Hôn nhân ở Nhật Bản: Tôi không đồng ý

Hầu hết người Nhật muốn kết hôn, nhưng ngày càng khó.

Cảnh tượng hiếm thấy hơn bao giờ hết. Photo courtesy Yoshihide HANAKI.

SEIKO, một nhà báo 35 tuổi ở Tokyo, là một trong những trường hợp người Nhật gọi là "Mì Năm mới". Một năm kết thúc vào ngày 31 tháng 12, và, tương tự thế, triển vọng về một cuộc hôn nhân như ý của một người phụ nữ Nhật Bản sẽ tan biến khi cô bước qua tuổi 31. Tình hình còn từng tồi tệ hơn: trước đây, từ được dùng là "bánh Giáng sinh " vì quan niệm rằng độ tuổi kết hôn đẹp nhất của một người phụ nữ là 25 tuổi.

Nhưng có lẽ cần bổ sung một từ mới nữa: nam giới và phụ nữ ở Nhật Bản đang có xu hướng kết hôn muộn hơn, hoặc, trong vài trường hợp, không kết hôn. Từ năm 1970, độ tuổi trung bình khi kết hôn lần đầu đã tăng thêm 4,2 tuổi đối với nam và 5,2 tuổi đối với nữ, lần lượt tương ứng là 31,1 và 29,4. Tỷ lệ người Nhật ở tuổi 50 và chưa bao giờ kết hôn đã tăng từ 5% vào năm 1970 lên 16% vào năm 2010 (xem biểu đồ).

Các quốc gia phát triển khác cũng gặp tình cảnh tương tự, nhưng tỷ lệ ở Nhật Bản cao nhất châu Á. (Ví dụ, tỷ lệ người dân Hàn Quốc ở tuổi 50 và không kết hôn là 4%). Và trong khi đó, nếu ở phương Tây, số lượng các cặp vợ chồng đăng kí kết hôn giảm nhưng số các cặp đôi sống chung mà không kết hôn tăng, thì ở Nhật, chỉ có khoảng 1,6% các cặp đôi sống chung như vậy. Vì vậy, ở Nhật Bản, ít các cặp đôi kết hôn hơn có nghĩa là ít trẻ em hơn—tai họa cho một quốc gia có dân số giảm và lão hóa. Chỉ có 2% trẻ em Nhật là con ngoài giá thú, so với hơn 40% ở Anh và Mỹ.

Một số lý do khiến giới trẻ Nhật Bản trốn tránh việc kết hôn cũng giống như ở các nước phát triển khác. Phụ nữ có học vấn cao hơn, theo đuổi sự nghiệp, có thể tự lực về tài chính và không cho rằng gia đình truyền thống là cách duy nhất để có một cuộc sống trọn vẹn. Tuy nhiên cũng có một số lý do khác. Các cặp vợ chồng thường có con ngay sau khi kết hôn, vì vậy những phụ nữ muốn trì hoãn việc sinh nở sẽ trì hoãn hôn nhân. Mặc dù vậy, một phần lớn thanh niên Nhật Bản vẫn muốn kết hôn: 86% nam giới và 89% phụ nữ, theo một cuộc khảo sát được công bố vào năm 2010 bởi Viện Nghiên cứu Quốc gia về Dân số và An sinh xã hội.

Kinh tế là một phần quan trọng của vấn đề. Phụ nữ tìm kiếm người bạn đời có sự đảm bảo về tài chính. Nam giới mong mình có khả năng để thực hiện điều đó. Tuy nhiên đây là một khó khăn, khi ngày càng có nhiều người trẻ đang bế tắc với các công việc tạm thời hoặc bán thời gian. "Tôi không muốn vợ và các con tôi bỏ lỡ những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống chỉ vì tôi không có khả năng chi trả ", Junki Igata, một thực tập sinh 24 tuổi tại một chuỗi khách sạn quốc tế cho biết, và anh sẽ không kết hôn cho đến giữa hoặc cuối tuổi ba mươi. Nam giới làm việc bán thời gian có ít khả năng kết hôn hơn nam giới làm việc toàn thời gian.

Có sự đối lập ở nữ giới: số phụ nữ làm việc toàn thời gian và chưa lập gia đình nhiều hơn so với những người làm việc bán thời gian. Vấn đề của họ là quan điểm truyền thống chưa bao giờ thay đổi về trách nhiệm hôn nhân, thứ khiến một người phụ nữ Nhật Bản khó có thể vừa làm việc toàn thời gian vừa chăm sóc con cái. Chồng của họ thường sẽ muốn họ từ bỏ công việc. (Bạn trai của Seiko của yêu cầu cô làm như vậy chỉ sau ba tháng chung sống; cô từ chối.) Ngoài ra, ở Nhật Bản, việc nhà không được chia sẻ đều giữa vợ và chồng: người chồng chỉ làm việc nhà và chăm con một giờ và bảy phút một ngày, so với khoảng ba giờ của nam giới Mỹ và hai giờ rưỡi của nam giới Pháp.

Và giờ người ta thấy việc gặp nhau cũng khó khăn hơn. Thời của omiai, những cuộc hôn nhân sắp đặt, đã qua rồi. Sinh viên đại học dành thời gian rảnh tham gia các câu lạc bộ để làm đẹp lý lịch khi xin việc bởi việc làm tốt đang trở nên khan hiếm. Công nhân làm việc cực nhọc trong nhiều giờ. Một số người lo rằng nam giới đã trở nên e ngại (hoặc lười biếng) trong việc tiếp cận những người bạn đời tiềm năng.

Kỳ vọng cao đặt ra một rào cản khác. Takako Okiie, "người sắp đặt" tại Partner Agent, một trung tâm mai mối được điều hành bởi những phụ nữ luôn trang điểm đẹp hoàn hảo, cho biết khách hàng thường đòi hỏi rất cao. Họ muốn có một người bạn đời lý tưởng (Okiie nói phải mất 18 tháng để họ bước ra khỏi giấc mơ này) hoặc, ít nhất, một người mà Nhật Bản gọi là "ba ổn": thu nhập ổn, ngoại hình ổn, học vấn ổn.

Những khó khăn người trẻ Nhật Bản gặp phải trong việc hẹn hò và kết hôn là một trong những lý do vì sao tỷ lệ sinh giảm mạnh. Tỷ lệ sinh của một phụ nữ Nhật Bản giảm từ 2,13 con vào năm 1970 xuống mức hiện nay còn 1,42 con. Không mấy ngạc nhiên khi dân số giảm đi.

Một số người lo ngại về số lượng ngày càng nhiều những người thích sống cách ly xã hội và những người được gọi là " độc thân ký sinh": sống cùng và phụ thuộc vào cha mẹ cho đến tuổi trưởng thành. Nhà nước có thể hỗ trợ kinh tế, nhưng các nhóm dân sự và các tổ chức cộng đồng, nơi giúp mọi người cảm thấy hòa nhập với xã hội đã bị suy yếu ở Nhật Bản, như ở các nơi khác. Sự gắn bó từng rất bền chặt giữa người lao động và công ty của họ giờ đã trở nên mờ nhạt với số việc làm ngày càng ít đi. "Tôi lo lắng không biết điều gì sẽ xảy ra khi cha mẹ của họ qua đời ", Masahiro Yamada, một nhà xã hội học tại Đại học Chuo, người đã đặt ra thuật ngữ "độc thân ký sinh" cho biết.

Không nhiều người độc thân có bạn trai hoặc bạn gái, ngay cả khi họ không phải là otaku (người nghiện phim hoạt hình hoặc trò chơi trên máy tính), cũng không phải hikikomori (người tự nhốt mình trong phòng riêng). Ông Yamada cho rằng nếu người ta không kết hôn và không hẹn hò, họ phải làm gì đó để thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Ông đang nghiên cứu liệu họ có những lựa chọn khác như mua dâm, chơi game người yêu ảo, cuồng thần tượng, xem ảnh khiêu dâm hoặc nuôi thú cưng hay không.

Thủ tướng Shinzo Abe rất lo ngại về vấn đề này. Chính phủ của ông muốn phụ nữ sinh nhiều con hơn và vẫn giữ quan niệm rằng hôn nhân là nền tảng của cuộc sống gia đình. Chính phủ còn trợ cấp cho các thị trấn để tổ chức các sự kiện hẹn hò, xây dựng nhiều nhà trẻ hơn và tuần này đã tuyên bố sẽ xóa bỏ một loại thuế hôn nhân khiến phụ nữ đã lập gia đình không muốn có thu nhập vượt quá 1,03 triệu yên (10.000 USD)/ năm.

Những sửa đổi như vậy có thể có ích ít nhiều. Giờ làm việc ngắn hơn cũng tương tự như vậy, nhưng quan trọng hơn, nam giới Nhật Bản cần chấp nhận rằng họ không thể kết hôn với điều kiện (về người bạn đời) như thế hệ cha ông của mình đã từng. Tuy nhiên, các chính phủ thường không thể tạo ra những thay đổi về mặt văn hóa như vậy. Nam giới và phụ nữ Nhật Bản, hoặc sẽ phải tìm ra cách chung sống với nhau, hoặc sẽ độc thân suốt đời.

Minh Thu
The Economist

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc