Sapiens: Lược sử về loài người

Câu chuyện lôi cuốn bắt đầu với nguồn gốc của loài người sapiens và kết thúc với con người hậu nhân loại.

Con người (thành viên của chi Người Homo) đã tồn tại được khoảng 2,4
triệu năm. Homo sapiens (Người Tinh khôn), loài hoang dã cổ xưa thuộc họ Người, chỉ tồn tại 6% trong tổng thời gian đó – khoảng 150.000 năm. Vì thế, cuốn sách có tiêu đề chính là Sapiens có lẽ không nên đặt tiêu đề phụ là "Lược sử về loài người". Thật dễ dàng nhận ra vì sao Yuval Noah Harari dành 95% cuốn sách của ông cho chúng ta với tư cách là một loài: dù vô minh, chúng ta vẫn biết về bản thân mình nhiều hơn là về các loài khác, bao gồm cả một số loài đã bị tuyệt chủng từ khi chúng ta lần đầu tiên bước đi trên Trái đất. Thực tế là lịch sử của sapiens – tên mà Harari đặt cho chúng ta – chỉ là một phần rất nhỏ trong lịch sử loài người.

Liệu toàn bộ lịch sử ấy có được truyền tải súc tích – 400 trang giấy? Không thực sự như vậy; viết một lược sử thời gian sẽ dễ dàng hơn – toàn bộ 14 tỷ năm – và Harari cũng dành nhiều trang viết về hiện tại và tương lai có khả năng xảy ra của chúng ta chứ không hẳn toàn là quá khứ. Tuy nhiên, những câu chuyện sâu sắc về người sapiens thì khá là
dễ đồng tình, và ông trình bày chúng một cách sống động.

Trong nửa đầu thời gian tồn tại, chúng ta đi lang thang rất mờ nhạt; Sau đó chúng ta trải qua một loạt các cuộc cách mạng. Thứ nhất, cuộc cách mạng "nhận thức": khoảng 70.000 năm trước, chúng ta bắt đầu hành xử khéo léo hơn trước, lý do vì sao thì vẫn chưa rõ ràng, và chúng ta đã tỏa đi nhanh chóng trên khắp hành tinh này. Khoảng 11.000 năm trước, chúng ta bước vào cuộc cách mạng nông nghiệp, ngày càng có nhiều người chuyển từ tìm kiếm thức ăn (săn bắt và hái lượm) sang trồng trọt. Cuộc "cách mạng khoa học" bắt đầu cách đây khoảng 500 năm. Nó kích hoạt cuộc cách mạng công nghiệp cách đây 250 năm, và cuộc cách mạng này lại dẫn tới cuộc cách mạng thông tin, cách đây 50 năm, và từ đó lại đưa tới cuộc cách mạng công nghệ sinh học vẫn còn chân ướt chân ráo. Harari nghi ngờ rằng cuộc cách mạng công nghệ sinh học là dấu hiệu cho sự cáo chung của loài người sapiens: chúng ta sẽ bị thay thế bởi những con người biến đổi gen hậu nhân loại, những "con người nửa người nửa máy" (cyborg) không chết (amortal), có khả năng sống mãi.

Dưới đây là cách ông diễn giải. Harari đã đưa ra nhiều sự kiện quan trọng khác, đáng chú ý là sự phát triển ngôn ngữ: chúng ta có thể suy nghĩ khúc chiết về các vấn đề trừu tượng, hợp tác tạo thành những tập thể lớn, và, có lẽ quan trọng nhất, là khả năng nói chuyện phiếm. Tôn giáo trỗi dậy và thuyết đa thần chậm chạp áp đảo các thuyết độc thần ít nhiều độc hại. Sau đó là sự phát triển của tiền, và quan trọng hơn là của tín dụng. Và rồi, các đế quốc và thương mại cùng nhau lan rộng cũng như sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản.

Harari đã băng băng vượt qua những vấn đề lớn lao và phức tạp theo cách – tốt nhất có thể – rất hấp dẫn và giàu thông tin. Và một suy nghĩ gãy gọn: "Chúng ta không thuần hóa lúa mì. Chính lúa mì đã thuần hóa chúng ta." Harari nói, "đã diễn ra một cuộc bán linh hồn cho quỷ dữ giữa con người và ngũ cốc", trong đó loài người chúng ta "vứt bỏ sự cộng sinh gần gũi với thiên nhiên và chạy theo sự tham lam và cô độc". Đó là một món hớ: "Cuộc cách mạng nông nghiệp là cuộc lừa đảo lớn nhất trong lịch sử". Thường xuyên, cuộc cách mạng ấy đưa đến một chế độ ăn uống tồi tệ hơn, con người phải lao động nhiều giờ hơn, có nguy cơ chết đói, điều kiện sống chật chội, rủi ro với bệnh tật tăng cao, và các hình thức mất an ninh mới và sự phân tầng xã hội xấu xí. Harari nghĩ rằng con người chúng ta có thể đã sống tốt hơn trong thời đại đồ đá, và ông có những luận điểm mạnh mẽ khi nói về chăn nuôi công nghiệp, và ông kết luận với một trong số nhiều câu so sánh nhất của mình: "Nông nghiệp theo hướng công nghiệp hiện đại có thể là tội ác lớn nhất trong lịch sử".

Ông chấp nhận quan điểm chung rằng cấu trúc cơ bản về cảm xúc và ham muốn của chúng ta đã không được bất kỳ cuộc cách mạng nào đáp ứng: "Thói quen ăn uống, sự xung đột và xu hướng tình dục của chúng ta là kết quả của lối nghĩ theo kiểu săn bắn hái lượm tương tác với môi trường hậu công nghiệp hiện tại, với các siêu đô thị, máy bay, điện thoại và máy tính, v.v ... Ngày nay chúng ta có thể sống trong những căn hộ cao chót vót với những chiếc tủ lạnh nhồi nhét đủ thứ, nhưng DNA của chúng ta vẫn nghĩ rằng chúng ta đang ở vùng hoang mạc." Ông đưa ra một minh hoạ gần gũi – việc chúng ta rất thèm đường và chất béo đã dẫn đến sự phổ biến rộng rãi của thực phẩm và đó là những nguyên nhân chính dẫn tới sức khỏe kém và vóc dáng xấu xí. Việc tiêu thụ các sản phẩm khiêu dâm là một ví dụ khác. Nó cũng giống như việc ăn quá nhiều: nếu tâm trí của người nghiện phim khiêu dâm được coi là một cơ thể, chúng sẽ giống như những người béo phì.

Có lúc Harari đã tuyên bố rằng "dự án hàng đầu của cuộc cách mạng khoa học" là Dự án Gilgamesh (đặt theo tên của anh hùng trong sử thi vùng Lưỡng Hà, người đã ra đi để tiêu diệt cái chết): "để ban cho nhân loại cuộc sống vĩnh hằng" hay "không bao giờ chết". Tác giả lạc quan rằng cuối cùng dự án đó cũng sẽ thành công. Nhưng không chết không phải là bất tử, bởi vì chúng ta luôn có thể chết vì bạo lực, và Harari đã có những hoài nghi hợp lý về những ích lợi của việc này. Là những kẻ không chết, chúng ta có thể trở nên thận trọng đến độ nực cười và vô dụng (nhà văn Larry Niven đã phát triển quan điểm này rất độc đáo khi mô tả những "người múa rối" trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Ringworld của mình). Cái chết của những người chúng ta yêu mến có thể trở nên khủng khiếp hơn rất nhiều. Chúng ta có thể trở nên mệt mỏi vì mọi thứ dưới ánh mặt trời –thậm chí ở thiên đường (xem chương cuối cùng của tiểu thuyết 'Lịch sử thế giới trong 10½ chương' của nhà văn Julian Barne). Chúng ta có thể đồng ý với những chú lùn của nhà văn JRR Tolkien rằng cái chết là một món quà dành cho con người và đó là thứ những người tí hon này không có. Chúng ta có thể cảm nhận được xúc cảm của nhà thơ Philip Larkin: "Sau tất cả là mong muốn được quên lãng."

Thậm chí nếu chúng ta đặt tất cả những luận điểm này sang một bên, không có gì đảm bảo rằng việc chúng ta không chết sẽ mang lại hạnh phúc lớn hơn. Harari sử dụng nghiên cứu nổi tiếng rằng hạnh phúc của một người mỗi ngày rất ít liên quan đến hoàn cảnh vật chất của họ. Chắc chắn tiền bạc có thể tạo ra sự khác biệt – nhưng chỉ khi chúng đưa ta thoát khỏi đói nghèo mà thôi. Sau đó, việc có nhiều tiền cũng ít hoặc không làm thay đổi gì cả. Chắc chắn một người thắng xổ số sẽ bay bổng hạnh phúc nhờ vận may của mình, nhưng sau khoảng 18 tháng, mức hạnh phúc trung bình hằng ngày sẽ trở lại như cũ. Nếu chúng ta có một "máy đo hạnh phúc" đáng tin cậy, và đi dạo ở Quận Cam và các đường phố ở Kolkata Ấn Độ, không có gì chắc chắn rằng chúng ta sẽ có kết quả đo cao hơn ở nơi đầu tiên so với nơi thứ hai.

Quan điểm hạnh phúc này là một đề tài xuyên suốt trong Sapiens. Khi Arthur Brooks (người đứng đầu Học viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ theo trường phái bảo thủ) đưa ra quan điểm về vấn đề này trên Tờ New York Times vào tháng Bảy, ông đã bị chỉ trích vì cố ủng hộ người giàu và biện minh cho sự bất bình đẳng thu nhập. Những lời chỉ trích đó là rất khó hiểu, vì mặc dù sự bất bình đẳng hiện tại về thu nhập là rất khó chịu, và có hại cho tất cả mọi người, nhưng nghiên cứu về hạnh phúc đó thì đã được xác nhận. Tuy nhiên, điều này không ngăn Harari gợi ý rằng cuộc sống của loài người sapiens ngày nay có thể tồi tệ hơn cuộc sống của họ cách đây 15.000 năm.

Phần lớn cuốn sách Sapiens vô cùng thú vị, và thường được diễn giải rất hay. Tuy nhiên, khi đọc, các đặc tính khiến cuốn sách hấp dẫn lại bị choáng ngợp bởi sự thiếu thận trọng, phóng đại và chủ nghĩa giật gân. Đó là chưa nói đến chuẩn mực và việc tác giả lạm dụng lặp đi lặp lại câu nói "ngoại lệ chứng minh nguyên tắc" (có nghĩa là các trường hợp ngoại lệ hoặc hiếm sẽ kiểm tra và xác nhận một quy tắc vì hóa ra quy tắc này vẫn áp dụng được ngay cả trong những trường hợp đó). Trong những đánh giá của Harari có chứa chủ nghĩa phá hoại, sự thiếu thận trọng của ông đối với các mối quan hệ nhân quả, sự gán ghép khiên cưỡng và sự cắt xén dữ liệu. Hãy lấy cuộc chiến Navarino làm ví dụ. Bắt đầu từ thực tế là các nhà đầu tư Anh có nguy cơ thua lỗ nếu người Hy Lạp thất bại trong cuộc chiến tranh giành độc lập của họ, Harari đã vội vàng: "Lợi ích của các cổ đông là lợi ích quốc gia, vì vậy người Anh đã tổ chức một hạm đội quốc tế và đánh chìm được đội tàu chính của quân Ottoman trong trận Navarino năm 1827. Sau nhiều thế kỷ bị đô hộ, Hy Lạp cuối cùng đã tự do." Điều này là hoàn toàn xuyên tạc – và Hy Lạp đã không có được tự do vào thời điểm đó. Để thấy luận điểm này tệ hại thế nào, bạn có thể nhìn vào mục thông tin về Navarino trên wikipedia.

Harari ghét "nền văn hoá tự do hiện đại", nhưng cuộc tấn công của ông là một hình ảnh biếm hoạ và nó lại gây hại cho ông. Chủ nghĩa nhân văn tự do, ông nói, "là một tôn giáo". Nó "không phủ nhận sự tồn tại của Chúa"; "Tất cả các nhà nhân bản tôn thờ con người"; "Có một sự khác biệt lớn lao đang hiện ra giữa các nguyên lý của chủ nghĩa nhân văn tự do và những phát hiện mới nhất của khoa học đời sống". Điều này thật ngớ ngẩn. Cũng đáng buồn khi nhìn thấy Adam Smith vĩ đại một lần nữa được đem ra làm ông tổ của lòng tham. Tuy nhiên, có lẽ Harari đã đúng khi cho rằng "chỉ có tội phạm mới mua một ngôi nhà ... bằng cách trao một va-li tiền giấy" – một quan điểm đầy hấp dẫn khi người ta biết được rằng khoảng 35% các mua bán ở phân khúc thị trường nhà ở cao cấp tại London hiện đang được giao dịch bằng tiền mặt.

Tuấn Minh
The Guardian

Tags: book

21 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc