Quan hệ Nhật-Mỹ: Sau vụ án Rina

Vụ giết người của một cựu quân nhân Mỹ đã châm ngòi cho một cuộc biểu tình lớn.
Phẫn nộ ở Okinawa. Photo credit: The Economist.

Hoa và đồ tưởng niệm của người dân Okinawa đã phủ đầy ngôi mộ tạm trên đường quốc lộ, nơi thi thể Rina Shimabukuro được phát hiện. Nghi can duy nhất trong vụ hiếp dâm và giết người đó, Kenneth Franklin Gadson, nguyên là lính thủy quân lục chiến Mỹ, đã dẫn cảnh sát tới địa điểm hẻo lánh này sau khi bị bắt vào tháng Tư.

Shimabukuro, chỉ mới 20 tuổi khi bị sát hại, đã trở thành biểu tượng mới nhất trong một cuộc xung đột đã kéo dài nhiều thập kỷ về sự hiện diện của các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản. Ngày 19 tháng 6, ước tính có khoảng 65.000 người đã tới tưởng nhớ cô tại một sân vận động ở Naha, thủ phủ quận Okinawa. Cha cô đã viết một lá thư kêu gọi người dân Okinawa đoàn kết và yêu cầu các binh sĩ Mỹ rời đi. Đó là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất với những phản ứng dữ dội nhất trong nhiều năm qua.

Mỹ có 85 căn cứ quân sự trên khắp Nhật Bản, nhưng ba phần tư trong số đó nằm ở Okinawa. Futenma, một căn cứ không quân trên biển, chiếm diện tích hơn năm kilomet vuông ở trung tâm đông đúc của Ginowan, một thành phố nhỏ. Năm 1996, sau khi ba quân nhân Mỹ bị buộc tội cưỡng hiếp một bé gái Nhật Bản 12 tuổi , Mỹ và Nhật Bản đồng ý đóng cửa các căn cứ cũ và xây dựng một căn cứ thay thế gần làng chài yên tĩnh Henoko.

Nhiều người dân địa phương không thích kế hoạch đó, bởi thực tế rằng Okinawa vẫn là nơi có nhiều lính Mỹ đóng quân hơn bất kỳ nơi nào khác trên nước Nhật. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 84% người dân tại Okinawa phản đối việc xây căn cứ tại Henoko — mức cao nhất kể từ khi ông Shinzo Abe, thủ tướng hiện nay, lên nắm quyền vào năm 2012. Các chính trị gia phản đối việc xây dựng căn cứ quân sự, đứng đầu là ông Takeshi Onaga, thống đốc Okinawa, đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương vào ngày 05 tháng 6.

Một Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và một Trung Hoa ngày càng hung hăng đã làm tăng tầm quan trọng về mặt quân sự của Okinawa. Được Mỹ ủng hộ, Nhật Bản đang dần rời xa chủ nghĩa hòa bình bắt nguồn từ sau Thế chiến II. Căn cứ Henoko là trọng tâm trong kế hoạch của ông Abe nhằm tăng phòng thủ quân sự trên chuỗi đảo Ryukyu (gồm 160 đảo nhỏ) của Okinawa. Nhà sử học Gavan McCormack nói Henoko sẽ trở thành "nơi tập trung lực lượng lục quân, thủy quân và không quân lớn nhất ở Đông Á".

Nhưng việc xây dựng đã bị đình trệ từ tháng 3, khi ông Abe chấp nhận đề nghị của tòa án, rằng ông không ép buộc việc xây dựng nếu có sự phản đối của người dân địa phương. Hideki Yoshikawa, một nhà hoạt động phản đối việc xây dựng các căn cứ, nói rằng hiện nay, tình hình đang khá thuận lợi, nhưng sau cuộc bầu cử vào tháng tới, ông nghĩ chính phủ sẽ tái khởi động việc xây dựng.

Nhà khoa học chính trị Mike Mochizuki tại Đại học George Washington ở Washington, DC, cho rằng đây sẽ là một sai lầm. Sự thương xót đối với cái chết của Shimabukuro đang lên đến đỉnh điểm. Nếu ông Abe quá cứng rắn đối với việc xây dựng Henoko, ông có nguy cơ mất đi sự ủng hộ cho các căn cứ khác. Nhưng ông Abe khó mà bỏ cuộc được, bởi vị thế chính trị của ông hiện nay và và bởi cả những hệ quả của liên minh Nhật - Mỹ. Thay vào đó, ông có thể lựa chọn giữ nguyên trạng, mở cửa căn cứ Futenma và để các tranh cãi về nó quay về năm 1995.

Peter Lee, sĩ quan chỉ huy căn cứ Futenma, đổ lỗi cho truyền thông quá hằn học, che lấp những điểm mạnh của liên minh quân sự Nhật-Mỹ. Tính trung bình, lính Mỹ ít phạm tội hơn người dân địa phương. Nhưng nhận thức tâm lý luôn thắng thực tế. Cuối tháng 5, các sĩ quan chỉ huy đã áp đặt lệnh giới nghiêm và cấm rượu một tháng đối với tất cả các quân nhân. Chỉ vài tuần sau đó, một thủy thủ đang nghỉ phép đã lái xe với nồng độ cồn vượt sáu lần giới hạn cho phép và đâm vào hai chiếc xe khác.

Minh Thu
The Economist

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc