Súng, vi trùng và thép


SÚNG, VI TRÙNG & THÉP
(GUNS, GERMS AND STEEL)
Jared Diamond

Viết ra đây cũng nhằm ghi lại rằng Tết Đinh Dậu vừa qua là kỳ nghỉ đầu tiên mình chỉ tắm
biển & đọc sách, bỏ qua các thú vui ồn ào mọi khi. SÚNG, VI TRÙNG & THÉP hẳn là một kỷ niệm có phần “hơi nhớt” tí.

Ngót 700 trang Pulitzer này đã trả lời biết bao câu hỏi, lấp một khoảng trống khá lớn cho người đọc. Bức tranh về lịch sử hình thành và vận mệnh các xã hội loài người, Jared Diamond đã kiên nhẫn phác họa một cách khoa học, công phu và đầy sức thuyết phục.

Lướt qua, đập vào mắt toàn câu hỏi dẫn đề mà chính bản thân bấy lâu nay luôn tự hỏi mà vẫn chưa có lời đáp. Quyết định mang nó đi theo kỳ nghỉ, nhất quyết phải ngốn hết không thì sẽ lỡ.

Quả không uổng!

Nếu ai đã từng tự hỏi Tại sao Phương Tây văn minh? Tại sao tộc người này văn minh hơn tộc người kia? Tại sao đám người bản địa thổ dân châu Mỹ, châu Úc lại không phát triển? Tại sao nhiều nền văn minh rực rỡ rồi lại biến mất? v.v, vậy là cũng giống tôi.

Cách lý giải phổ biến nhất trong suy nghĩ của số đông thường quy cho sự
khác biệt về sinh học, chủng tộc hay tính di truyền giữa các dân tộc. Hơn nữa, Darwin cũng đã viết về thuyết tiến hóa của các loài. Dựa vào đó mà suy luận “thô thiển” kiểu như cha mẹ thông minh sẽ sinh ra con cái thông minh. Cái này có lý nhưng đâu đó vẫn chưa đi đến được tận cùng của vấn đề. Giờ ai cũng thấy nếu Bill Gate sang đây lập nghiệp, chắc gì thế giới đã được tận hưởng sản phẩm Microsoft; hay như nếu không di cư đến Mỹ sẽ có bao nhiều phần trăm để một người da đen như Obama trở thành chính khách lãnh đạo thế giới như ta thấy…và còn nhiều vấn đề gai góc khác.

Jared Diamond sẽ giúp nhiều người có được cái nhìn sâu sắc, toàn cảnh hơn bởi việc mở rộng ra nhiều cặp tương phản khác trong thế giới hiện đại. Ông đặt câu hỏi: tại sao của cải và quyền lực chỉ được phân phối như hiện nay mà không phải theo cách nào khác? Chẳng hạn tại sao không phải người Châu Mỹ bản địa, người Châu Phi hay người Châu Úc bản địa là những kẻ chinh phục, tàn sát hay tiêu diệt người Châu Âu & người Châu Á?

Bằng cách đặt câu hỏi rồi suy ngược vấn đề rằng thủa sơ khai loài người đều sinh sống bằng săn bắt hái lượm. Đến khoảng năm 1500, sự bành trướng thuộc địa của người Âu bắt đầu, các dân tộc đã khác nhau rất nhiều về công nghệ & tổ chức chính trị. Đám người có tổ chức, sở hữu vũ khí, công cụ, phương tiện bằng kim loại đã chinh phục đám người sở hữu vũ khí công cụ bằng đá. Sao lại có sự chênh lệch như vậy của thế giới hiện đại? Rõ là sự phát triển của loài người diễn ra trên các lục địa đã khác nhau với tốc độ khác nhau từ 11.000 năm tr.CN – năm 1500. Jared Diamond gọi đây là mẫu hình lớn nhất của lịch sử và cũng là chủ đề của Súng Vi trùng & Thép.

Ngót 700 trang sách, vấn đề xuyên suốt được bày tỏ:
− Jared phản đối cách lý giải theo hướng phân biệt chủng tộc. Bằng chứng là các dân tộc “đồ đá mới” thời hiện đại, xét trên mức trung bình, có lẽ còn thông minh hơn các dân tộc đã công nghiệp hóa. Nhìn vào các công trình, di sản họ để lại làm ta phải suy nghĩ.

− Chỉ số IQ thì sao? Jared nói rằng nhiều người đã ra sức chứng minh người Mỹ da đen gốc Phi tự trong di truyền đã kém thông minh hơn người da trắng gốc Âu. Khó khăn ở chỗ những người được đem ra so sánh vốn dĩ đã rất khác nhau về tuổi thơ, môi trường xã hội và học hành. Vì thế mà nỗ lực kiểm chứng rằng khác biệt về trí tuệ là nguyên nhân sâu xa cho khác biệt về công nghệ là vô cùng khó khăn. Càng khó hơn trong việc xem ảnh hưởng nào là từ bẩm sinh trong gen di truyền. IQ là chỉ số có thiên hướng đo đếm về mặt học vấn & văn hóa chứ không phải là trí thông minh bẩm sinh. Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào có thể đưa ra kết luận đủ thuyết phục về sự thiếu hụt IQ bẩm sinh mà nhiều người cho là hiển nhiên ở những ai không phải là da trắng. Vậy là giải thích theo hướng di truyền học không khả dĩ lắm.

− Tác động kích thích của khí hậu được người Bắc Âu ưa dùng thì thế nào? Họ nói rằng vùng khí hậu lạnh ở đó có tác dụng kích thích sáng tạo & năng lực con người trong khi vùng khí hậu nóng ẩm nhiệt đới thì kìm hãm nó. Lập luận là do khí hậu lạnh và mùa đông kéo dài đòi hỏi con người phải giàu sáng tạo hơn về công nghệ để sinh tồn, như phải nghĩ cách xây nhà đủ ấm, tạo ra thứ mặc đủ ấm hay như do lạnh dài nên họ ngồi trong nhà nhiều hơn hầu có thể phát minh nhiều hơn. Jared chỉ ra điểm không đứng vững của quan điểm này với những ví dụ điển hình về tộc người Norse, Greenland và Nauy:
• Dân tộc B. mãi đến mấy ngàn năm gần đây không hề có đóng góp gì có tầm quan trọng cơ bản cho nền văn minh Âu-Á;
• Vị trí địa lý của họ là do may mắn sống gần với các nền văn minh nơi mà họ có thể tiếp thu;
• Phản bác rằng ở Châu Mỹ, xã hội bản địa duy nhất từng phát minh ra chữ viết lại nảy sinh ở Mexico – nam hạ chí tuyến; Đồ gốm xưa nhất của Tân thế giới lại xuất hiện ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ, gần xích đạo; xã hội văn minh cổ Maya vùng Yucatan và Guatemala nhiệt đới (đầu thiên niên kỷ CN). Các nghiên cứu mà Jared còn chỉ ra rằng nơi có vĩ độ cao của Tân thế giới thậm trí còn là nơi trì trệ hơn của loài người.

− Vấn đề thổ nhưỡng cũng bị Jared phản bác. Dựa trên bằng chứng về vùng Lưỡng hà (các thung lũng bên hai con sông Tigris & Euphrate) và vùng thung lũng sông Nile Ai cập, nơi sinh ra các đế quốc sớm nhất cũng như chữ viết lâu đời nhất để lý giải tầm quan trọng của thung lũng vùng đất thấp có khí hậu khô. Lý lẽ là nơi đó sinh ra chính quyền tập trung do đó đã xây dựng được hệ thống tưới tiêu đê điều quy mô lớn làm cho năng suất nông nghiệp cao. Jared chỉ ra bằng chứng khảo cổ rằng hệ thống tưới tiêu phức tạp kia không đi liền với chính quyền tập trung đó mà chỉ phát sinh sau đó một thời gian rất dài. Không liên quan đến nhau.

− Vậy thì có phải súng ống, công cụ bằng thép & bệnh truyền nhiễm là công cụ trực tiếp giúp người Âu chinh phục và hủy diệt các dân tộc bản địa khác chăng? Jared coi đây là loại lý do “tiến bộ” nhất. Song nó vẫn chưa đến được tận cùng của vấn đề, vì nếu vậy thì tại sao người Châu Phi hay người Châu Mỹ bản địa không phải là người sở hữu những thứ đó? Bằng chứng lịch sử khảo cổ cho ta thấy Châu Phi là nơi người nguyên thủy tiến hóa trong thời gian dài nhất; nơi người hiện đại về mặt giải phẫu ra đời; và cũng là nơi có những căn bệnh sốt rét / sốt hoàng nhiệt đã giết chết nhiều nhà thám hiểm Châu Âu. Nếu cho rằng ai ra đời sớm hơn sẽ có ưu thế hơn thì tại sao súng và thép không phát sinh đầu tiên ở Châu Phi để rồi cùng với vi trùng họ chinh phục Châu Âu?

− Tiến gần hơn đến với lý lẽ mà Jared muốn bày tỏ trong cuốn sách. Nhà nghiên cứu lịch sử Arnold Toynbee quan tâm đến tính năng động của 23 nền văn minh tiên tiến, trong đó 22 nền văn minh có chữ viết và 19 nằm ở lục địa Âu-Á. Jared nói rằng nghiên cứu này ít quan tâm đến thời tiền sử & các xã hội giản đơn trong khi mấu chốt vấn đề nằm ở thời tiền sử.

Cả đống ý kiến song chưa có lời đáp nào khiến mọi người thừa nhận vì ở đó vẫn còn khoảng trống tri thức về mẫu hình rộng lớn nhất của lịch sử nhân loại chưa thể lý giải được. Rõ là súng vi trùng và thép mà một số dân tộc đã phát triển được cùng các yếu tố khác khiến họ có sức mạnh sớm hơn, trong khi một số khác không có.

Jared, rành rành mỗi dân tộc có một tiến trình lịch sử riêng. Nước Mỹ hiện nay được nặn ra bởi khuôn mẫu Châu Âu trên vùng đất chinh phục từ người Châu Mỹ bản địa tích hợp với hậu duệ của hàng triệu nô lệ Châu Phi đen hạ Sahara. Châu Âu hiện đại lại không phải là một xã hội được nhào nặn theo khuôn mẫu người Châu Phi đen hạ Sahara, những kẻ đem hàng triệu người Châu Mỹ bản địa sang làm nô lệ.

Jared trăn trở rằng chừng nào chưa có lý giải đủ thuyết phục đối với mẫu hình lớn của lịch sử nhân loại chừng đó người ta vẫn tin tưởng vào giải thích dựa trên khía cạnh sinh học mang tính phân biệt chủng tộc. Điều này khiến Jared tìm ra cái mà Ông coi là “đủ thuyết phục”:
− Thủa ban sơ loài người sống bằng săn bắt hái lượm;
− Mỗi dân tộc sống trên một vùng địa lý khác nhau;
− Mỗi vùng địa lý khác nhau có sự khác biệt về cây dại & thú hoang được thuần hóa;
− Do địa lý mà chỉ một vài vùng trở thành trung tâm phát nguyên (trung tâm sản xuất lương thực) từ đó bành trướng sang một số khu vực nhanh hơn sang những khu vực khác;
− Yếu tố quyết định nằm ở sự bành trướng nhanh hay chậm kia phụ thuộc vào trục phát triển của từng lục địa – vận mệnh lịch sử: trong khi lục địa Âu-Á bành trướng theo trục chính Tây-Đông thì Châu Mỹ & Châu Phi hướng chính là Bắc-Nam. Âu-Á trục Tây-Đông nằm trên cùng vĩ độ, tương đồng về miền khí hậu dễ cho thuần hóa và phát triển vật nuôi cây trồng hoang dại; Mỹ & Phi trục Bắc-Nam khác biệt lớn vĩ độ, địa hình, kết cấu địa lý nên hạn chế phát triển.
− Quá trình phát triển nông nghiệp dẫn đến năng sản, cộng đồng dân cư lớn sớm hình thành xã hội có tổ chức. Quá trình thuần hóa và phát triển vật nuôi cây trồng hoang dại với cộng đồng cư dân lớn sinh ra các bệnh truyền nhiễm;
− Bành trướng vùng đất mới với súng & thép, họ đã cùng vi trùng chinh phục và hủy diệt người bản địa vốn chỉ dùng vũ khí & công cụ thô sơ. Cần lưu ý là người bản địa đã chết bởi vi trùng Âu-Á nhiều và nhanh hơn gấp bội bởi súng & thép vì họ không có kháng nguyên với những loại vi trùng đó. Đám người bản địa sống thành từng cộng đồng nhỏ, du cư săn bắt hái lượm…không đủ điều kiện để sinh ra các vi trùng hủy diệt như Âu-Á.

Tóm tắt lại ngắn gọn nhất tác phẩm đoạt giải Pulizer này với cái tên SÚNG, VI TRÙNG & THÉP thế nào, Jared Diamond kết luận:
“Diễn trình lịch sử của mỗi dân tộc một khác, đấy là do những khác biệt về môi trường sống của các dân tộc, chứ không phải do những khác biệt về sinh học giữa bản thân các dân tộc”
Sự thật là người Châu Mỹ bản địa là chủ sở hữu đầu tiên của vùng đất đó, họ đã từng đông hơn và văn minh hơn người mà nay đã chinh phục họ. Hay xem như người Israel vượt qua số phận, họ bị xua đuổi và lưu lạc hàng ngàn năm, nay đã quay về đất tổ để lập quốc; họ đơn độc sống giữa sa mạc & vây quanh toàn kẻ thù... Israel đã khiến TG phải khâm phục.

Đúng là mỗi con người có 1 diễn trình lịch sử riêng. Tạo hoá đã ban cho mỗi họ một "không gian riêng có" nhưng nó chưa phải là thứ quyết định số mệnh. Cách xử lý với vấn đề của mỗi người mới là điều quan trọng hơn cả.

Như mọi khi, gấp sách lại nghĩ xem cái gì lưu giữ trong tâm trí. Lần này thì cảm xúc hoàn toàn khác. Cả kho dữ kiện, cả núi thông tin trong đó đa phần là “mới lạ” đã giúp cái “thùng” bớt chút “tăm tối” :) Hiện ra 2 từ KHAI SÁNG.

Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc