Nhập cư vào Nhật Bản: Khe cửa hẹp

Photo credit: The Economist.

Dù cay đắng nhưng Nhật Bản đang bắt đầu chấp nhận sự thật rằng nước này cần nhiều người nhập cư hơn.

Trong khu phố Shin-Okubo của Tokyo, bầu không khí phảng phất mùi thức ăn Hàn Quốc và loáng thoáng những câu tiếng Hàn tiếng được tiếng mất. Một siêu thị bán kimchi nằm bên cạnh một cửa hàng bán kebab Ấn Độ -- nơi có dán những tờ rơi ca ngợi đạo Hồi, tôn giáo của người chủ quán sinh ra ở Calcutta. Đại diện một văn phòng nhà đất địa phương giới thiệu các nhân viên biết nói tiếng Trung, tiếng Việt và tiếng Thái cùng với bản vẽ mặt bằng của những căn hộ tí hon tại Tokyo.

Shin-Okubo là một trường hợp hiếm thấy ở Nhật Bản. Đất nước này vẫn tương đối khép kín với người nước ngoài, nhóm người chỉ chiếm 2% trong tổng số dân 127 triệu người, so với mức trung bình 12% của các nước thuộc tổ chức OECD, nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, Nhật Bản rất thiếu người lao động. Không dưới 83% các doanh nghiệp Nhật gặp khó khăn trong việc thuê nhân công, theo Manpower, một công ty chuyên về tuyển dụng. Đây là mức cao nhất trong các quốc gia mà công ty này khảo sát. Và những khó khăn này có thể ngày càng nghiêm trọng. Dân số được dự kiến sẽ giảm xuống còn 87 triệu người vào năm 2060, và số dân trong độ tuổi lao động (15-64) giảm từ 78 triệu người xuống còn 44 triệu người, do lão hóa. Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản (The Keidanren), và các doanh nhân nổi bật như Takeshi Niinami, người đứng đầu của công ty nước giả khát Suntory, từ lâu đã ủng hộ vấn đề nhập cư.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết ông muốn nâng tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động và tăng tuổi về hưu, trước khi chấp nhận những người lao động nước ngoài. Nhưng dù sao chính phủ của ông cũng đã thực hiện một số biện pháp để thúc đẩy nhập cư. Lệnh cấm cấp thị thực cho người lao động có tay nghề thấp đã được nới lỏng, cùng với các phê duyệt cho phép người giúp việc nước ngoài làm việc tại các đặc khu kinh tế. Vấn đề đang được bàn luận hiện nay là những quy định về chế độ cho những người Philippines đang làm giúp việc gia đình . Việc cấp thị thực cho sinh viên và thực tập sinh dễ dàng hơn. Và chính quyền thường làm ngơ trước những cá nhân lợi dụng việc này để thuê nhân công cho các công việc lao động tay chân, ít đòi hỏi học vấn tại các cửa hàng tạp hóa, (thường thuê người Trung Quốc) hoặc trong các ngành lâm nghiệp, ngư nghiệp, nuôi trồng và chế biến thực phẩm. Visa của tập sinh có thể gia hạn từ ba đến năm năm. Ông Abe cũng tuyên bố rằng ông sẽ giảm thời gian tạm trú -- điều kiện để được cấp thẻ thường trú -- xuống mức "thấp nhất trên thế giới", có lẽ xuống dưới ba năm (còn kém mức “thấp nhất” rất nhiều) từ mức hiện tại là năm năm.

Tất cả những điều này đã bắt đầu tạo ra sự thay đổi. Năm ngoái, số người nước ngoài được cấp thẻ thường trú đã đạt kỷ lục 2,23 triệu người, tăng 72% so với hai thập kỷ trước đây, và số lượng người có thị thực không thường trú cũng đang tăng lên. Nhưng có vẻ mục tiêu (của chính phủ Nhật) là tăng số lao động tạm thời và một hệ thống ưu đãi hơn cho công nhân lành nghề, chứ không phải việc định cư cho người nước ngoài trên quy mô lớn. Chỉ một số rất ít người nước ngoài trở thành công dân Nhật Bản và số người được tị nạn thậm chí còn ít hơn: 27 người trong năm 2015, tức chỉ khoảng 0,4% số đơn xin được chấp nhận.

Một số người đã lên tiếng ủng hộ mở rộng cánh cửa nhập cư hơn. Hidenori Sakanaka, nguyên lãnh đạo một cơ quan phụ trách việc nhập cư, hiện đang đứng đầu Viện Chính sách nhập cư của Nhật Bản, ước tính Nhật Bản cần 10 triệu người nhập cư trong 50 năm tới. Ít nhất, đất nước này cần có một chính sách rõ ràng về việc tiếp nhận nhân công lao động nước ngoài, thay vì phớt lờ việc lạm dụng sinh viên và thực tập sinh, theo Shigeru Ishiba, một nghị sĩ nổi bật trong Đảng Dân chủ Tự do, người được kỳ vọng sẽ thách thức ông Abe ở vị trí lãnh đạo đảng vào năm 2018. Chính phủ cần phải có kế hoạch chi tiết về số người chính phủ muốn kêu gọi nhập cư và khung thời gian cần để thực hiện, ông nói.

Dư luận cũng đang dần thay đổi. Cuộc thăm dò gần đây của WinGallup cho kết quả đáng ngạc nhiên khi nhiều người Nhật ủng hộ vấn đề nhập cư hơn là phản đối nó -- 22% và 15% -- mặc dù có tới 63% cho biết họ không chắc chắn. Tuy nhiên, chào đón một số lượng lớn người nước ngoài nhập cư với sự nồng ấm là điều khó xảy ra. Những người dân tộc chủ nghĩa ở Nhật Bản không có sức mạnh của phong trào chống nhập cư trên diện rộng ở châu Âu. Nhưng đất nước này tự hào về tính thuần nhất của mình, và mặc dù các phương tiện truyền thông đã thôi không còn đổ lỗi tất cả các tệ nạn xã hội lên người nước ngoài như một phản xạ, sự phân biệt đối xử vẫn còn rất gay gắt. Nhiều chủ nhà trọ sẽ công khai từ chối người thuê trọ nước ngoài, Li Hong Kun, một nhân viên nhà đất người Trung Hoa, làm việc ở Shin-Okubo cho biết, bởi vì họ không tuân thủ các nguyên tắc như là giữ yên tĩnh sau mười giờ đêm và phân loại rác đúng cách (một nhiệm vụ khá phức tạp). Những người khác lại cho rằng các cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu là một lý do để giữ Nhật Bản cho riêng người Nhật. Theo Tatsuya Mizuno, tác giả của một cuốn sách về cộng đồng người Brazil gốc Nhật, những người được khuyến khích nhập cư vào Nhật trong những năm 1980, họ chưa bao giờ thực sự được chấp nhận là người Nhật dù có dòng máu Nhật Bản trong người.

Ngay cả ông Sakanaka và ông Ishiba cũng nghĩ rằng tất cả những người nhập cư phải học ngôn ngữ và phong tục nước bản địa, chẳng hạn như thể hiện sự tôn kính đối với gia đình hoàng gia. Nhưng về mặt kinh tế, việc cần một làn sóng nhập cư lớn hơn là điều không thể phủ nhận. Đối với những người luôn nói về sự hồi sinh của quốc gia như ông Abe, những lựa chọn khác rất ít ỏi.

Minh Thu
The Economist

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc