Phải làm gì với người cao tuổi Nhật Bản: Cho về quê

Kế hoạch đưa người cao tuổi về vùng nông thôn.

Ở quận Sugamo, Tokyo, dòng người đi qua các cửa hàng bán đồ lót giữ nhiệt và tất chỉnh
hình di chuyển ngày một chậm hơn và mái tóc họ ngày một bạc hơn. Vỉa hè đã được tu sửa để phù hợp với xe lăn. Bảng hiệu viết tay thay thế cho biển hiệu neon. Tuyến phố chính có tới mười hiệu thuốc, hai nhà tổ chức tang lễ và một quán bar karaoke với danh sách bài hát chỉ cập nhật đến những năm 1970.

Vào năm 2060, dân số của Nhật Bản được dự báo sẽ giảm từ 127 triệu xuống còn khoảng 87 triệu, trong đó gần 40% ở tuổi 65 hoặc lớn hơn (xem biểu đồ). Năm ngoái, chính phủ đã bổ nhiệm một vị trí mới trong nội các để "khắc phục suy giảm dân số và khôi phục nền kinh tế địa phương". Chính phủ hiện đang cân nhắc một đề nghị nhằm phục hồi dân số khu vực nông thôn và cắt giảm chi phí chăm sóc người cao tuổi: thuyết phục người cao tuổi ở thủ đô chuyển về vùng quê.

Ủy ban Chính sách Nhật Bản cho biết, trong thập kỷ tới, số dân trên 75 tuổi tại thành phố Tokyo sẽ tăng thêm 1,75 triệu người. Ủy ban này cũng cảnh báo: chăm sóc cho 5,7 triệu người cao tuổi sẽ khiến các dịch vụ vốn đã quá tải càng thêm trầm trọng; các viện dưỡng lão sẽ thiếu giường cho hơn 100.000 người. Ông Yoshihide Suga, Chánh thư ký Nội các cho rằng khuyến khích người cao tuổi rời thành phố sẽ kích thích nền kinh tế các vùng nông thôn. Ý tưởng này gây sự ngạc nhiên lớn. Trong tháng này, Shigeru Ishiba, Bộ trưởng phụ trách vấn đề tái thiết khu vực, đã phủ nhận việc chính phủ cho phục hồi nghi lễ ubasute, một hủ tục cổ xưa cho phép người ta bỏ mặc người già trên núi đến chết. "Chính phủ không hề nói rằng sẽ buộc người dân rời đi", ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Hideki Koizumi của Đại học Tokyo, việc đưa số lượng lớn người cao tuổi về nông thôn không phải là không hợp lý. Dân số suy giảm đang đe dọa xóa sổ hàng trăm ngôi làng ở Nhật Bản. Trong khi đó, cần có một số lượng lớn điều dưỡng viên để chăm sóc tất cả người cao tuổi sống ở Tokyo. Nếu những nhân viên điều dưỡng này từ nông thôn chuyển đến, thủ đô sẽ trở nên đông đúc hơn và sự suy giảm dân số ở nông thôn sẽ diễn ra nhanh hơn. Giải pháp: xây dựng nhà dưỡng lão ở những nơi cách xa thành phố (boondocks) và đưa người cao tuổi tới đó sinh sống.

Ủy ban Chính sách đã xác định được 41 khu vực có thể giúp Tokyo giảm áp lực. Một số khu vực đang xem xét đề nghị này. Thành phố Kitakyushu ở phía tây nam cho biết thành phố chỉ có một mối quan tâm duy nhất: chính phủ chưa trình bày bất kỳ một kế hoạch cụ thể nào về việc chi trả cho thành phố. Theo các chuyên gia, chính phủ sẽ cần phải thực hiện các khoản trợ cấp lớn về nhà ở, chi phí điều dưỡng và những vấn đề khác mà Chính phủ khó có thể chi trả. Ông Keisuke Takayama, phát ngôn viên của Ủy ban, thừa nhận rằng những chi tiết như vậy vẫn đang trong giai đoạn lên kế hoạch.

Còn có một vấn đề khác: người cao tuổi có thể không muốn rời đi. Hầu hết họ thích sống ở những nơi họ đã quen thuộc, được gần gũi với gia đình, ông Koizumi cho biết. Florian Coulmas, một học giả người Đức, cho rằng Tokyo đang dẫn đầu các nhóm nước có sự thay đổi về nhân khẩu học. Sự thịnh vượng và chế độ y tế tuyệt vời của Nhật Bản đã tạo ra một “thành công nghiệt ngã": những người dân có tuổi thọ cao nhất thế giới. Đến một ngày, các nước khác cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự (một số nước đang phải đối mặt rồi), và có lẽ sẽ phải cân nhắc những cách giải quyết không mấy hy vọng như vậy.

Xuân Anh
The Economist

Tags: japan

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc