Ngoại giao đồng đô la khiến Đế chế Anh sụp đổ như thế nào?

Một sự thiếu hụt đô la nghiêm trọng đã khiến Đế chế Anh sụp đổ nhanh chóng sau Chiến tranh thế giới thứ II. Nguồn: Thư viện Quốc hội (Mỹ). Phòng In ấn và Nhiếp ảnh.

By Benn Steil / Sơn Phạm dịch

'Đế chế Anh có vẻ như đang kiệt quệ nhanh như các khoản nợ của Mỹ', Winston Churchill nói  hùng hồn trước Hạ viện ngày 20 tháng 12, năm 1946. 'Tốc độ thật kinh khủng.'

Như thể được đồng bộ một cách bí mật, những cột trụ của đế chế và sự chấp nhận quốc tế của đồng bảng Anh đang sụp đổ cùng lúc.

Vào cuối năm 1945, chính quyền Tổng thống Harry S. Truman đã miễn cưỡng đồng ý để cho Vương quốc Anh bị phá sản vay 3,75 tỉ USD - nhưng với điều kiện là đồng bảng Anh phải được chuyển đổi hoàn toàn sang đô la Mỹ ở mức 4.03 USD cho một bảng Anh vào ngày 15 tháng 7, năm 1947. Điều này sẽ cho phép các thuộc địa (colony) và lãnh địa (dominion) của Anh bán đồng bảng để đổi lấy USD, đáp ứng nhu cầu lâu dài của các nhà xuất khẩu và những người chống đế quốc của Mỹ trong khi làm suy giảm dự trữ chính thức ít ỏi của Vương quốc Anh.

Giờ đây đồng đô la lơ lửng trên mọi câu hỏi về việc đế quốc này sẽ bị rời từng mảnh (dismantle) như thế nào. Tháng Hai năm 1946, nhà kinh tế học vĩ đại John Maynard Keynes đã tiên đoán về khát khao trì trệ của chính phủ Anh muốn 'được mọi người khâm phục (cut a dash) trong một thế giới rõ ràng là vượt quá khả năng kinh tế của chúng ta.' Ông quan sát thấy, nước Anh đã 'không được chuẩn bị để chấp nhận một cách hòa bình và khôn ngoan một thực tế là vị thế và các nguồn lực của nó đã không còn như trước nữa.'

Đầu tiên là ở Trung Đông. Keynes lưu ý rằng người Anh đã phải chi trả cho việc giữ quân đội ở Ai Cập bằng cách vay mượn từ ... chính Ai Cập. Ông hỏi, câu trả lời của họ sẽ là gì, nếu người Ai Cập 'không còn chuẩn bị để cung cấp cho chúng ta số tiền cần thiết?' Câu trả lời chỉ đơn giản là di chuyển số quân đội này đến Palestine. Điều này, người ta hy vọng rằng, sẽ câu giờ của người Sinai cho đến khi một điều gì đó - bất cứ điều gì có thể ổn thỏa với người Ả Rập, Zionists (người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái) và người Mỹ. Nghị sĩ Đảng Lao động Anh - Richard Crossman quan sát, phương cách ủng hộ người Ả Rập sẽ 'nhất định tăng cường các ảnh hưởng chống Anh và cô lập' ở Mỹ, và 'thậm chí có thể gây nguy hiểm cho khoản vay' mà Vương quốc Anh rất cần.

Chênh lệch hẹp
Tháng 6 năm 1946, một cuộc thăm dò ý kiến công chúng của Bộ Ngoại giao cho thấy chỉ có 38% người Mỹ đồng ý với bất kỳ khoản vay nào của Vương quốc Anh, trong khi có tới 48% người phản đối. Khoản vay này sẽ, theo lời của một người phản đối trong quốc hội, 'thúc đẩy quá đáng Chủ nghĩa xã hội ở trong nước và Chủ nghĩa đế quốc ở nước ngoài'.

Tuy nhiên, sự sợ hãi lớn dần về mối đe dọa Liên Xô, đã thay đổi chiều hướng cuộc tranh luận ở Washington. Bài phát biểu ni tiếng 'Bức màn sắt' (Iron Curtain) của Churchill vào ngày 5 tháng 3 năm 1946 đã trấn tĩnh những người hoài nghi cũng như sự lên án kịch liệt nó của Stalin. Cuối cùng, Quốc hội đã phê chuẩn khoản vay chỉ với chênh lệch rất hẹp là 46-34 ở Thượng viện và 219-155 ở Hạ viện.

Nhưng, khoản vay đã không cứu được đế chế này.

Ngày 22 tháng 7, Khách sạn King David ở Jerusalem bị nổ tung bởi lực lượng ngầm Do Thái Irgun. Những người Zionists ở Palestine giờ đây đã khởi nghĩa. Tuy nhiên, Churchill vẫn hi vọng và nói, 'Hầu như bất kì giải pháp nào mà nước Mỹ sẽ tham gia cùng chúng tôi có thể được đưa ra để thực hiện.'

Bài nói chuyện đã rất gần với sự thật: bất kì giải pháp nào cho tình thế lưỡng nan (quandary) đế quốc tốn kém của Vương quốc Anh mà thiếu sự ủng hộ của nước Mỹ giờ đây s vô vọng. Và Truman, không giống như người tiền nhiệm Franklin Roosevelt, không có mục tiêu chiến lược (như đánh bại Đức quốc xã) để ông có thể hướng chính phủ của mình tới những mối quan tâm của người Anh. Trong trường hợp Palestine, dường như ngược lại: ông đang tiến tới việc thừa nhận một nhà nước Do Thái.

Mùa hè năm 1946 cũng chứng kiện sự thất bại những nỗ lực của Vương quốc Anh trong việc kiềm chế xung đột sắc tộc ở Ấn Độ. Tiếp sau tuyên bố của Mohammad Ali Jinnah rằng Đảng của ông sẽ theo đuổi một nhà nước Pakistan độc lập, hàng nghìn người đã tử vong do bạo lực chủng tộc và tôn giáo đối lập lan ra từ Calcutta.

Duy trì lực lượng của Anh ở Ấn Độ sẽ cần tới 500 triệu USD một năm; ở Trung Đông, thêm 300 triệu USD nữa -- gần 1/4 toàn bộ khoản vay từ Mỹ.

Xấu, tồi tệ hơn
Trong khi đó, tình hình vốn đã xấu còn trở nên tồi tệ hơn ở Hy Lạp. Các lực lượng Anh, sau khi đã chiến đấu chống Đức quốc xã trong Thế chiến II, giờ đây bị buộc (pin down) phải chiến đấu chống quân du kích cộng sản Hy Lạp ở phía bắc. Những đồng đô la quý giá vay mượn từ Mỹ đã bốc hơi. 'Tôi đang bắt đầu hoài nghi liệu cuộc chơi Hy Lạp có đáng tiền không (worth the candle), Thủ tướng Anh - Clement Attlee, viết thẳng thừng cho Bộ trưởng ngoại giao của mình, Ernest Bevin, ngày 1 tháng 12.

Các cam kết quân sự trải rộng (far-flung) của Vương quốc Anh có lẽ đơn giản là không bền vững nếu không có hỗ trợ của Mỹ, mà dường như không có khả năng xảy ra trong thời gian tới. 'Có xu hướng là Mỹ đang coi chúng ta như một tiền đồn,' Attlee viết, 'nhưng là một tiền đồn mà họ sẽ không phải bảo vệ.'

Mùa đông khắc nghiệt nhất trong 60 năm đã kéo căng khả năng kinh tế và chính trị của các cam kết hải ngoại của Vương quốc Anh tới điểm đứt gãy. Attlee đã kí thỏa thuận độc lập với Tướng Aung San của Miến Điện vào ngày 27 tháng 1 năm 1947. Sau đó, trong một tuần đầy biến động vào tháng Hai, từng cột trụ của sức mạnh đế quốc Anh vỡ vụn.

Vào ngày 14 tháng Hai, Bevin tuyên bố sứ mệnh Palestine của Vương quốc Anh sẽ được chuyển giao lại cho Liên Hiệp Quốc. Vào ngày 18, nội các đồng ý rút quân khỏi Hy Lạp. Và vào ngày 20, Attlee tuyên bố tại Hạ viện rằng Vương quốc Anh sẽ rời khỏi Ấn Độ. 'Tôi biết rằng nếu Đế chế Anh sụp đổ,' Bevin nói với các Hạ nghị sĩ một năm trước đó, 'điều đó có nghĩa là mức sống sẽ giảm đáng kể.' Năm 1946, đối với nhiều người trong giới cai trị ở Vương quốc Anh, việc đế chế là nguồn sức mạnh kinh tế vẫn còn là điều hiển nhiên (axiomatic). Tuy nhiên, giờ đây, việc nó trở nên kiệt quệ đồng đô la đến mức không chịu đựng nổi đã trở nên rõ ràng.

'Chỉ còn lại hai cường quốc,' Ngoại trưởng tương lai của Mỹ - Dean Acheson nói vào tháng Hai năm 1947, ám chỉ tới Mỹ và Liên Xô. 'Vương quốc Anh đã chấm dứt.'

Ngày 12 tháng Ba, Truman có bài phát biểu lịch sử trước phiên họp chung của Quốc hội, trình bày kế hoạch được biết đến như là 'Học thuyết Truman.' Nước Mỹ sẽ cam kết hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn các nước này rơi vào sự thống trị của Liên Xô. Đây là thách thức đầu tiên trong chuỗi domino những thách thức địa chính trị mà nước Mỹ sẽ phải đối mặt trong những thập kỉ tiếp theo để bù vào khoảng trống do sự sụp đổ (implosion) của Đế chế Anh để lại -- sự sụp đổ sớm xảy ra bởi ngoại giao đồng đô la Mỹ.

(Benn Steil là Giám đốc kinh tế học quốc tế tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại và là tác giả của 'Cuộc chiến Bretton Woods: John Maynard Keynes, Harry Dexter White, và sự hình thành một trật tự thế giới mới' - “The Battle of Bretton Woods: John Maynard Keynes, Harry Dexter White, and the Making of a New World Order."

Bloomberg

Tags: economics

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc