Thần may mắn có một vai trò trong dòng chảy lịch sử của con người

bài điểm sách của Michiko Kakutani,
ngày 14 tháng 11 năm 2000.

Sau các sự kiện đáng lo ngại vào tuần trước, chúng ta có xu hướng hoài
cổ về thời đại của những tổ phụ lập quốc như một giai đoạn của sự sáng suốt nhìn xa trông rộng và sự khôn ngoan đúng lúc cần thiết. Khi nhìn lại, chúng ta có xu hướng coi cuộc Cách mạng Mỹ và việc những tổ phụ lập quốc thành lập một chính phủ đại diện dựa trên các nguyên tắc quyền lực thuộc về nhân dân là điều không thể tránh khỏi. Suy cho cùng, Tom Paine đã tuyên bố rằng việc một hòn đảo không thể cai trị cả một lục địa là điều quá hiển nhiên, và kể từ khi nước Mỹ ra đời, lý tưởng chính trị của nó đã được mô phỏng trên khắp thế giới, tuy mức độ thành công có khác nhau.

Tuy nhiên, như sử gia Joseph J. Ellis chỉ ra trong cuốn sách mới hấp dẫn của mình, thành tựu này của cuộc Cách mạng Mỹ là mơ hồ hơn rất nhiều vào thời điểm đó. "Quân đội và hải quân Anh là lực lượng quân sự hùng mạnh nhất trên thế giới," ông viết, và "không có chính phủ cộng hòa nào trước Cách mạng Mỹ đã từng tồn tại lâu dài, ngoại trừ một vài bang của Thụy Sĩ và các thành bang Hy Lạp, và cũng chưa từng có nền cộng hòa nào được thiết lập trên một diện tích
lớn như 13 thuộc địa".

"Không ai có mặt lúc bắt đầu biết nó sẽ kết thúc ra sao," ông tiếp. "Những gì khi nhìn lại có vẻ như do ý Chúa định trước trên thực tế là một sự việc đậm nét ứng biến trong đó cơ hội và vận may thuần túy — cả tốt và xấu — và những quyết định cụ thể được thực hiện trong những thử thách ngặt nghèo của các cuộc khủng hoảng quân sự và chính trị cụ thể đã xác định kết quả."

Những gì tác giả Ellis đề xuất trong cuốn sách mới của mình, "Founding Brothers" ('Những huynh đệ lập quốc') đó là xem xét một vài cuộc khủng hoảng chính trị bắt đầu nổ ra vào những năm 1790, thập kỷ mang tính chất quyết định đó, sau Hội nghị Lập hiến, trong đó tiền đề cho quốc gia mới được thành lập và di sản của cuộc Cách mạng được tranh luận. Ông thực hiện điều này không theo bất kỳ phương pháp mang tính hệ thống hay toàn diện nào, mà chọn cách tập trung vào sáu nhân vật chính trị (John Adams, Thomas Jefferson, George Washington, James Madison, Alexander Hamilton và Aaron Burr) và một số giai đoạn quan trọng mà sẽ thử thách và làm sáng tỏ nhiều điều về niềm tin và tình bạn của họ.

Tất nhiên, kỹ thuật này đã được Ellis không hề e ngại vay mượn từ nghiên cứu kinh điển của Lytton Strachey, "Eminent Victorians" ('Những nhân vật xuất chúng thời Victoria'), trong đó tác giả cho biết ông chèo thuyền trên một "đại dương tư liệu" và múc "một cái xô nhỏ mà sẽ đưa ra ánh sáng một số mẫu tính cách đặc trưng." Trong trường hợp của "Những huynh đệ lập quốc", kỹ thuật này làm nên một cuốn sách sinh động và làm sáng tỏ nhiều điều, có phần tùy hứng, để lại cho người đọc một cảm giác mang tính bản năng về một thời đại mang tính chất định hình trong đời sống Mỹ.

Đó là một thời đại mà tác giả Ellis miêu tả là "không gì sánh bằng trong lịch sử nước Mỹ" xét về "những cáo buộc gay gắt, những màn khoa trương không khoan nhượng về ý thức hệ, sự ganh đua cá nhân mãnh liệt và những tuyên bố ngoa ngôn về thảm họa sắp xảy ra", một quan sát thú vị và có phần mang tính trấn an, do kết quả kỳ quặc và chưa ngã ngũ của cuộc bầu cử tuần trước.

Vì sao những năm tháng sau khi thiết lập hiến pháp 1787-1788 lại om sòm đến vậy? Đầu tiên, các bang và khu vực địa lý tạo nên quốc gia mới không có lịch sử chung ngoại trừ cuộc Cách mạng; và trên toàn quốc không hề có sự đồng thuận nào về di sản của cuộc Cách mạng hay các điều khoản của Hiến pháp.

Một bên là phe Liên bang (do Hamilton và Washington lãnh đạo cùng với Adams, người có một vị trí đủ tư cách hơn), những người coi "tinh thần thực sự của năm 1776 là sự từ bỏ đầy cao thượng những lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân hay của từng bang vì các mục tiêu lớn hơn của Mỹ như một quốc gia, từng được thể hiện lần đầu tiên trong quân đội Lục địa và sau đó trong chính phủ liên bang mới thành lập." Bên kia là phe cộng hòa (do Jefferson lãnh đạo với sự trợ giúp từ Madison), những người coi cuộc Cách mạng là "một phong trào giải phóng", và coi chính sách của phe Liên bang là một âm mưu đánh cắp chính phủ khỏi tay người dân Mỹ.

Những thái độ mâu thuẫn đối với việc quản trị đất nước đã bị làm trầm trọng thêm do văn hóa chính trị thời đó không thích hợp với khái niệm về một phe đối lập hợp pháp, mà theo lời Ellis là "không bên nào có năng lực bằng lời nói hay tinh thần để coi bên kia như bất kỳ điều gì ngoài phản nghịch."

Tác giả Ellis lưu ý, chính trong bầu không khí căng thẳng này đã diễn ra trận quyết đấu định mệnh vào năm 1804 giữa Burr và Hamilton ở New Jersey, một trận đấu súng tay đôi dẫn đến cái chết của Hamilton và sự sụp đổ danh tiếng nhanh chóng của Burr. Chính trong bầu không khí căng thẳng này, Jefferson đã phỉ báng John Adams, chi tiền cho các chương trình tuyên truyền mà ông biết là dựa trên những điều dối trá chống lại chính quyền của người bạn cũ của mình. Và cũng chính trong bầu không khí căng thẳng này mà Washington, chịu nhiều chỉ trích trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai khi mọi người cho rằng ông đã tự biến mình thành "gần như một ông vua", đã phải tuyên bố rằng ông sẽ nghỉ hưu, đồng thời khẳng định rằng "lòng trung thành sâu sắc nhất của ông, như của chính những người chỉ trích ông, là hoàn toàn dành cho phe cộng hòa."

Những căng thẳng chính trị thời đó — giữa những người ủng hộ chủ quyền của liên bang và tiểu bang, giữa lợi ích nông nghiệp và thương mại, giữa những ưu tiên mâu thuẫn nhau cho các vùng — nóng tới mức mà nhiều nhà lãnh đạo của đất nước lo sợ cho sự sống còn của quốc gia non trẻ này. Tác giả Ellis nhận định đây là lý do vì sao Thỏa hiệp năm 1790 đã được thiết kế để thông qua chương trình tài khóa của phe Liên bang của Hamilton, trong khi đảm bảo với người miền Nam rằng thủ đô mới của quốc gia sẽ được xây dựng bên bờ sông Potomac. Và đây là lý do vì sao câu hỏi thậm chí còn dễ bùng nổ hơn về chế độ nô lệ đơn giản đã bị đưa ra khỏi bàn nghị sự.

Mặc dù nhiều nhà lãnh đạo đất nước đồng ý rằng chế độ nô lệ đi ngược lại các nguyên tắc bình đẳng của cuộc Cách mạng Mỹ, họ đồng tình rằng nó nên được coi là một chủ đề cấm kỵ, ít nhất là vào thời điểm đó. Ellis viết, với các mối đe dọa ly khai của bang South Carolina và Georgia, họ tin rằng vấn đề bãi bỏ (chế độ nô lệ) "có nguy cơ chính trị làm tiêu diệt Hợp chúng quốc Hoa Kỳ" — một niềm tin sẽ được nhấn mạnh bảy thập kỷ sau đó khi sự trì hoãn các cuộc tranh luận nổ ra thành Nội chiến.

Chắc chắn bạn đọc sẽ dễ dàng phản đối một số kết luận của Ellis. Ví dụ, ông lập luận rằng "người ta sẽ khó mà tìm ra một nhiệm kỳ tổng thống nào bị chi phối bởi một vấn đề duy nhất trong chính sách đối ngoại và đồng thời chia rẽ trong nước về cách giải quyết vấn đề đó" nhiều hơn nhiệm kỳ của John Adams — một nhận định dễ dàng bỏ qua những khổ ải mà Lyndon B. Johnson phải hứng chịu vì vấn đề Việt Nam.

Bất chấp những sơ suất đó, Ellis đã làm một công việc đáng ngưỡng mộ khi truyền đạt tâm trạng của nền cộng hòa Mỹ non trẻ, và ông sử dụng những kỹ năng được mài giũa trong hai cuốn sách trước đó của mình — những tiểu sử hết sức thông minh về Adams ("Passionate Sage"'Nhà hiền triết sôi nổi') và Jefferson ("American Sphinx"'Người Mỹ bí ẩn') - để mang đến cho chúng ta những bức chân dung sống động về thế hệ những nhà cách mạng. Ông đã viết một cuốn sách sâu sắc và thông minh, giống như một loạt các bức ảnh chụp về một thời kỳ lịch sử và về các nhà lãnh đạo lừng danh cũng như ít tên tuổi, hơn là một tác phẩm lịch sử truyền thống.

Đăng Duy
NYTimes

Tags: book

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc