địa hình nổi, đặc trưng bởi những đỉnh núi nhọn và các thung lũng hẹp vây quanh những quần cư cùng với đó là những thảo nguyên bao la và những sông ngòi rộng đã thúc đẩy và cho phép dân cư di chuyển. Việc ông nhấn mạnh vào "các phân chia ranh giới" của nhân loại gây ấn tượng mạnh, trực tiếp dẫn đến việc ông theo đuổi chủ nghĩa hiện thực trong chính sách đối ngoại. Kaplan cho rằng, về bản chất, nhân loại bị phân chia chứ không phải liên kết với nhau, mặc dù với một cái nhìn khách quan về cảnh quan, chia rẽ hay liên kết đều là có thể. Quan điểm địa chính trị của ông được củng cố bằng việc ông dựa trên học thuyết của Thucydides về ba yếu tố "sợ hãi, tư lợi và danh dự" như là những động lực cơ bản của con người — một đánh giá về bản chất của con người vừa cổ điển (ít nhất là trong thời đại của khoa học thần kinh và tâm lý học nhận thức) và vừa mang cái nhìn của phái mạnh.

Bên cạnh đó, tại sao một bản đồ đích thực là bản đồ về đất đai chứ không phải về con người? Tất cả các loại phương tiện truyền thông và luồng dữ liệu đại chúng lần đầu tiên cho chúng ta thấy và hình dung được các tương tác giữa người với người, lập bản đồ các vị trí của những cảm xúc, mong muốn, nguyện vọng và kết nối. Giao điểm của hàng triệu thế giới nhỏ bé giờ đây có thể được theo dõi và hình dung: các giải ngân hà của con người cũng dày đặc và phức tạp như các ngôi sao trên bầu trời. Chương trình Google Flu Trends (theo dõi xu hướng bệnh cúm của Google) cho phép chúng ta có thể lập bản đồ các điểm bùng phát dịch bệnh bằng cách theo dõi thời gian và địa điểm mà người chớm bị cúm tìm kiếm các triệu chứng trên mạng. Các giao dịch tài chính có thể được lập bản đồ thông qua các ngân hàng; trong thời đại tiền trên điện thoại di động, các giao dịch này sẽ có thể được lập bản đồ thông qua GPS và điện thoại di động.

Kết quả sẽ là một môn học mới của xã hội học nghiên cứu và mô tả các nhóm xã hội (sociography). Kaplan đã tự mình mô tả các siêu thành phố kém phát triển của thế kỷ XXI như là những thành trì to lớn cố gắng trong đơn độc, tạo ra một "địa lý học đô thị mới về những khao khát cá nhân . và mãnh liệt.” Phần này như thể thách thức các lý thuyết nhưng cũng sẽ rất ngắn, đặc biệt là do tấm bản đồ về sự khao khát đó sẽ sớm được thể hiện chi tiết giống như chính những miêu tả về các thành phố.

Đồng thời, chúng ta sẽ ngày càng hiểu những tấm bản đồ tự nhiên của chúng ta là chủ quan tới mức nào. Google Earth và Google Maps cho phép mọi người có thể trở thành những nhà vẽ bản đồ riêng của chính họ, theo đúng nghĩa đen là tự họ có thể đưa họ lên trên tấm bản đồ đó. Kaplan có thể lập luận rằng những mảng màu mô tả những lãnh thổ có chủ quyền trên tấm bản đồ hai chiều không thể diễn tả hết bản thiết kế nguyên gốc của Tạo hóa, nhưng các công dân giờ đây có động lực để làm mờ những ranh giới của các chính phủ bằng việc tự phân chia ranh giới trong cộng đồng của chính họ, trong tưởng tượng và trên thực tế.

Cuối cùng, sự báo thù của địa lý sẽ là sự báo thù của địa lý nhân khẩu học và địa lý tự nhiên: một thế giới ngày càng dân chủ hơn, do chính chúng ta tạo ra.

Anne-Marie Slaughter, giáo sư về chính trị học và quan hệ quốc tế thuộc Đại học Princeton và cũng là giám đốc hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ giai đoạn 2009-2011.

Tuấn Minh
NYTimes

Bài trước: Biển động
Tags: book

4 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc