Đội quân kỳ lạ

Photo credit: The Economist.

Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng giải phóng quân đội của mình khỏi "gông cùm" của chủ nghĩa hòa bình.

Nhưng nhiều quân nhân dường như không hề nghĩ rằng họ có thể phải chiến đấu.

Cuộc chiến của ông Masaki Tomiyama có vẻ viển vông. Ông đã mừng khi con trai mình gia nhập một trong những quân đội lớn nhất và trang bị tốt nhất của thế giới, nhưng ông không thể chịu được khi nghĩ đến việc con trai ông có thể phải ra trận. "Tôi rất tức giận khi biết con trai tôi được huấn luyện để giết người", ông Tomiyama nói—ông tức giận đến mức đã thực sự quyết định khởi kiện chính phủ Nhật Bản vì vi phạm hiến pháp hòa bình của đất nước. "Tôi sẽ không bao giờ cho phép con tôi ra trận—nó không nhập ngũ vì lý do đó."

Hiến pháp của Nhật Bản, với sự can thiệp của người Mỹ trong vài ngày bận rộn hồi năm 1946, nghiêm cấm duy trì lực lượng hải, lục, không quân. Nhưng ở thời điểm đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, điều này dường như không bình thường khi một đồng minh giàu có của phương Tây, đang có tranh chấp lãnh thổ chưa giải quyết được với tất cả các nước láng giềng, hoàn toàn không có lực lượng vũ trang, vì vậy năm 1954, chính phủ Nhật thiết lập "Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản".

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tồn tại "nhằm bảo vệ hòa bình và độc lập của Nhật Bản". Nhưng lực lượng này vẫn luôn gây ra nhiều tranh cãi. Trong nhiều thập niên đảng đối lập lớn nhất luôn muốn giải trừ lực lượng này. Chính những tranh cãi này mà các quân nhân phải thay thường phục trước khi rời doanh trại để tránh bị người dân gây hấn, ông Noboru Yamaguchi, cựu Thượng tướng Lực lượng Phòng vệ, nhớ lại.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hiện vẫn là một trong những quân đội kỳ lạ nhất thế giới. Quân đội này chưa từng bắn một viên đạn nào thực chiến. Vai trò chính của nó, đối với nhiều người Nhật, là cứu trợ thiên tai. Tuy nhiên, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có một lực lượng hải quân lớn hơn cả Pháp và Anh cộng lại, trong đó có bốn "tàu sân bay trực thăng" rất lớn.

Các thành viên hiếu chiến của đảng cầm quyền hiện tại, Đảng Dân chủ Tự do (LDP), từ lâu đã muốn Lực lượng Phòng vệ giống một quân đội bình thường. Năm 2015, chính phủ thông qua một số dự luật an ninh "giải nghĩa lại" hiến pháp nhằm cho phép Lực lượng Phòng vệ tham gia vào điều mà Thủ tướng Shinzo Abe gọi là "Chủ nghĩa hòa bình tích cực"—tham gia vào các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và các vấn đề tương tự. Động thái này gây nên phản đối và tranh cãi gay gắt trong nghị trường. Các nhà phê bình cho rằng ông Abe đã hành động dựa trên hoài niệm về thời Nhật Bản là thế lực hùng mạnh. Họ cũng dự đoán rằng dự luật sẽ khiến Nhật Bản mắc kẹt trong các cuộc chiến tranh nước ngoài và gây ra hỗn loạn trong chính hàng ngũ Lực lượng Phòng vệ.

Mười bảy tháng trôi qua, lực lượng này thực sự đã tăng lên một chút, lên 227.000 nhân sự, nhưng có sự sụt giảm mạnh trong tỷ lệ những người được đào tạo để trở thành sĩ quan tại Học viện Quốc phòng Quốc gia của Nhật thực sự gia nhập Lực lượng Phòng vệ. Vấn đề nhân khẩu của Nhật cũng không có lợi cho Lực lượng Phòng vệ: số dân 18 tuổi đã giảm xuống một triệu người trong vòng hai thập kỷ qua, khiến việc tuyển quân gặp khó khăn. Theo ông Alessio Patalano của Đại học Hoàng gia London, vấn đề không chỉ là số lượng những người sẽ trở thành quân nhân mà còn là chất lượng.

Bộ Quốc phòng đã trả lời bằng chiến dịch tuyên truyền xa hoa và đôi khi rất sáng tạo, tăng gấp đôi ngân sách cho việc quan hệ công chúng và tranh thủ hình ảnh của các nhân vật hoạt hình, ngôi sao nhạc pop và trường học. Trẻ em tại một trường trung học còn thấy số điện thoại của văn phòng tuyển quân của Lực lượng Phòng vệ của địa phương được in trên giấy vệ sinh. Phần lớn tuyên truyền nhắm vào mục tiêu rõ ràng chính là nhóm đối tượng bị bỏ quên: phụ nữ. Chỉ có 6% nhân sự của Lực lượng Phòng vệ là phụ nữ; và Lực lượng Phòng vệ muốn tăng con số này lên 9% vào năm 2030.

Nhu cầu về nhân sự nam của Lực lượng Phòng vệ cũng sẽ tăng. Ông Yoshitaka Shindo, thành viên hiếu chiến của Đảng Dân chủ Tự do, chỉ ra rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 44 lần trong ba thập kỷ qua,. Một bài báo mới đây của Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế, viện nghiên cứu thân cận với Đảng Dân chủ Tự do, cho biết Nhật Bản có thể "rất bị ảnh hưởng" bởi chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Donald Trump. Viện này tin rằng Nhật Bản nên phát triển hơn khả năng của riêng mình, bao gồm cả tên lửa hành trình. "Chúng ta phải trả lời chủ nghĩa Nước Mỹ trên hết bằng chủ nghĩa Nước Nhật trên hết", theo lời ông Masato Inui, tổng biên tập tờ báo cánh hữu Sankei Shimbun.

Nhưng ác cảm với bất kỳ điều gì dính đến chủ nghĩa quân phiệt vẫn còn hằn sâu. Năm ngoái, 350 nhân viên Lực lượng phòng vệ được phái đến Nam Sudan với tư cách lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Các binh sĩ chỉ tới tham gia sửa chữa cơ sở hạ tầng và sẽ được rút về nếu có giao tranh giữa các lực lượng quân đội địa phương (cho đến nay, chính phủ cho biết chỉ có "xung đột" xảy ra, mà rõ ràng là rất khác nhau). Nhưng, lần đầu tiên, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được phép sử dụng vũ khí để bảo vệ dân thường và nhân viên Liên Hợp Quốc. Những người phản đối chính sách này, bao gồm cả tờ báo tự do được lưu hành rộng rãi nhất của Nhật Bản là Asahi Shimbun, đang vận động rút quân. "Chúng tôi quan ngại về việc binh sĩ bị thương," một bài xã luận gần đây tỏ ý lo ngại. Ông Abe cho hay ông sẽ từ chức nếu bất kỳ người lính Nhật Bản nào tử trận.

Ông Norikazu Doro, cựu thành viên Lực lượng Phòng vệ kể rằng thanh niên trong Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia để giúp đỡ nạn nhân động đất và sóng thần. "Họ không hề nghĩ mình gia nhập vào một lực lượng có thể có ngày tham gia chiến tranh." Ông Tomiyama là một trong số các bậc cha mẹ đã kiện chính phủ ra tòa. Ông nói rằng con trai ông nhập ngũ để giúp đỡ và bảo vệ đất nước của mình, không phải để tham chiến ở các quốc gia khác. "Nguyên tắc là chỉ khi chúng ta bị tấn công, chúng ta sẽ chiến đấu", ông nói. "Nguyên tắc đó đã bị vi phạm."

Quỳnh Anh
The Economist

Bài trước: Xoay mòng mòng

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc