Khi Roosevelt từ bỏ chế độ bản vị vàng


Tháng 4 năm 1933, Tổng thống Franklin D. Roosevelt yêu cầu người dân Mỹ nộp lại vàng của họ cho ngân hàng. Nguồn: Văn phòng In ấn Chính phủ (Mỹ).

Giáo sư Philip Scranton mới có bài ở Bloomberg, kể về việc khi cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ đã dịu bớt vào đầu năm 1933, dự trữ vàng của ngân hàng trung ương đang tăng lên và tiền giấy được bảo đảm bằng vàng đang dần dần được nộp vào các tài khoản. Nước M đang trải qua thời kì cán cân thương mại tích cực.

'Không có một điều kiện nào cho thấy việc đình chỉ thanh toán vàng xuất hiện vào thời điểm đó,' tạp chí the Economist viết vào tháng Năm.

Tuy nhiên, ngày 20 tháng Tư, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã ký sắc lệnh cấm xuất khẩu vàng để tất toán các tài khoản quốc tế. Sắc lệnh này theo sau sắc lệnh ngày 5 tháng Tư loại vàng ra khỏi lưu thông thương mại và quyết định ngày 17 tháng Tư tách rời giá trị của đồng đô la khỏi giá vàng, 'để nó thả nổi.'

Trên cơ sở nước Mỹ đang sở hữu hơn một phần ba lượng cung vàng trên thế giới, điều gì đang xảy ra?

Sau nhiều năm co cụm và giảm phát, các đảng viên Dân chủ khu vực nông thôn kêu gọi hủy bỏ chế độ bản vị vàng, phá giá đồng đô la và như vậy sẽ làm cho hàng xuất khẩu rẻ hơn và hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, họ hi vọng những biện pháp này sẽ làm tăng giá cả nông sản.

Những người chỉ trích họ cho rằng, những biện pháp lèo lái kinh tế này sẽ gây ra lạm phát không thể kiểm soát. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Đức - Richard von Kuehlmann so sánh nó với giá cả tăng vọt làm sụp đổ hệ thống tài chính nước Đức hậu đình chiến (post-armistice).

Nếu nước Mỹ từ bỏ bản vị vàng, ông nói, 'nước Đức cũng sẽ rời bỏ chế độ bản vị vàng ngay lập tức, và rồi thì nước Pháp sẽ tiếp bước sau đó. Điều này dẫn đến cuộc chạy đua giành đồng tiền rẻ để có được các lợi ích của việc giảm giá.'

Nhưng von Kuehlmann đã không chú ý đến sự khác biệt đáng kể giữa sự sụp đổ quân sự và kinh tế của nước Đức hậu chiến với tình hình êm ả đang chiếm ưu thế ở nước Mỹ năm 1933.

Vào cuối tháng Tư, giáo sư kinh tế chính trị đại học Yale - James Harvey Rogers lập luận ủng hộ việc nên bình thản: 'Một khi sự phấn chấn t việc rời bỏ bản vị vàng qua đi, sự mất giá của đồng đô la, mà không có các biện pháp lạm phát khác, không chắc đã là tốt.'

Khi Vương quốc Anh bị buộc phải từ bỏ chế độ bản vị vàng vào năm 1931, giá trị đồng bảng Anh dần dần trượt khỏi mức 5$ xuống còn khoảng 3,60$, khiến cho các nhà xuất khẩu của Mỹ khó bán được hàng sang Vương quốc Anh và đế chế này. Khi nước Mỹ từ bỏ bản vị vàng, đồng bảng Anh bắt đầu tăng giá về mức trước đó, và các nhà xuất khẩu Mỹ hân hoan, phấn khởi.

Tuy nhiên, những lời phàn nàn cũng đã bắt đầu xuất hiện. Người Mỹ sống ở nước ngoài phải chịu mức tỉ giá ngày càng không thuận lợi, và một số chủ ngân hàng Mỹ muốn tháo gỡ toàn bộ quá trình toàn cầu này, với việc cả Vương quốc Anh và Mỹ quay trở lại chế độ bản vị vàng.

Nhưng kế hoạch ngăn chặn giảm phát đang có hiệu quả.

Nhà kinh tế Stuart Chase viết 'Chúng tôi chớp mắt và rùng mình (blink and shudder), nhưng cuối cùng mọi người cũng nhận ra rằng chúng tôi đã rời bỏ vàng và không thể nào quay lại được. Khi giá nguyên vật liệu thô và các cổ phiếu phổ thông bắt đầu tăng, dấu hiệu lạm phát trở nên rõ ràng, không nhầm lẫn. Sau gần 4 năm giảm phát cực nhọc, với giá cả, tiền lương, lợi nhuận, và mức sống quay cuồng trong vòng xoáy dốc xuống tồi tệ, quá trình này đã dừng lại khi chế độ bản vị vàng sụp đổ công khai, và giá cả bắt đầu tăng lên trở lại.'

Chấm dứt giảm phát là nguyên tắc cơ bản, nhưng liệu việc rời bỏ chế độ bản vị vàng có phải là nguyên nhân dẫn đến phục hồi kinh tế?

Sơn Phạm
Bloomberg


Tags: economics

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc