Liên kết “bốn nhà” để thực hiện giấc mơ “Dược sơn”

by Hương Lan, shared via Tia Sáng.
-----
Năm 1998, khi Traphaco khởi động dự án vùng trồng dược liệu tại Sapa, cả thị trấn miền núi chỉ còn lại vài cây Actiso cuối cùng. 18 năm sau, Actiso đã phủ xanh các xã Sa Pả, Tả Phìn…, trở thành cây thuốc chủ lực của Traphaco và “Cây đổi đời” của bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Như lời ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng giám đốc Traphaco, bí quyết kinh doanh dược liệu thành công gói gọn trong bốn từ: Liên kết bốn “nhà”.

Kỹ sư của Traphaco Sapa hướng dẫn bà con chăm sóc cây Actiso. Nguồn ảnh: Traphaco Sapa.

Từ Actiso đến giấc mơ “Dược sơn”
Nhắc đến những vườn Actiso trải rộng trên 70 ha, bên cạnh đó là các vườn Đương quy, Bạch truật, Giảo cổ lam, Chè dây… đều đang kỳ “bội thu”, Phó Tổng giám đốc Traphaco Nguyễn Huy Văn tiết lộ một giấc mơ lớn: Tạo nên một Dược sơn1 - Núi thuốc huyền thoại thứ hai tại Sapa. Tất nhiên, đó là kế hoạch trong tương lai, khi thị trấn miền núi này đã trở thành một vựa cây thuốc khổng lồ, cho năng suất dồi dào, ổn định. Gần 20 năm trước, dự án phát triển bền vững nguồn dược liệu của Traphaco cũng thành hình từ một giấc mơ lớn: Chủ động về dược liệu. Khi đó, vì nhiều lý do như: người dân khai thác tràn lan không tái tạo, xuất khẩu ồ ạt, tất cả các công ty dược của Việt Nam đều rơi vào tình cảnh thiếu nguyên liệu “sống còn” - dược liệu, phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, vừa đắt, vừa chông chênh và có khi không đảm bảo chất lượng. Theo thống kê của Bộ Y tế, tới 70% dược liệu dùng trong y học cổ truyền đều là nhập khẩu. Muốn thoát khỏi tình trạng lệ thuộc đó chỉ có cách tự trồng cây thuốc. Nhưng, trồng cây gì, trồng ở đâu và trồng thế nào lại là bài toán khó.

“Chúng tôi nhận ra, muốn phát triển bền vững, tạo nguồn dược liệu đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, bắt buộc phải phát triển vùng trồng dược liệu ở các tỉnh miền núi – nơi có khí hậu thích hợp cho cây thuốc tăng trưởng”, ông Huy Văn chia sẻ. Năm 2008, dự án Greenplan (Dự án xanh) được Traphaco triển khai tại Sapa, nơi trước đây từng là vùng trồng dược liệu lớn của phía Bắc. Actiso được chọn làm cây thuốc chủ lực, ngoài chuyện hợp thổ nhưỡng và tiềm năng kinh tế còn vì một lý do: Đầu thế kỷ XX, Actiso từng được người Pháp di thực đến Sapa trước tiên, sau đó, mới tới các vùng khác. Nhưng đến khi Actiso trở thành “cây kinh tế” tại một số địa phương, đặc biệt là Đà Lạt thì cả Sapa chỉ còn lại vài cây do không được “đầu tư”. Greenplan thành công cũng có nghĩa cây Actiso được hồi sinh trên chính “quê hương”. Với Actiso, Traphaco xác định, không thể có ngay diện tích trồng lớn, nhưng về chất lượng, mỗi lứa Actiso đều phải đạt tiêu chuẩn GACP (Good Agricultural and Collection Practices – Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc) do WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) ban hành. Nói đến chất lượng cây thuốc là nói đến hoạt chất nhiều hay ít và tỷ lệ này hoàn toàn phụ thuộc vào việc cây giống có tốt hay không. Nhưng, theo lời ông Huy Văn, “Cây giống chính là vấn đề nan giải của ngành dược liệu. Cây thuốc nào cũng thiếu giống và không có giống tốt. Nói như TS Trần Văn Ơn (Bộ môn Thực vật, Đại học Dược Hà Nội) thì ‘Động đâu chết đấy!’”.

Để “giải” bài toán cây giống, Traphaco đã mời các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu trồng cây thuốc Sapa (Viện Dược liệu) và Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây ôn đới Sapa (Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) “vào cuộc”, không ngại “chi mạnh” để “kéo” các nhà khoa học tham gia chuỗi phát triển giá trị dược liệu, “chung sức” cùng doanh nghiệp và người nông dân từ khâu đầu tiên – cây giống đến khâu cuối cùng – thu hái, đảm bảo cả quy trình trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái đều đạt chuẩn GACP - WHO. Kết quả, đến nay, Traphaco đã chủ động được nguồn dược liệu dù khối lượng dược liệu sử dụng mỗi năm rất lớn – 4.000 tấn. Năm cây thuốc chủ lực của công ty, trong đó có Actiso, đều được Bộ Y tế cấp chứng nhận GACP - WHO. Ngoài vùng trồng Actiso, Chè dây, Đương quy… đang phát triển rất tốt và, Giảo cổ lam đang vào giai đoạn chuyển giao đề tài, lựa chọn giữa cây năm lá hay bảy lá, sắp tới, Traphaco còn tiến hành nuôi cấy Đông trùng hạ thảo. Nếu xét trên sản lượng, chất lượng và tốc độ phủ xanh cây thuốc tại Sapa, có thể nói, giấc mơ “Dược sơn” không quá tầm với!

Phát triển bền vững trên nguyên tắc cùng có lợi
Traphaco là đơn vị tiên phong ứng dụng mô hình “Bốn nhà” sang lĩnh vực dược liệu, bắt đầu từ Actiso, bởi trước hết, dược liệu là một loại nông sản đặc biệt, chất lượng được đánh giá dựa trên tỷ lệ hoạt chất. Ngoài ra, nếu thiếu dược liệu, dẫu đắt mấy doanh nghiệp vẫn phải mua vì bớt một thành phần thì thuốc thành thuốc giả. Còn nếu thừa cũng không sử dụng được mà có khi phải tốn tiền tiêu hủy. Do đó, cần có sự liên kết chắt chẽ giữa người sản xuất và người tiêu thụ. Đồng thời, mô hình “Bốn nhà” cũng phù hợp với triết lý kinh doanh của Traphaco: Phát triển bền vững trên nguyên tắc cùng có lợi, tức là, lợi ích của các đối tác tham gia vào chuỗi phát triển giá trị dược liệu được coi trọng như nhau.

Nhận thức rõ, trong mô hình “Bốn nhà”, doanh nghiệp và người nông dân chính là chủ nhân của chuỗi phát triển giá trị dược liệu còn nhà nước và nhà khoa học đóng vai trò tác nhân nên trước khi mở vùng trồng dược liệu ở Sapa, Traphaco đã làm việc với Ủy ban nhân dân thị trấn, xã về quy hoạch diện tích trồng, đồng thời, ký cam kết bao tiêu toàn bộ dược liệu hằng năm theo đúng kế hoạch. Và, với một số cây thuốc chủ lực như Actiso, nếu đạt chuẩn GACP - WHO, công ty sẽ thu mua với giá cao hơn thị trường ít nhất 10%. Tham gia chuỗi phát triển giá trị dược liệu, chính quyền thị trấn, xã vừa là “trọng tài”, vừa làm công tác tuyên truyền, giúp doanh nghiệp “đả thông tư tưởng” cho bà con nông dân. “Nếu không có ‘tiếng nói’ của lãnh đạo địa phương, Traphaco chắc chắn khó thuyết phục người dân, đa số là đồng bào dân tộc ít người, trở thành đối tác trong dự án phát triển vùng dược liệu tại Sapa”, ông Huy Văn nhấn mạnh.

Thử thách “xương” nhất chương trình Thách thức doanh nghiệp Việt Nam đặt ra cho các doanh nghiệp là: Tôi hỗ trợ anh 1.000 USD, hãy tạo ra 20 việc làm cho bà con nông dân. Đến giờ, ý nghĩa cao nhất của giải thưởng luôn được Traphaco trân trọng, đó là: Sáng tạo không ngừng vì lợi ích của chính mình và đối tác.

Tất nhiên, để thay đổi tập quán canh tác là cả một vấn đề, nhất là khi đa số bà con nông dân ở các xã như Sa Pả, Tả Phìn… không biết chữ, không biết nói tiếng Kinh, cũng không có khả năng kinh tế và kỹ thuật để hiện đại hóa quy trình trồng và thu hái cây thuốc. Cái gọi là chuẩn Organic hay GACP hoàn toàn xa lạ với họ. Actiso tuy là cây thuốc dễ trồng, không đòi hỏi quá nhiều công chăm bón nhưng lại khá đỏng đảnh ở khâu thu hoạch. Chỉ lá tươi mới cho nhiều hoạt chất. Lá héo lập tức hoạt chất bị phân hủy. Theo yêu cầu của Bộ Y tế, để được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GACP, mỗi một cây thuốc phải có hồ sơ được ghi chép tỉ mỉ hằng ngày và phải đảm bảo chất lượng, tức tỷ lệ hoạt chất cao. Bởi vậy, ngoài việc “nhờ cậy” cán bộ thị trấn, xã thực hành trước để “làm gương” cho bà con, Traphaco đã “mạnh tay” đầu tư cho cả chuỗi sản xuất, từ việc cấp giống, ứng giống đến tập huấn, hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, đốc thúc, giám sát… Tuy nhiên, trong một số công đoạn cũng phải linh hoạt, chẳng hạn, cho phép bà con “đánh dấu” thay vì ghi chép. Năm 2013, Quỹ Xoay vòng được thành lập với số tiền luôn ở mức trên 2 tỷ đồng, hoạt động theo cơ chế tạm ứng và chỉ nhằm mục đích hỗ trợ bà con trồng dược liệu trong trường hợp khẩn cấp như vấn đề cây giống, mất mùa do thiên tai… Ý tưởng của Quỹ được hình thành sau khi Traphaco giành chiến thắng tại chương trình Thách thức doanh nghiệp Việt Nam2 với mô hình phát triển một số cây dược liệu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Actiso, Đương quy, Chè dây…

Nhằm gia tăng lợi ích cho đối tác, cụ thể là người nông dân ở Sapa, sau khi sản lượng Actiso hằng năm bắt đầu ổn định, Traphaco Sapa đã nghiên cứu mở rộng sản phẩm, ngoài cao đặc, cao khô, cao mềm “bán” cho công ty “mẹ”, bà con được hướng dẫn thử nghiệm một số sản phẩm bản địa phục vụ khách du lịch như: trà Actiso, phấn ong, mật ong Actiso… Ngoài ra, Traphaco cũng đầu tư 50 tỷ đồng để xây dựng một nhà máy sản xuất chế biến dược liệu đặt tại Sapa, dự kiến chính thức hoạt động vào cuối năm nay. Đó như một cam kết với bà con: Tất cả dược liệu do người nông dân trồng, thu hái đều được doanh nghiệp bao tiêu, chế biến, mang lại thu nhập bền vững cho người sản xuất. Sau gần 10 năm Traphaco triển khai dự án GreenPlan tại Sapa, đã có 300 hộ dân tham gia trồng dược liệu. Từ chỗ phải nhờ cán bộ huyện, xã đi vận động người dân, đến nay, các cán bộ “nằm vùng” của Traphaco được bà con dân tộc thiểu số xem như người nhà. Để có được sự tin tưởng quý giá đó, chỉ có cách tận tâm, thật lòng, gắn bó với bà con, mở rộng ra là đối tác. Theo ông Huy Văn, đó cũng là chính là tinh thần các nhà sản xuất và kinh doanh dược liệu cần phải có nếu muốn phát triển bền vững!
---------
1 Vườn thuốc huyền thoại được nhà Trần phát triển tại núi Chí Linh (Hải Dương) với mục đích cung cấp dược liệu chữa bệnh cho quân sĩ. Dược Sơn được xem là vườn thuốc Quốc gia đầu tiên của Việt Nam.

2 Chương trình Thách thức doanh nghiệp Việt Nam do Quỹ Thách thức doanh nghiệp Việt Nam (hoạt động với sự tài trợ của Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh) tổ chức. Quỹ có mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam xây dựng mô hình kinh doanh sáng tạo cùng người thu nhập thấp.

Tags: work

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc