Sự vươn lên của Ngân hàng Trung ương Trung Hoa

Bắt đầu với những cải cách của Đặng Tiểu Bình vào năm 1978, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa dần dần nổi lên như một cường quốc thế giới. Nguồn: Thư viện Quốc hội (Mỹ), Phòng In ấn và Nhiếp ảnh.

by Stephen Bell & Hui Feng / Sơn Phạm dịch

Tính đến tháng 11 năm 2012, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBOC) có tổng tài sản hơn 4,8 nghìn tỉ USD, nhiều hơn cả Ngân hàng Trung ương châu Âu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. PBOC giờ đây cung cấp hơn một nửa tổng thanh khoản của thế giới và quản lý lượng dự trữ ngoại hối trị giá gần 3,3 nghìn tỷ USD.

PBOC ngày càng trở thành người cho vay cuối cùng trên trường quốc tế, đặc biệt là khi các chính trị gia châu Âu đang cố gắng thuyết phục Trung Hoa mua trái phiếu của họ. Không có gì ngạc nhiên khi Zhou Xiaochuan (Chu Tiểu Xuyên), thống đốc của PBOC, từ lâu đã được gọi là "Thống đốc ngân hàng trung ương của thế giới", người mà những lời nói có thể làm rung động thị trường toàn cầu.

Thật khó mà tin rằng chỉ trong ba thập kỷ trước đây, PBOC chỉ là một tổ chức nhỏ trong mê cung (labyrinth) bộ máy quan liêu của Trung Hoa. Sự vươn lên của ngân hàng này là cả một câu chuyện về quá trình chuyển đổi kinh tế hỗn loạn, sự lãnh đạo khéo léo và, trên tất cả là, chiến lược chính trị không ngoan. Và, những thách thức quan trọng nhất của nó có thể vẫn còn ở phía trước.

Sau cuộc cách mạng cộng sản, PBOC đã được chính thức thành lập vào năm 1949 như là một ngân hàng quốc gia, được ủy quyền là trung tâm tiền mặt, thanh toán bù trừ và tín dụng để phục vụ cho nền kinh tế Trung Quốc.

Trong những năm 1950, PBOC là ngân hàng lớn duy nhất ở Trung Quốc, một hệ thống chung (universal?) thực hiện chức năng ngân hàng trung ương và bán lẻ thô sơ. Tuy nhiên, nó đã bị gạt ra bên lề bởi sự áp chế tài chính và hệ thống phân cấp quan liêu trong nền kinh tế chỉ huy của Trung Hoa. Từ năm 1958 đến 1962, các chi nhánh của PBOC đã được sáp nhập với các Kho bạc địa phương, và từ năm 1968 để 1977, trụ sở chính của nó chỉ có 80 nhân viên hoạt động như một bộ phận nhỏ trong Bộ Tài chính. Ngân hàng này chẳng có hoạt động nào khác ngoài các hoạt động kế toán, thu ngân, và in tiền đơn thuần (mint-master).

Các cải cách của Đặng Tiểu Bình
Sau khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng các cải cách kinh tế bắt đầu từ năm 1978, PBOC dần dần trở thành cơ quan quản lý kinh tế vĩ mô quan trọng nhất của Trung Hoa. Thị trường mới nổi này và sự mở rộng nhanh chóng các giao dịch quốc tế đòi hỏi sự trung gian tài chính phức tạp mà hệ thống chung của PBOC đã không thể đáp ứng.

PBOC tách độc lập khỏi Bộ Tài chính từ năm 1979, và do hàng loạt các ngân hàng nhà nước đã được hồi sinh để tham gia vào kinh doanh thương mại, vai trò của PBOC trong hệ thống mới đã trở thành vấn đề gây tranh luận sôi nổi. Sau nhiều cuộc tranh luận nội bộ kéo dài, vị thế của nó như là ngân hàng trung ương Trung Hoa đã được chính thức xác nhận vào năm 1983 và các hoạt động ngân hàng thương mại của nó đã được trao cho các ngân hàng nhà nước khác.

Các cuộc khủng hoảng lạm phát trong những năm 1980 và đầu những năm 1990 đã khiến giới tinh hoa có đầu óc cải cách thúc đẩy vai trò của PBOC nhằm duy trì sự ổn định giá cả thông qua Luật Ngân hàng Trung ương năm 1995. Luật này quy định: "Mục tiêu của các chính sách tiền tệ là nhằm duy trì sự ổn định giá trị tiền tệ và từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế."

Chính quyền trung ương cũng cơ cấu lại các chi nhánh địa phương của PBOC, cho phép tăng tính tự chủ từ chính quyền tỉnh, vốn là nguồn cơn gây lạm phát do đầu tư tràn lan. Sau khi việc lập kế hoạch tài chính trung ương được loại bỏ vào năm 1998, PBOC đã tìm cách hiện đại hóa bộ máy chính sách tiền tệ và xây dựng các mối quan hệ gần gũi hơn với cộng đồng quốc tế.

Quan trọng hơn, các lãnh đạo của PBOC hình thành quan hệ chính trị với các nhà lãnh cải cách trong đảng, đặc biệt là Zhu Rongji (Chu Dung Cơ), người đã là thống đốc của PBOC từ 1993 đến 1995 và trở thành thủ tướng vào năm 1998. Zhu thiếu sự ủng hộ rộng rãi trong chính quyền trung ương, nhưng PBOC đã mang lại sự ủng hộ chính sách và hành chính về một loạt các vấn đề.

PBOC do đó đã giành được nhiều quyền hơn bằng cách trở thành một đồng minh không thể thiếu của các nhà lãnh đạo chính trị cải cách. Dưới sự lãnh đạo của ông Zhu, ngân hàng này đã lèo lái một cuộc hạ cánh mềm trong năm 1996 sau một đợt lạm phát cao (tới tận 24% vào năm 1993), và chiến thắng nhiều cuộc tranh luận lớn sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, đặc biệt là trong việc theo đuổi chiến lược không phá giá.

Phô diễn sức mạnh (Flexing Muscles)
Với thẩm quyền mới này, PBOC đã bắt đầu thể hiện sức mạnh của mình trong những năm 2000, đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Thống đốc Zhou Xiaochuan, một nhà kinh tế có quan hệ mật thiết với các lãnh đạo chính trị. Mặc dù đảng vẫn kiểm soát khu vực tài chính, ngân hàng này đã và đang thăm dò một cách thận trọng các công cụ mới theo cơ chế thị trường nhiều hơn để thiết lập một chính sách tiền tệ đáng tin cậy và duy trì ổn định giá cả.

Từ năm 1979 đến 1994, tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 10,1% trong khi lạm phát trung bình ở mức 7,7%. Từ năm 1995 đến 2011, tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 9,9% trong khi lạm phát giảm xuống ở mức trung bình chỉ là 3,1%. Thành tích này đã mang lại cho PBOC thẩm quyền lớn hơn và nhiều dư địa hơn để quản lý kinh tế vĩ mô.

PBOC cũng đóng một vai trò trung tâm trong việc tự do hoá tỷ giá hối đoái của Trung Quốc trong năm 2005 và một lần nữa vào năm 2010, bất chấp sự phản đối gia tăng trong nội bộ. Nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực ngân hàng ổn định để thực hiện chính sách tiền tệ, ngân hàng trung ương này cũng đã dẫn đầu trong cuộc cải cách ngân hàng gần đây nhằm cải thiện quản trị doanh nghiệp và kỷ luật thị trường. Theo Zhou, ngân hàng này cũng đã hoạt động tích cực trong việc cải cách chứng khoán, bảo hiểm và thị trường trái phiếu, quốc tế hóa đồng renminbi (nhân dân tệ), và thành lập hệ thống thanh toán hiện đại.

Tuy nhiên, PBOC vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong ngắn và trung hạn, nó sẽ phải giải quyết các rủi ro nợ xấu, đặc biệt là tỷ lệ ngày càng tăng các 'ngân hàng trong bóng tối' (shadow banking) và rủi ro bất động sản và nợ chính quyền địa phương. Về lâu dài, nó sẽ phải đảm bảo sự ổn định khi Trung Hoa chuyển hướng thành nền kinh tế định hướng nội địa hơn. Điều làm cho các nhiệm vụ này trở nên khó khăn (daunting) đối với PBOC là nó phải liên tục thương lượng và đàm phán với các cơ quan nhà nước khác và với các lãnh đạo đảng. Nó cũng phải thực hiện một chính sách tiền tệ theo định hướng thị trường nhiều hơn trong khi bị hạn chế bởi các di sản của quá khứ cộng sản, chẳng hạn như sự kiểm soát của nhà nước đối với các lĩnh vực tài chính quan trọng.

Tuy nhiên, tương lai của ngân hàng này phụ thuộc không chỉ riêng ở sự vận động chính trị khéo léo. Nó phải ngăn chặn các thảm họa tài chính đã bao vây Mỹ và châu Âu trong những năm gần đây. Và điều này có lẽ lại là những thách thức khó khăn nhất.

(Stephen Bell là giáo sư kinh tế chính trị và Tiến sĩ Hui Feng là nhà nghiên cứu tại Trường Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Queensland. Cuốn sách mới nhất của họ là "Sự nổi lên của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa: Quan điểm chính trị của sự thay đổi thể chế." - "The Rise of People's Bank of China: The Politics of Institutional Change."

Bloomberg

9 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc