Sư tử tỉnh giấc: lịch sử hiện đại về ngân hàng HSBC

Sư tử tỉnh giấc: lịch sử hiện đại về ngân hàng HSBC, tác giả Richard Roberts và David Kynaston

Jeremy Warner khám phá sự phát triển của HSBC từ tiền đồn của một đế quốc tới đầu tàu khổng lồ trên toàn cầu

Bài điểm sách của Jeremy Warner,
Ngày 05 tháng 4 năm 2015.

Năm nay là năm có nhiều ngày kỷ niệm quan trọng. Chúng ta có kỷ niệm
800 năm ngày ra đời của Đại hiến chương Magna Carta, kỷ niệm 600 năm ngày chiến thắng Agincourt, và kỷ niệm 200 năm ngày chiến thắng Waterloo. Ít người biết rằng năm nay cũng là kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Ngân hàng HSBC, ngân hàng lớn nhất nước Anh hiện nay. Nhân dịp này, hai giáo sư ưu tú về lịch sử tài chính, Richard Roberts đến từ đại học King’s College London và David Kynaston đến từ đại học Kingston, đã viết một cuốn sách rất ấn tượng, chi tiết và dễ hiểu về con đường đi lên của HSBC trở thành một trong những tập đoàn ngân hàng đa dạng về địa lý và quyền lực nhất trên thế giới.

Cuốn sách không kỳ vọng cung cấp một hiểu biết lịch sử toàn diện, dù đôi khi khiến người đọc nản chí vì độ dài của nó. Lịch sử hình thành trong 100 năm đầu tiên của HSBC được điểm qua rất nhanh. Đúng hơn, cuốn sách hầu như tập trung hoàn toàn vào sự tăng trưởng bùng nổ của HSBC kể từ khi Trung Hoa quyết định mở cửa với thương mại thế giới vào cuối những năm 1970, những năm HSBC, thông qua hàng loạt các
vụ sáp nhập ngày càng táo bạo, chuyển mình từ tiền đồn của một đế quốc -- nơi những chuyên gia tài chính người Anh bắt đầu sự nghiệp của họ và sống trong các khu tập thể dã chiến ở Thái Bình Sơn đỉnh, Hồng Kông -- rồi trở thành đầu tàu khổng lồ toàn cầu như ngày nay. Tuy là điều bất thường với một ngành công nghiệp đã trở nên nổi tiếng vì những hành vi liều lĩnh và chất chứa lòng tham, nhưng văn hóa phòng ngừa rủi ro và tính toán chi li mà những người điều hành HSBC được đào tạo, về căn bản vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Người dân đã không đổ xô tới HSBC để rút tiền trong cuộc khủng hoảng tài chính gần đây. Ngược lại, HSBC đã trở thành một trong số ít những nơi trú ẩn tin cậy trong cơn bão. Tuy nhiên, việc vung tay mua bán suốt 40 năm qua đã đặt ngân hàng trước một loạt các vụ bê bối gây sốc và những tổn thất không cần thiết, tạo ra những nghi ngờ nghiêm trọng về tính bền vững của mô hình nhất quán toàn cầu mà HSBC đã không ngừng theo đuổi.

Với những người ít nhất đã từng trải qua một phần của lịch sử này, cuốn sách "The Lion Wakes" ("Sư tử tỉnh giấc") mang đến một chuyến du hành về quá khứ rất cuốn hút và cái nhìn thấu đáo, hấp dẫn về những phức tạp và thách thức mà nền tài chính hiện đại đang phải đối mặt. Trong thời buổi giới báo chí tài chính hả hê đả kích thô bỉ giới ngân hàng, hai tác giả Roberts và Kynaston mang tới một câu chuyện dễ tiếp cận, mới lạ và công bằng về thành công -- cũng như thất bại -- trong lịch sử của một tổ chức tài chính đặc biệt thuộc Anh quốc.

Vụ bê bối gần đây nhất đã nhấn chìm HSBC -- vụ thông đồng trốn thuế với khách hàng của dịch vụ ngân hàng cá nhân cao cấp thuộc chi nhánh HSBC Thụy Sĩ -- xuất hiện quá muộn để các tác giả có thể có khám phá toàn diện về mức độ hệ trọng và những bài học từ nó. Tuy nhiên, đối với những ai vẫn đang tìm hiểu làm thế nào mà một ngân hàng có vẻ được quản lý tốt lại có thể lầm đường lạc lối xa đến vậy, cuốn sách The Lion Wakes mang đến những lời giải thích ở mức độ đáng kể.

HSBC bắt đầu kinh doanh với một chi nhánh duy nhất ở Hồng Kông vào năm 1865, một hải cảng do người Trung Hoa nhượng lại cho Anh theo Hiệp ước Nam Kinh. Khác với tất cả các ngân hàng khác đang tề tựu ở vùng đất dân tứ chiếng này, vốn đã có sự tăng trưởng bùng nổ về tài trợ thương mại châu Á, HSBC là ngân hàng đầu tiên được thành lập và vốn hóa ngay tại địa phương. Tất cả các tổ chức còn lại chỉ là văn phòng chi nhánh của các ngân hàng Anh và ngân hàng nước ngoài khác. Điều này ngay lập tức mang đến cho HSBC chỗ đứng trên Trung Hoa lục địa mà các đối thủ cạnh tranh không có.

Tuy nhiên, ngân hàng này luôn duy trì liên kết chặt chẽ với mẫu quốc, phần lớn các nhân viên cấp cao của ngân hàng đến từ đây, và khi Hồng Kông vươn lên trở thành một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất vùng Viễn Đông trong suốt những năm 1960 và 1970, HSBC bắt đầu có những tham vọng toàn cầu. Tiếp theo đó là hàng loạt các vụ sáp nhập quốc tế, bước đầu đưa ngân hàng vào Mỹ và sau đó là châu Âu và châu Mỹ Latinh. Nhưng thật kỳ lạ, HSBC gặp rất nhiều khó khăn khi quay trở lại Vương quốc Anh.

Nỗ lực đầu tiên của họ, đề nghị mua lại Royal Bank of Scotland, đã bị ngăn cản bởi chủ nghĩa dân tộc mới nổi ở Scotland -- kỳ lạ ở chỗ nhiều quản lý cấp cao của HSBC có gốc gác là người Scotland -- cũng như sự kiên quyết phản đối của Ngân hàng Trung ương Anh quốc, dường như coi HSBC là một kiểu thuộc hạ của Trung Hoa. Nếu HSBC thành công, không rõ cuộc khủng hoảng tài chính đã khác đi và ít nghiêm trọng hơn như nào. Cuối cùng, Willie Purves -- chủ tịch khi đó của HSBC -- quyết định mua Midland Bank, nhưng kể cả khi đó, ông vẫn phải chuyển trụ sở của ngân hàng về London để chiếm được lòng tin của Ngân hàng Trung ương Anh quốc.

Tuy nhiên, đây lại là một trong những thương vụ sáp nhập thành công của HSBC. Các thương vụ khác dường như chẳng mang lại gì ngoài rắc rối, đáng chú ý nhất là vụ mua Household International ở Mỹ, khiến HSBC rơi vào tâm điểm vụ sụp đổ cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ. Ngay cả ở thời điểm đó, một vài năm trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, khó có thể hiểu vì sao HSBC lại muốn đầu tư vào một ngân hàng có vẻ như nhiều rủi ro như vậy. Dù gì đi nữa, việc theo đuổi mua bán sáp nhập chỉ để nhằm mở rộng quy mô đã làm nảy sinh một loạt các vụ bê bối và án phạt, từ gian lận giao dịch ngoại hối đến vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ, rửa tiền cho các băng đảng ma túy Mexico và giúp khách hàng trốn thuế ở châu Âu.

Tất cả các thương vụ lớn đó đều liên quan đến những gì mà các chuyên gia về mua bán sáp nhập gọi là "rủi ro giao dịch", và có lẽ không ở đâu nhiều hơn ngành ngân hàng, nơi bạn không bao giờ biết chính xác những gì bạn đang mua cho đến khi những bê bối liên quan được phơi bày (until the skeletons come tumbling out of the closet). Việc theo đuổi cấu trúc "liên bang" của HSBC trong hoạt động ngân hàng toàn cầu của họ, với sự quản lý tập trung ở mức tối thiểu, là một mầm mống tai họa xét trên nhiều phương diện.

Và đây cũng là nghịch lý lớn nhất trong quá trình đi lên của HSBC thời hậu chiến. Chỉ riêng quy mô và sự đa dạng, cùng với tiềm năng huy động tiền gửi ở châu Á của ngân hàng này, đã cho phép họ vượt qua được cơn khủng hoảng tài chính tương đối nguyên vẹn. Không giống các ngân hàng khác, họ không cần gói cứu trợ nào. Nhưng đồng thời, nó cũng khiến ngân hàng này dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết trước những cú sốc bất ngờ về danh tiếng. Ở khía cạnh nào đó, HSBC đã tự rơi vào trường hợp điển hình của vấn nạn "quá lớn và quá phức tạp để quản lý". Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, môi trường pháp lý cũng trở nên thù địch đáng kể hơn với mô hình ngân hàng nhất quán toàn cầu của HSBC. Đây là một cuốn sách tuyệt vời, nhưng có lẽ vẫn còn dang dở. Chương bàn về việc liệu HSBC có thể chứng minh các cáo buộc dành cho họ là sai lầm, hoặc cuối cùng bắt buộc phải rút lui về châu Á hay không, vẫn là điều còn bỏ ngỏ.

Phương Anh
Telegraph

Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc