Học sinh tự tử vì áp lực học tập

-----
Ở Việt Nam chưa có số liệu thống kê chi tiết các trường hợp học sinh tự tử vì áp lực nên cũng khó nhận biết được nhiều hay ít. Nhưng theo số liệu thống kê tại Mỹ thì có trung bình 14 học sinh độ tuổi 14-19 tự tử hàng năm trên mỗi 100.000 dân. Có nghĩa là có khoảng 1.500 nam sinh và 500 nữ sinh tìm đến cái chết tại nước Mỹ mỗi năm. Còn tại Nhật Bản, nơi được coi là nơi có áp lực cao nhất thế giới thì tự tử là nguyên nhân tử vong cao nhất cho trẻ 10-19 tuổi. Hàng năm có khoảng 4600 bạn trẻ độ tuổi 10-24 được ghi nhận chết do tự tử, bên cạnh đó còn có 157.000 trường hợp tự gây thương tích. Đặc biệt ngày 1.9 hàng năm được coi là ngày đen tối khi có tới 130 bạn trẻ tìm đến cái chết. Đó là ngày bắt đầu năm học mới sau kỳ nghỉ hè tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, khác với Việt Nam là mỗi khi có trẻ tự tử là xã hội lại lên án chương trình học nặng nề và đòi giảm tải thì các quốc gia nêu trên thường nghiên cứu và phân tích nguyên nhân. Các nguyên nhân chính được chỉ ra khá đa dạng: bạo lực học đường, bạo lực trên mạng xã hội, thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi, gia đình, cảm giác cô đơn, bị cô lập, áp lực học tập và được coi chung vào một nguyên nhân đó là SỨC KHOẺ TÂM THẦN của trẻ.

Thực tế thì trong lịch sử loài người, chương trình học phổ thông chưa bao giờ giảm tải mà còn có xu hướng tăng nhanh. Trước đây đã có những tranh cãi khi đưa cả định luật hấp dẫn của Einstein vào phổ thông và phụ huynh ý kiến con tôi không phải là Einstein để hiểu những điều đó. Nhưng ngược lại với Việt Nam, chương trình phổ thông các nước không hề được giảm nhẹ mà có xu hướng ngày càng nặng hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh. Không những vật lý của Einstein mà cả triết học và kinh tế học cũng đã được đưa xuống bậc phổ thông của đa số các nước.

Chính vì nhận định việc trẻ tự tử không phải chỉ bởi việc học hành nên các trường học quốc gia phát triển thường có cán bộ tư vấn tâm lý học đường. Đó là những chuyên gia tâm lý luôn sẵn sàng bên cạnh giúp các bạn trẻ vượt qua những vấp váp đầu đời.

Quay lại việc bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ tự tử, sau đây là những lời khuyên của các nhà nghiên cứu. Các lời khuyên này dành cho các vị phụ huynh:

1. Tham gia tối đa các hoạt động của con: tham gia các sự kiện, các buổi biểu diễn và hoạt động khác. Nói chuyện với giáo viên nếu con bạn có biểu hiện đau khổ, điểm thấp hoặc bỏ tham gia câu lạc bộ hay hoạt động ngoại khoá.

2. Giữ liên lạc với bạn bè của con, trò chuyện với bạn bè của con theo cách chúng thấy thoải mái nhất như SMS, điện thoại, Facebook hay Facetime.

3. Nếu phụ huynh cảm thấy có vấn đề gì đó với con hoặc với bạn của con, đừng tọc mạch và gây hoang mang. Hãy cởi mở hỏi và lắng nghe cẩn thận, tránh trầm trọng hoá, khó chịu hay thiếu kiên nhẫn.

4. Động viên con bạn dành thời gian chăm sóc bản thân như đọc một cuốn sách hay, xem một bộ phim hay ngủ trưa hàng ngày. Đảm bảo sức khoẻ và dinh dưỡng cho con cả bữa ăn ở trường và ở nhà.

Bài trước: Khi con buồn chán

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc