Nhân khẩu học Nhật Bản: Tuyệt vọng tìm kiếm người trẻ

Yokaichi Giant Kite Festival. Photo courtesy Travis Sanders.

Chẳng có mấy thanh niên, và các thành phố đang ngày càng tuyệt vọng.


Mieko Terada chuyển đến sống ở Tama vào năm 1976, cùng khoảng thời gian như mọi người khác ở đây. Thời đó, các thành phố ở vùng ngoại ô Tokyo đang phát triển nhanh chóng tràn ngập các cặp vợ chồng trẻ và trẻ em. Thế nhưng ngày nay, dãy cửa hàng nơi có quán cà phê của bà Terada cực kỳ yên tĩnh, và khách của quán toàn là người già. Người dân Tama và những căn nhà đều đang cùng nhau già đi và lụi tàn, bà Terada nói.

Giữa những năm 1990, Nhật Bản có tỷ lệ người trên 65 tuổi ít hơn so với Anh hay Đức. Do tỷ lệ sinh cực thấp, tuổi thọ cao đáng ngưỡng mộ và chính sách nhập cư chặt chẽ, hiện nay Nhật Bản là đất nước già nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD. Và tình trạng lão hóa đang lan rộng tới các khu vực mới. Nhiều vùng nông thôn Nhật Bản đã trở nên già cỗi trong nhiều năm qua, bởi thanh niên đã bỏ quê lên thành phố. Bây giờ vùng ngoại ô thành phố cũng đang già đi.

Từ năm 2010 đến năm 2040, số lượng người trong độ tuổi từ 65 trở lên ở thủ đô Tokyo, trong đó có Tama, dự kiến sẽ tăng từ 2,7 triệu lên đến 4,1 triệu người, tại thời điểm đó một phần ba dân số Tokyo sẽ ở tuổi già. Tại Tama, tình trạng lão hóa sẽ còn diễn ra nhanh hơn. Số lượng trẻ em đã giảm mạnh: trường học được chuyển thành hội trường thành phố. Các nhà thống kê cho rằng tỷ lệ người trên 65 tuổi ở Tama sẽ tăng từ 21% lên 38% trong ba thập kỷ tới năm 2040. Số người trên 75 tuổi sẽ tăng gấp đôi.

Người dân thành phố vốn đã sợ hãi số lượng ngày càng tăng những người già bị lẫn lang thang quanh phố. Đến năm 2025, giới chức ở Tama dự đoán rằng một trong bốn người già sẽ nằm liệt giường và một trong bảy sẽ bị mất trí nhớ. Và thành phố cũng không phải nơi sống lý tưởng cho người già. Thành phố được xây trên đồi dốc, và các khu nhà năm tầng nhiều người dân vẫn đang sinh sống không có thang máy.

Tuy nhiên ảnh hưởng đáng lo ngại nhất của sự lão hóa lên thành phố Tama là vấn đề tài chính. Hai phần ba ngân sách của thành phố dành cho phúc lợi xã hội, trong đó phần lớn là cho người già. Họ không đóng góp nhiều vào ngân sách của thành phố. Mặc dù chính quyền trung ương Nhật Bản thực hiện tái phân phối ngân sách giữa các thành phố, phần lớn các khoản chi của chính quyền địa phương vẫn lấy từ thuế cư trú địa phương, nhưng khoản thuế này được giảm nhẹ đối với người nghỉ hưu. Tóm lại, theo lời ông Shigeo Ito, người đứng đầu về sức khỏe cộng đồng ở Tama, một khu vực tránh trở nên quá già là điều có lợi.

Lời mời gọi của Tama
Ngoài việc cung cấp thêm nhiều dịch vụ chăm sóc tại nhà và các lớp học thể dục nhịp điệu nhằm nâng cao sức khỏe cho mọi người đủ sức leo lên hết tất cả cầu thang, Tama một lần nữa cố gắng thu hút các gia đình trẻ. Cùng với nhà phát triển Brillia,Tama đã san bằng 23 khối chung cư năm tầng và xây lên bảy tòa tháp trên vị trí cũ. Số lượng căn hộ trong khu vực tái phát triển đã tăng gấp đôi, và cũng rộng rãi hơn so với trước đây. Điều đó đã thu hút cư dân mới: mặc dù các căn hộ 40 mét vuông nhỏ bé trong các khối nhà cũ là đủ đối với thế hệ sau chiến tranh, nhưng gia đình Nhật Bản hiện đại đòi hỏi không gian rộng rãi hơn thế. Chính quyền Tama dự định chuyển đổi các quận khác theo cách tương tự.

Đây là chính sách thông minh, nhưng vẫn có một vấn đề. Số lượng người dân từ 20 đến 29 tuổi tại Nhật Bản đã giảm từ 18,3 triệu xuống 12,8 triệu người kể từ năm 2000, theo Ngân hàng Thế giới. Năm 2040 có thể chỉ còn 10,5 triệu người. Vì thế, các thành phố như Tama đang chơi một trò chơi không những không hòa mà còn thua, họ điên cuồng đuổi theo số lượng thanh niên và trẻ em ngày càng giảm dần. Và một số đối thủ lại có thủ đoạn lợi khá lợi hại.

Theo sông Tama lên thượng nguồn, vào sâu trong núi, cuối cùng bạn sẽ đến một thị trấn nhỏ tên là Okutama. Những điều Tama đang cố gắng tránh đã xảy ra ở đó. Dân số Okutama đạt đỉnh vào những năm 1950, khi công nhân xây dựng đổ xô đến thị trấn để xây dựng hồ chứa lớn cung cấp nước cho Tokyo trong trường hợp khẩn cấp. Thị trấn đã thu hẹp và già đi từ khi đó.

Ngày nay 47% người dân ở khu vực hành chính của Okutama—thị trấn và các làng xung quanh—ở độ tuổi 65 trở lên, và 26% ít nhất ở tuổi 75. Số lượng trẻ em ít đến mức trường tiểu học lớn trong thị trấn chỉ hoạt động 1/4 công suất. Cư dân trong độ tuổi 70 đông gấp năm lần số trẻ em dưới 10 tuổi.

Và cư dân Okutama cũng cứng đầu chẳng kém tuổi thọ của họ. Theo lời Hiroki Morita, người đứng đầu phòng kế hoạch và tài chính, thì một số làng xa xôi ở Okutama đã trở nên quá nhỏ bé nên việc cung cấp dịch vụ cho họ là rất khó khăn. Sẽ tốt hơn cho người dân, và chắc chắn là tốt hơn cho chính quyền địa phương, nếu người dân hợp nhất lại thành những làng lớn hơn. Nhưng nhiều người già không chịu rời bỏ thôn làng nhỏ bé của mình ngay cả trong bão tuyết lớn, và không có mấy khả năng họ chịu chuyển hẳn đi chỉ để thuận tiện dễ dàng hơn cho công chức chính quyền. Ông Morita chỉ ra rằng Internet và dịch vụ giao hàng tận nhà đã giúp họ bám trụ.

Okutama đã cố gắng thúc đẩy nông nghiệp: wasabi, một loại rau gia vị được tán nhuyễn và ăn kèm với sushi, phát triển rất tốt ở đây. Chính quyền hy vọng sẽ thu hút các gia đình bằng cách cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí, ăn trưa miễn phí ở trường học và vận chuyển miễn phí. Không cách nào trong số đó ngăn chặn được sự lão hóa và suy giảm dân số. Do đó hiện nay thị trấn đang mời chào nhà ở miễn phí. Ông Morita ước tính rằng thị trấn có khoảng 450 căn nhà trống. Ông muốn chủ nhà hiến tặng nhà mình cho chính quyền thị trấn và bằng cách đó chủ nhà có thể tránh thuế bất động sản. Sau đó chính quyền sẽ cho các cặp vợ chồng trẻ thuê nhà và càng sinh sôi nhiều càng tốt. Nếu họ ở lại trong 15 năm thì tiền thuê nhà sẽ được hoàn trả.

Mặc dù khung cảnh của thị trấn, nằm giữa những ngọn đồi dốc, rất ngoạn mục, nhưng Okutama không phải là một thị trấn xinh đẹp. Các ngôi nhà ở đây không đủ cổ kính để được coi là đẹp và cũng không đủ hiện đại để tiện nghi thoải mái. Một số đặc điểm từ thời sau chiến tranh vẫn còn như là tấm nhựa ốp tường. Tuy nhiên, triển vọng nhà ở miễn phí tại khu vực cách trung tâm Tokyo khoảng hai giờ di chuyển có thể có sức hút với một số gia đình trẻ. Và trong khi đó, Okutama có một kế hoạch khác.

Một tòa nhà trước kia là trường trung học, sau đó phải đóng cửa vì thiếu học sinh, đang trở thành trường cao đẳng ngôn ngữ. Công ty Jellyfish, công ty về giáo dục với chân rết ở nhiều nước, sẽ sử dụng trường để dạy tiếng Nhật cho sinh viên trẻ đến từ Đông và Đông Nam Á. Họ hy vọng sẽ ghi danh khoảng 120 học sinh, cộng với đội ngũ nhân viên, sẽ tạo ra sự khác biệt đáng chú ý ở nơi hiện nay có ít hơn 350 người ở độ tuổi 20. Một số trong những sinh viên ấy thậm chí có thể quyết định rằng mình thích nơi này, và ở lại sinh sống. Phải nói nhỏ rằng, điều này nghe có vẻ giống như chính sách nhập cư tự do hơn.

Quỳnh Anh
The Economist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc