Tình bạn trên sân gôn: Thủ tướng Nhật Bản lại hội kiến ông Donald Trump

Photo credit: Reuters, The Economist.

Lần này, ông Shinzo Abe mang đến một đề nghị đầu tư hết sức rộng rãi.

Một trong những cuốn sách được cho là sách gối đầu giường của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chính là cuốn "Nghệ thuật đàm phán”, cuốn tự truyện của ông Donald Trump đề cao chủ nghĩa tư bản mạnh bạo quyết đoán. Ông Abe có vẻ đã học được thái độ táo bạo từ cuốn sách vào hồi tháng 11 vừa qua: trong khi cả thế giới vẫn còn đang kinh ngạc trước kết quả cuộc bầu cử của ông Trump, thì ông Abe đã lên máy bay đến gặp vị tổng thống mới đắc cử. Đó là cuộc họp đầu tiên của ông Trump với một nhà lãnh đạo nước ngoài sau khi được bầu. Ông Abe đã mang tặng ông Trump món quà là một chiếc gậy chơi golf mạ vàng.

Ngày 9 tháng 2, ông Abe sẽ bay sang Mỹ lần nữa, để tham dự một hội nghị thượng đỉnh trang trọng hơn với vị tân tổng thống. Lần này ông mang theo món quà còn cao cấp hơn nhiều: kế hoạch để tạo ra 700.000 việc làm. Mục đích, theo như tuyên bố của Thủ tướng Nhật với Quốc hội, là giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng của nước Mỹ. Kế hoạch của ông là sử dụng nguồn đầu tư từ Nhật Bản để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối liền Texas và California, cho ngừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân cũ kỹ của Mỹ và cộng tác trong việc phát triển robot cũng như vũ khí công nghệ cao. Một phần số tiền đầu tư có thể sẽ lấy từ quỹ lương hưu công lớn nhất thế giới trị giá 135 nghìn tỷ Yên (1,2 nghìn tỷ USD) của Nhật Bản.

Ông Abe đã phải nhanh chóng hành động bởi làn sóng chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng khắp Thái Bình Dương. Thay vì ca thán về sự sụp đổ của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại đa phương khổng lồ ông Trump đã hủy bỏ ngay sau khi nhậm chức, ông Abe muốn cố gắng thu được một thỏa thuận song phương với chủ nhân mới của Nhà Trắng, ông Jesper Koll, nhà quản lý quỹ và cố vấn không chính thức cho chính phủ của Nhật Bản, cho biết. Dù sao thì ông Trump cũng đã có một vài động thái tích cực về các hiệp ước như vậy, điều này có thể cứu vãn một vài nội dung cơ bản của TPP.

Theo ông Takao Toshikawa, một nhà báo chính trị kỳ cựu, điều kiện trao đổi rất rõ ràng cho cơn mưa vốn đầu tư Nhật Bản sẽ là sự đảm bảo từ ông Trump rằng ông sẽ không hạ cấp liên minh phòng thủ giữa hai nước. Vị tân tổng thống đã đe dọa sẽ cắt giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ trên toàn thế giới trừ khi các đồng minh của Mỹ chịu thêm phần chi phí. Nhưng trong chuyến thăm gần đây đến Tokyo, ông James Mattis, bộ trưởng quốc phòng của Mỹ, đã gọi Nhật Bản là "một mô hình chia sẻ chi phí" và đã cam kết rõ ràng sẽ bảo vệ Nhật Bản bao gồm cả quần đảo Senkaku đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông (được gọi là Điếu Ngư tại Trung Quốc), hiện do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Ông Abe hy vọng sẽ xây dựng mối giao hảo với ông Trump qua lượt chơi golf tại khu Mar-a-Lago, khu nghỉ dưỡng tư nhân của ông Trump ở Florida. Trong lần này, cũng như trong nhiều vấn đề khác, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã học hỏi từ ông nội của mình, ông Nobusuke Kishi. Khi làm thủ tướng vào năm 1957 ông Kishi đã chơi golf với ông Dwight Eisenhower, tổng thống Mỹ đương thời. Ba năm sau đó, họ đã ký chính hiệp ước an ninh mà ông Mattis vừa mới tái khẳng định.

Tuy nhiên, ông Abe đang mạo hiểm về chính trị khi giao hảo thân thiết với một nhà lãnh đạo bị nhiều người Nhật Bản không tin tưởng. Một cuộc thăm dò gần đây của tờ Yomiuri Shimbun, tờ báo nổi tiếng nhất Nhật Bản, cho thấy chỉ có 8% số người được hỏi cho rằng quan hệ với Mỹ sẽ cải thiện dưới thời vị tổng thống mới. Thắt chặt quan hệ với ông Trump đồng nghĩa với việc tiếp tục xa lánh Trung Quốc. Trong tất cả mọi điều, mối lo ngại lớn nhất là phải đặt niềm tin ở ông Trump, ông Koll cho hay.

Quỳnh Anh
The Economist

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc