Cú đánh vớt vát: Các sân gôn ở Nhật Bản đang tìm động lực mới

Photo courtesy yo &.

Các gôn thủ trên 60 tuổi đang chiếm một nửa trong tổng số 9 triệu gôn thủ của Nhật Bản.

Chiếc gậy đánh gôn mạ vàng trị giá 4.700 USD mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tặng Tổng thống đắc cử Donald Trump trong cuộc gặp đầu tiên của họ vào tháng trước có lẽ là một hành động ngoại giao đầy tinh tế. Nhưng điều đó cũng không thể giúp Nhật Bản hồi sinh Honma - một thương hiệu hào nhoáng từng xưng danh là "tầng lớp quý tộc của gôn", có lẽ là vì công ty này chế tác ra những cây gậy đánh gôn đắt nhất thế giới. Công ty này đã phá sản khi bong bóng kinh tế của Nhật Bản lan tới các sân gôn mới. Bảy năm trước, một doanh nhân Trung Quốc đã mua lại công ty với hy vọng có thể khôi phục nó.

Gôn, từ lâu gắn với sự xa hoa lãng phí ở Nhật Bản, đang giảm sút. Các câu lạc bộ đã phải giảm lệ phí do trào lưu chơi gôn của người Nhật đã giảm hơn 40% so với những năm đầu thập niên 1990. Như những nơi khác, các sân gôn luôn ở trong tình trạng cung vượt cầu: Nhật Bản có đến hơn 2.300 sân gôn - chiếm một nửa trong tổng số sân gôn của châu Á.

Tính từ năm 2010 đến nay, đã có hơn 120 sân gôn tuyên bố đóng cửa. Khoảng 70 sân gôn đã chuyển đổi thành nhà máy năng lượng mặt trời do kể từ sau sự cố vào tháng 3 năm 2011 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi, nhà nước tuyên bố sẽ trợ cấp cho việc sản xuất năng lượng thay thế. Một vài sân gôn khác trở lại làm đất nông nghiệp. Ông Junichi Oishi thuộc Hiệp hội chủ sân gôn Nhật Bản tại Tokyo cho rằng: trong vòng một thập kỷ nữa, có ít nhất 500 sân gôn buộc phải đóng cửa.

Theo ông Yuki Morita thuộc Hiệp hội gôn Nhật Bản, tổ chức hỗ trợ các gôn thủ và câu lạc bộ: Từ lâu, sức khỏe của ngành công nghiệp gôn chính là tấm gương phản chiếu cho nền kinh tế của đất nước này. Đó là do tầm quan trọng của gôn settai – chơi gôn để mời mọc làm ăn. Trong những năm cuối thập niên 1980, thẻ hội viên tại các sân gôn có giá trị đến mức chúng được đem ra để kinh doanh giống như cổ phiếu qua tay các nhà môi giới, loại thẻ đặc biệt nhất có giá lên đến 2 triệu USD. Những nhân viên mới được tuyển dụng đều sẽ phải biết chơi môn thể thao này.

Rất nhiều gôn thủ trong thời kỳ bong bóng kinh tế đó giờ đã là những người đang hoặc sắp nghỉ hưu. Nhưng dù ít hay nhiều thì hiện tượng dân số già của Nhật Bản vẫn sẽ đem lại một nguồn lợi ích cho nền công nghiệp gôn của đất nước này, nhu cầu chơi của các bậc hưu trí với thời gian rảnh rang trong tay ngày càng gia tăng (họ dành đến hàng giờ đồng hồ để đi tàu từ Tokyo đến các sân gôn, và phong cách chơi thường rất chậm rãi, kể cả so với tiêu chuẩn quốc tế dành cho môn thể thao này, thậm chí còn thời gian nghỉ ăn trưa, uống bia và tắm thư giãn tại các suối nước nóng.) Các tay gôn ở độ tuổi 60 và 70 đang chiếm một nửa trong tổng số các gôn thủ của Nhật Bản. Gôn kiểu Ohitorisama, tức là ‘đi một mình, chơi theo cặp’ đang rất được ưa chuộng: những người lớn tuổi thường đến các sân gôn một mình, sau đó tìm kiếm một người đơn độc khác để chơi cùng.

Nhưng điều này không bù đắp được nguồn cầu từ các công ty đã suy giảm còn thế hệ trẻ thì không hứng thú. Seishiro Eto, một nghị sĩ và là chủ tịch một câu lạc bộ gôn trong Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền cho biết: các gôn thủ trẻ không có đủ khả năng trả lệ phí có giá khoảng 20.000 yên (tương đương 180 USD) cho một vòng chơi 18 lỗ. Điều gây cản trở ở đây chính là khoản thuế giải trí, thứ mà ông Eto muốn bãi bỏ (các tay gôn thủ trên 70 tuổi sẽ không phải trả khoản phí này). Đến năm 1989, loại thuế trên đã được hủy bỏ đối với đa số các hình thức vui chơi, bao gồm bida, mạc chược, ngoại trừ gôn - môn được cho là thú vui xa xỉ của doanh nghiệp.

Sự tăng trưởng kinh tế chậm cũng đã vắt kiệt nguồn ngân sách dành cho giải trí của các doanh nghiệp. Tại câu lạc bộ thể thao ngoài trời Kanuma ở quận Tochigi, phía bắc Tokyo, chỉ một phần mười trong số các sân gôn đã được đưa vào sử dụng thuộc kiểu gôn settai, giảm từ mức hơn một nửa so với những năm 2000. Vào thời điểm đó, nhiều công ty không tiếc tiền mua những bữa trưa đắt tiền và quà lưu niệm cho các khách hàng của mình. Theo trưởng phòng PR của một tập đoàn công nghệ lớn, thậm chí tới ngày nay, các giao dịch lớn giữa các giám đốc điều hành cũng thường chỉ diễn ra sau khi họ đã chơi một hiệp với nhau. Nhưng hiện giờ, các mối quan hệ trong kinh doanh được tạo dựng dễ dàng hơn và các nhân viên trẻ có xu hướng tránh các ngày thứ bảy phải dành thời gian để tám chuyện tại các sân gôn.

Satoshi Tomita, từng là nhân viên ngân hàng, hiện giờ đang tư vấn khởi nghiệp cho biết: phong trào gôn kiểu settai sớm nổi lên ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Khi các ngân hàng khó khăn phải tung ra những chiếc thẻ hội viên gôn hào nhoáng, các công ty khác đồng loạt làm theo. (Tại nước láng giềng Hàn Quốc, nơi công việc kinh doanh và thú chơi gôn đi liền với nhau, một bộ luật chống tham nhũng được ban hành gần đây đã đặt mức giới hạn giá trị quà tặng, đồng nghĩa với sự suy giảm của các bộ đồ chơi gôn xa xỉ.)

Một số câu lạc bộ đang cố gắng quảng bá hình ảnh đông đúc. Chỉ 6% nam giới Nhật Bản ở độ tuổi 20 có thú chơi gôn, nữ giới thì chưa đến 1%. Năm ngoái tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Rakuten, đã khởi xướng giải đấu Rakugolf nhằm khuấy động thị trường. Trang web này đã cung cấp các đợt giảm giá, các bài hướng dẫn, chương trình cho thuê sân miễn phí và các lượt chơi thử cũng như các khóa học ngắn hạn cho các gôn thủ ở độ tuổi 20 thuộc các đơn vị là đối tác của họ. Một khu nghỉ mát ở quận Chiba, phía đông nam Tokyo, vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua đã thử nghiệm một loại máy vận chuyển tự động có thể mang bóng và thức ăn nhẹ cho các gôn thủ đang ở trên sân, do tập đoàn Rakuten sáng tạo. Câu lạc bộ thể thao ngoài trời Kanuma lại muốn thu hút các thanh niên địa phương với bộ truyện tranh và phim hoạt hình mang tên "Vùng đất của gió" kể về một gôn thủ trẻ đã giành chức vô địch ở câu lạc bộ này.

Một vài nơi khác đang nới lỏng những quy tắc trang phục cứng nhắc (ví dụ, ở Chiba họ cấm người chơi mang những đôi giày có hơn ba màu.) Một khu nghỉ mát ở tỉnh Okinawa còn cho phép các gôn thủ mặc đồ bơi trong lúc chơi. Nhưng một số người vẫn giữ phong cách xưa cũ của mình. Rất nhiều các phiên bản khác của gôn đã được ra đời, chẳng hạn như hệ thống "pay-by-hole” (chơi theo từng lỗ), và thậm chí là một biến thể mới phổ biến trên khắp thế giới: footgolf (đá gôn), với một quả bóng đá và các lỗ rất lớn. Những người chuộng cách chơi gôn truyền thống ở khắp mọi nơi sẽ rùng mình. Nhưng môn thể thao này đang yếu dần.

Lưu Thúy
The Economist

Tags: japan

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc