Mối nguy cạn kiệt dầu luôn bị thổi phồng

Một dàn khoan dầu trong khu vực bùng nổ Titusvill, Pennsylvania, khoảng năm 1900. Nguồn: Thư viện Quốc hội (Mỹ), Phòng In ấn và Nhiếp ảnh.

By Gregory Morris / Phương Thùy dịch, Sơn Phạm (hiệu đính)

M. King Hubbert, nhà địa chất thuộc Tổng công ty Shell Oil, đề xuất ý tưởng ‘cao điểm dầu’ vào năm 1956.

Hubbert rất được tôn trọng trong ngành địa chất. Quan điểm của ông về sản xuất dầu, ngày nay được gọi là đường cong Hubbert, gần như đã tiên đoán (prescient) trước sản lượng nội địa của Mỹ sẽ dần sụt giảm vào những năm 1960 và 1970. Cả hai khái niệm ‘đường cong Hubbert’ và ‘cao điểm dầu’ (đỉnh cao cân bằng sản lượng – peak oil*) ngay lập tức trở thành quan điểm phổ biến (conventional wisdom) được thừa nhận rộng rãi.

Tuy nhiên, trong lịch sử, có những thời điểm khiến chúng ta phải ‘dừng lại suy nghĩ’ trước khi kết luận rằng thế giới đã chạm ngưỡng (hit a wall) trong việc sản xuất, khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Chẳng hạn, chúng ta cùng xem xét sự kiện gì đã xảy ra tại Titusville, Pennsylvania sau khi những mỏ dầu đầu tiên được tìm thấy ở nước Mỹ. Chỉ trong vòng vài tháng sau phát hiện đó, các thị trấn mọc lên nhanh chóng tại các khu dầu mỏ Tây Bắc Pennsylvania. Khu vực này trở thành nơi cung cấp dầu thô quan trọng trong nhiều thập kỷ. Theo một số ước tính, sản lượng dầu ở đây chiếm một nửa lượng dầu được sản xuất trên toàn thế giới cho đến năm 1901 khi giếng dầu (gusher) Spindletop khởi đầu cho công cuộc khai thác tại các vùng dầu khổng lồ phía đông Texas.

Bùng nổ Pennsylvania
Tuy nhiên, dù sản lượng dầu liên tục tăng trong thời gian đầu của cuộc bùng nổ Pennsylvania, nhiều người vẫn băn khoăn cho rằng nó sẽ chẳng tồn tại lâu. Và khi sản lượng dầu từ các giếng dầu cũng như cả khu vực giảm sút thì những mối quan ngại này trở thành mối lo lắng thực sự.

Vào thời điểm đó, nhiều vùng dầu mỏ của Ohio và Indiana cũng đã được phát hiện. Tuy nhiên, hầu hết dầu tại Indianna nặng mùi do chứa lưu huỳnh nên không thể lọc được.

John Archbold, giám đốc điều hành tại Tập đoàn Standard Oil, hoài nghi về tiềm năng thương mại dầu mỏ có thể được tìm thấy ở miền Tây. Ông từng mỉa mai (scoff) 'Tôi sẽ uống cạn từng gallon dầu sản xuất được ở tây Mississippi'.

Nhưng bộ não đứng sau Standard Oil, John D. Rockefeller có quan điểm ngược lại hoàn toàn, và hối thúc công ty mở rộng vào khu vực này. Khi Hội đồng quản trị của Standard Oil lo ngại (balk at) trước ý tưởng mua dầu thô có chứa lưu huỳnh từ Ohio và Indiana và đầu tư cho việc nghiên cứu phương pháp tách lưu huỳnh ra khỏi dầu, Rockefeller tuyên bố sẽ dùng chính tiền của mình (own nickel) chi trả cho các hoạt động này và giữ lại hết lợi nhuận.

Hội đồng quản trị xấu hổ nhường bước (relent). Dầu thô từ Ohio đã được mua và lưu trữ. Tới năm 1899, Herman Frasch đã nghiên cứu thành công một phương pháp loại bỏ lưu huỳnh trong dầu hiệu quả mà không tốn kém.

Dù sao, Rockefeller là một nhà đầu tư thông minh chứ không phải là một nhà hóa học. Ông chẳng thể nào biết trước được Frasch sẽ phát minh ra điều gì đó, nhưng có lẽ ông tin rằng những nghiên cứu được tài trợ dồi dào sẽ có thể giải quyết bất kỳ thách thức hóa học hay kỹ thuật nào. Và ông đã đúng. Quá trình loại bỏ lưu huỳnh khỏi dầu thô (desulfurization) của Frasch vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay. Trở ngại đầu tiên trong vô vàn thách thức đối với việc sản xuất dầu mỏ đã được khắc phục.

Dẫu vậy, điều này không hề đồng nghĩa rằng ‘cao điểm dầu’ là hoàn toàn ảo tưởng. Về mặt lý thuyết, dầu mỏ là nguồn năng lượng có hạn và có thể bị cạn kiệt. Nhưng lịch sử cho thấy điều này không thể xảy ra trong tương lai gần. Bất cứ trở ngại nào đối với việc sản xuất dầu mỏ cũng nhanh chóng được khắc phục bằng những công nghệ mới, cho phép các công ty có thể khai thác lượng dầu, khí mà trước đây chưa từng được phát hiện hay bị coi là không thể khai thác được.

Trên thực tế, khi khái niệm ‘cao điểm dầu’ của Hubbert trở nên phổ biến 30 năm về trước, công ty Mitchell Energy & Development Corp. đã khai thác giếng dầu C.W. Slay số 1 ở Đông Nam Wise County, Texas, phía bắc Fort Worth. Khu vực này nằm ở trung tâm Barnett Shale – một mảng địa chất (formation) có chứa trữ lượng dầu khí lớn. Giống như vùng dầu mỏ Ohio và Indiana, trữ lượng dầu khổng lồ ở đây cũng được cho là nằm ngoài khả năng (off-limits) khai thác. Mitchell và các công ty khác đã sớm bác bỏ quan điểm này bằng việc sử dụng những phương pháp mới (unconventional), từ khoan định hướng (directional drilling**) cho tới tạo vết nứt bằng thủy lực (hydraulic fracturing***).

Những phát hiện mới
Trong những năm gần đây, các giếng dầu ngày càng được khoan sâu hơn, không chỉ ở Barnett Shale mà còn cả ở nhiều mảng địa chất khác, những nơi trước đây được coi là không thể khai thác. Các khu vực này bao gồm Monterey Shale ở California, Bakken ở North Dakota và Marcellus ở Pennsylvania dẫn đến bùng nổ sản xuất khí tự nhiên và dầu mỏ. Theo thống kê từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (U.S. Energy Information Administration) sản lượng dầu của Mỹ tăng gần 12%, từ 9,1 triệu thùng /ngày năm 2009 lên đến 10,1 triệu năm 2011, đưa Mỹ trở thành quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, gần bằng Nga và không xa Saudi Arabia (11,2 triệu thùng/ngày) là bao nhiêu.

Việc sản xuất dầu mỏ này gây nhiều tranh cãi do các quan ngại về môi trường. Tuy nhiên, nếu lịch sử có để lại bài học gì, thì đó là quan điểm cho rằng thế giới sẽ sớm cạn kiệt dầu và khí là không thực tế, cũng giống như trong thời đại của Rockefeller vậy.

(Gregory Morris là thành viên Ban biên tập của Bảo tàng Tài chính Mỹ - cơ quan liên kết với Smithsonian và là cộng tác viên cho Echoes blog).

Bloomberg



* Việc khai thác dầu lửa, giống như tất cả nguyên liệu không tái sinh khác diễn ra theo biểu đồ hình cong parabol. Sản lượng thoạt đầu nhanh chóng tăng vọt, sau đó giảm dần cho đến khi cạn hết khoảng một nửa trữ lượng. Vào thời điểm đó đỉnh cao cân bằng sản lượng (peak oil) được thiết lập, tiếp theo việc khai thác bắt đầu giảm dần đến lúc hoàn toàn cạn kiệt. Cuối cùng việc hiện đại hoá (hoặc đầu tư mở rộng) trở nên tốn kém tới mức, nỗ lực khai thác phần còn lại sẽ không mang lại lợi nhuận kinh tế.

** Khoan giếng dầu theo góc chéo hoặc theo chiều ngang thay vì chỉ khoan từ trên xuống.

*** Bơm nước sạch trộn lẫn với cát và hóa chất vào trong lòng đất với áp suất lớn để tạo các vết nứt trong đá để khai thác khí tự nhiên.
Tags: economics

5 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc