Ngừng vô duyên

shared from fb Truong Anh Ngoc,
-----
Sau cái post về việc #ngungvoduyen vì những câu hỏi liên quan đến việc đẻ, mình có nhận được một message theo kiểu chỉ trích của một bác trung niên. Bác ấy viết, mình là con trai trưởng, không đẻ con trai để nối dõi là "chưa hoàn thành trách nhiệm với cha mẹ và tổ tiên". Mình trả lời: "Thưa chú, cháu không nghiện hút, chẳng nhậu nhẹt, không bê tha, không vượt đèn đỏ, chưa từng đi tù, nộp thuế đầy đủ, đi khắp đó đây để viết và truyền bá các tư tưởng về sống đẹp, về sự tử tế, liệu như thế có phải cảm thấy xấu hổ với cha mẹ và tổ tiên không ạ?".

Người đàn ông trả lời: "Theo quan điểm của tôi, nhà cậu vẫn phải đẻ thêm". Mình trả lời: "Đấy là quan điểm của chú, và cháu không cần chú sống hộ cháu, áp đặt quan điểm của chú cho cháu". Người đàn ông im lặng, và rồi sau đó không thấy trả lời nữa. Mình nghĩ nhiều người có tuổi khác mà tư tưởng không thoáng có lẽ cũng nghĩ như người đàn ông ấy, và họ có phản ứng ra với mình không thôi. Trong chuyện này, chẳng ai đúng ai sai, mà vấn đề nằm ở quan niệm và lối sống. Nhưng điều quan trọng là sự tôn trọng. Mình tôn trọng và không áp đặt quan điểm của mình lên họ, tại sao họ không tôn trọng sự lựa chọn chỉ đẻ một con (và là con gái của mình) và cứ áp đặt chuyện "trách nhiệm" lên mình?

Câu chuyện về "sự trầm cảm sau sinh" râm ran mấy hôm nay thực ra không mới. Vì sự trầm cảm có thể đến từ những áp lực vớ vẩn như mình đã trải qua trong những năm qua, trước vô vàn câu hỏi vô duyên và tọc mạch của bao người về chuyện đẻ hay không đẻ, có trách nhiệm với tổ tiên hay không. Mà những cặp vợ chồng trẻ thì chịu áp lực như thế vô cùng lớn, mà những người đặt ra bao câu hỏi vô duyên như thế không hiểu là họ đang vô tình khiến cuộc sống của những người ấy trở nên ngột ngạt. Mình quen một cô em đã cảm thấy không thể thở nổi sau khi sinh. Cô sống ở nhà chồng và đã chịu áp lực từ gia đình chồng xung quanh vô số chuyện, nhưng sau khi có con thì cuộc sống ấy thành địa ngục, vì người ta không để cho cô áp dụng những phương pháp dạy con mà cô muốn.

Đứa con trai do vợ chồng cô sinh ra, là cháu đích tôn, nhưng hoá ra nó giống như là sản phẩm "toàn dân", ai cũng muốn được hưởng sái, ai cũng muốn đưa ra những lời khuyên, có người nói trước mặt, có người nói sau lưng, có người nói tử tế và đàng hoàng, có người lại nói kháy, xỉa xói, tọc mạch. Những cuộc thăm viếng cháu trở thành nỗi khổ thực sự của người mẹ và người bố trẻ, vì họ ùa vào phòng, họ đòi bế, họ hôn hít và rồi họ đưa ti tỉ lời khuyên về việc nuôi dạy nọ kia và thậm chí người mẹ chồng ép cô phải theo, vì bà nói rằng, "tao đã nuôi dạy ba con nên người, nên tao dạy mày cách phải nuôi con". Những tháng ấy là những ngày vô cùng áp lực và trầm cảm của cặp vợ chồng trẻ. Và mình tin, đấy là câu chuyện của rất nhiều những đôi vợ chồng khác, phải sống dưới áp lực của "chủ nghĩa kinh nghiệm", của sự "quan tâm sâu sắc" mà trên thực tế là can thiệp thô bạo vào cuộc sống của người khác.

Những câu chuyện về trầm cảm trước sinh hay sau sinh nhiều lắm. Nó làm không ít người như phát điên. Và những kẻ đã gây ra áp lực ấy, hầu hết là người thân trong chính gia đình, có hiểu điều đó không?

Tags: columnist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc