Luật Ngân hàng khẩn cấp năm 1933 ở Mỹ

Tổng thống Franklin D. Roosevelt ký đạo Luật Ngân hàng khẩn cấp ngày 9 tháng 3, năm 1933. Nguồn: Omikron Omikron

Giáo sư Philip Scranton mới có bài ở Bloomberg, kể về việc Chủ nhật, ngày 5/3/1933, một ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Franklin D. Roosevelt ra tuyên bố đóng cửa toàn bộ ngân hàng Mỹ từ ngày 6/3 đến 9/3, nhằm cố gắng ngăn chặn sự hoảng loạn tài chính đang leo thang. Các điều kiện cho việc ra đời tuyên bố này là do 'có sự rút nhiều và không chính đáng vàng và tiền ra khỏi các định chế ngân hàng của chúng ta nhằm tích trữ, và các hoạt động đầu cơ ngoại tệ liên tục và ngày càng mở rộng từ nước ngoài đã dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng trữ lượng vàng của đất nước, tất cả những điều này gây ra tình trạng khẩn cấp quốc gia.'

Ngôn ngữ hoa mỹ hầu như không che giấu được cơn địa chấn kinh tế. Những người gửi tiền đã đổ xô (mob) đến các ngân hàng ở nhiều tiểu bang và nỗi lo sợ ngân hàng phá sản hàng loạt lan rộng. Tuyên bố của Tổng thống đã cho Quốc hội và giới chức liên bang một vài ngày quý giá để dự thảo luật.

Tờ Economist quan sát rằng dù có sự khác nhau cơ bản, cả Roosevelt và Adolf Hitler của nước Đức khi lên nắm quyền đều phải đang đối mặt với những thách thức tương tự nhau: đó là kinh tế. 'Nhưng trong khi Herr Hitler, đã hứa hẹn thời đại huy hoàng, có lẽ sẽ có rất ít thời gian để hiện thực hóa lời hứa của mình, nhiệm vụ mà Roosevelt đang phải đối mặt là làm hồi sinh các hoạt động kinh tế bị ngưng trệ hoàn toàn của nước Mỹ là cấp thiết và không thể chậm trễ dù chỉ một tuần.'

Bình luận viên Will Rogers viết vào ngày 6 tháng 3:
'Roosevelt đã hành động nhanh chóng. Trong ngày Chủ nhật, đáng lẽ tất cả những gì mà một Tổng thống làm là đội mũ lụa và có một bức hình chụp bước ra khỏi Nhà thờ, tại sao Tổng thống này lại đóng cửa tất cả các ngân hàng và kêu gọi phiên họp bổ sung của Quốc hội, và đó không phải là tất cả, ông sẽ triệu tập họp dù họ không hoàn thành điều gì.'

Trong thời gian đóng cửa ngân hàng, các giao dịch kì lạ diễn ra trên toàn quốc. Các cửa hàng mời thực khách tính tiền ăn vào tài khoản tín dụng. Khi một chủ cửa hàng bán rượu lậu (speakeasy) bị kết tội ở New York 'dằn mạnh tờ bạc 500 USD lên bàn thủ quỹ để trả 100 USD tiền phạt,' ông ta phải đợi tòa án thu đủ '400 USD tiền phạt từ các vụ khác để trả lại.'

Quốc hội hành động ngay lập tức, thông qua Luật Ngân hàng khẩn cấp chỉ trong ngày 9 tháng 3. Theo báo cáo, chỉ có một bản của dự luật được đưa ra, và hầu hết các nhà lập pháp bỏ phiếu mà không kịp đọc. Luật đã hợp pháp hóa 'kỳ nghỉ' và đặt ra những điều kiện sơ khởi để các ngân hàng mở cửa lại.

Roosevelt kéo dài thời gian đóng cửa ngân hàng tới tận ngày 13 tháng 3, và sau đó lên sóng phát thanh để lần đầu tiên bắt đầu 'câu chuyện bên lò sưởi' của mình, mô tả hệ thống ngân hàng Mỹ đã hoạt động như thế nào và nhằm trấn an công chúng rằng 'không có gì là phức tạp và cấp tiến' trong những hành động đối phó với khủng hoảng của chính phủ.

Will Rogers viết vào ngày hôm sau, 'Tổng thống của chúng ta đã chọn chủ đề khô như ngân hàng (tôi nói 'khô' có nghĩa đúng là khô, vì nếu 'liquid'* thì ông đã không nói với chúng ta làm gì), và ông đã làm cho chúng ta 'hiểu', kể cả các banker'

Khi các ngân hàng mạnh nhất mở cửa trở lại, hàng nghìn người xếp hàng để gửi lại số tiền mà họ đã rút trước đây do lo sợ. Roosevelt đã giúp phục hồi niềm tin tài chính của đất nước.

Nhà cách mạng lưu vong người Nga - Leon Trotsky dự đoán rằng 'nước Mỹ sẽ sớm vươn lên từ cuộc khủng hoảng này trở thành ông chủ vốn thế giới hơn bao giờ hết.'

Sơn Phạm
Bloomberg


Ngoại giao đồng đô la khiến Đế chế Anh sụp đổ như thế nào?

* lỏng, đối nghĩa với khô, còn mang nghĩa 'thanh khoản', khả năng dễ dàng bán ra để thu về tiền mặt, hoặc tiềm lực vốn trong ngành ngân hàng.

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc