Myanmar xây cảng, rút ngắn vận chuyển Ấn Độ - Đông Nam Á

Ngày 27/9/2012, bên lề khóa họp thường niên 67 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, đang diễn ra tại New York (Mỹ) giữa Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và Tổng thống Myanmar Thein Sein, hai bên đã nhất trí thúc đẩy dự án cảng biển nước sâu Dawei ở Myanmar.

1. Vị trí

Đây là trung tâm công nghiệp và cảng rộng 250 km2 ở Maungmagan, cách vài km về phía bắc thị trấn Dawei, nằm cách Yangon khoảng 614,3 km, cách Bangkok 350 km về phía tây, nằm trên trục bắc nam giữa Trung Quốc - Indonesia và trục đông tây giữa Đông Nam Á và Ấn Độ. Khi hoàn thành, theo ước tính sẽ rút ngắn 7 ngày thời gian hàng hóa từ các nhà máy tại Thái Lan và Việt Nam tới Ấn Độ. Hiện tại Singapore, cách Dawei 1.600km về phía Nam, vẫn là điểm trung chuyển chính của khu vực đối với hàng hóa đi và đến từ Ấn Độ, khu vực phía tây.

2. Cơ chế quản lý
Cơ chế ba cấp độ được lập ra nhằm phục vụ việc triển khai dự án.
- Ủy ban chung cấp cao do Phó Tổng thống Myanmar cùng Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Thái Lan đứng đầu;
- Ủy ban phối hợp do Văn phòng của Ủy ban phát triển kinh tế xã hội quốc gia lãnh đạo; và
- Sáu tiểu ban trực thuộc phụ trách về cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, năng lượng, phát triển cộng đồng, quy định pháp luật và tài chính, đặt dưới sự chỉ đạo của các bộ trưởng liên quan của mỗi nước.

3. Tầm nhìn
Hãng xây dựng lớn nhất Thái Lan, Italthai là nhà thầu chính. ITD sẽ đầu tư 8,6 tỉ đô la Mỹ phát triển dự án trong 10 năm đầu, bao gồm xây dựng khu công nghiệp, khu cảng nước sâu, và hệ thống đường bộ, đường sắt kết nối đến Thái Lan. Tổng số vốn cho dự án lên đến 58 tỉ đô la Mỹ. Dự án ban đầu sẽ nhắm tới việc thu hút các nhà sản xuất thép, hóa dầu, bột giấy và giấy trước khi chuyển sang các ngành công nghiệp nhẹ. Phần lớn chi phí tài trợ ban đầu sẽ do các ngân hàng châu Á cung cấp, nhưng Italthai cũng đã bắt đầu tìm kiếm đối tác góp vốn (Nhật Bản).

Cảng (giai đoạn 1) và đường bộ (4 làn, sẽ mở rộng thành 8 làn vào giai đoạn 2) đã bắt đầu được xây dựng từ đầu 2012 và dự kiến hoàn thiện trong 4 năm. Các công ty tư vấn nổi tiếng như Halcrow, Aurecon and Nippon Koei (cảng), Epsilon, Tesco and Mindway (đường bộ) được chỉ định để tiến hành nghiên cứu thiết kế chi tiết. Nguồn cung nước cho cụm cảng lấy từ Hồ chứa Hta Loat Tar, với hơn 500 triệu mét khối nước. Nhà máy thủy điện Tanintharyi Hydro Power Development 1.040 MW, ngoài ra cũng có một nhà máy nhiệt điện.

Đối với Trung Quốc, nhìn nhận Myanmar như là cửa ngõ lý tưởng để mở đường ra Ấn Độ Dương, giúp hạ nhiệt vấn đề năng lượng và phát triển vùng Vân Nam, Trung Quốc đang triển khai xây lắp đường ống dẫn dầu dài 771 km qua Myanmar. Sau khi dự án Dawei được triển khai, Trung Quốc đã lên kế hoạch nối tuyến đường sắt Côn Minh - Yangon dài đến Dawei.

4. Tác động đối với Việt Nam
Dawei có vị trí địa lý rất “nhạy cảm” đối với khu vực tiểu vùng sông Mêkông: vĩ độ Dawei gần bằng vĩ độ Quy Nhơn (xấp xỉ 140 độ Bắc). Đường nối hai thành phố này có thể xem như đường trung tuyến của bán đảo Trung Ấn, Dawei sẽ là địa điểm phù hợp để phát triển thành một cửa ngõ cho lưu chuyển hàng hóa toàn khu vực. Sự phát triển của Dawei sẽ có hai tác động nhãn tiền lên Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), do đó, cảng Đà Nẵng cũng sẽ phải chịu tác động tiêu cực.

Thứ nhất, cảng Dawei sẽ thay thế vai trò của cảng Mawlamyine để trở thành cửa ngõ phía Tây của EWEC.

Thứ hai, kết nối hiệu quả giữa Dawei và Bangkok sẽ làm giảm mức độ thành công của EWEC, do thương mại giữa các tỉnh, thành phố dọc theo EWEC không phát triển như kỳ vọng ban đầu.

Trong khi đó, trục Dawei - Kanchanaburi - Bangkok hoàn thiện sẽ khiến miền Nam Thái Lan hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Trong lúc đó, để tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông phía Việt Nam, Quyết định số 07/2011/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được ban hành tháng 1-2011 đã xác định quy hoạch phát triển hành lang Đà Nẵng - quốc lộ 1A - Lao Bảo và hành lang Đà Nẵng - quốc lộ 14B-14D - Nam Giang là hai nhánh của EWEC, phục vụ nhu cầu vận tải của vùng và phục vụ hàng quá cảnh từ Lào và Đông Bắc Thái Lan. Phát triển cảng Đà Nẵng đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ ở khu vực miền Trung, nâng cấp bến Tiên Sa (đón tàu đến 50.000 DWT), xây thêm khu bến Sơn Trà (đón tàu 20.000 DWT) và khu bến Liên Chiểu (tiếp nhận tàu đến 80.000 DWT), xây dựng tuyến đường sắt nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Liên Chiểu.

Đây là một kế hoạch đầy tham vọng và đòi hỏi vốn đầu tư lớn, kỳ vọng về sự phát triển lý tưởng của Đà Nẵng, và EWEC. Tuy nhiên, theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ĐKKT Dawei nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kịch bản lý tưởng này, và như vậy, các hạng mục đầu tư cần được tính toán lại để tối ưu hóa nguồn vốn, nâng cao tính cạnh tranh cho Đà Nẵng.


Cosmopolitan Rangoon
Tags: work

4 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc