Ủng hộ tăng thuế ở Mỹ: Lịch sử đổi thay

Các nhóm ủng hộ kinh doanh từng ủng hộ những chính sách vì lợi ích chung – ví dụ như... tăng thuế. Nguồn: Thư viện Quốc Hội (Mỹ), Phòng In ấn và Nhiếp ảnh.

By Mark S. Mizruchi / Phương Thùy dịch, Sơn Phạm (hiệu đính)

Trong các cuộc tranh luận gần đây tại Washington về đề xuất tăng thuế, lãnh đạo các công ty Mỹ luôn đứng về phe phản đối.

Tuy nhiên, không phải lúc nào các tập đoàn lớn của Mỹ cũng phản đối chính sách tăng thuế. Trên thực tế, từ nhiều thập kỷ trước, và gần đây nhất là năm 1989, các tập đoàn lớn đã thường xuyên kêu gọi tăng thuế, kể cả khi gánh nặng thuế đó đánh vào chính các công ty họ, để cân bằng ngân sách.

Các tổ chức như Ủy ban Phát triền Kinh tế (Committee for Economic Development), Hiệp hội Bàn tròn Doanh nghiệp (Business Roundtable) hay ngay cả các tổ chức bảo thủ như Hiệp hội quốc gia các nhà sản xuất (National Association of Manufacturers) và Phòng Thương mại Mỹ (U.S. Chamber of Commerce) đã nhiều lần kêu gọi tăng thuế cả khi Đảng Cộng Hòa hay Đảng Dân chủ cầm quyền.

Năm 1950, ngay sau khi Mỹ tham chiến tại bán đảo Triều Tiên, Ủy ban Phát triền Kinh tế, Phòng Thương mại Mỹ và Hiệp hội quốc gia các nhà sản xuất cùng đồng loạt ủng hộ chính sách tăng thuế để (Chính phủ) có tiền chi trả cho cuộc chiến. Tháng Ba năm 1951, Ủy ban Phát triền Kinh tế đề xuất tăng thuế 10 tỷ USD để ngăn chặn lạm phát. Ủy ban này cho biết: “Mức thuế hiện nay dù đã khá cao nhưng chúng ta cần một mức thuế cao hơn nữa – hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây, kể cả mức đỉnh điểm thời chiến”.

Ba năm sau, khi Tổng thống Dwight D. Eisenhower tìm cách gia hạn thuế siêu lợi nhuận (excess-profits tax) thời chiến đối với các tập đoàn, Ủy ban Phát triển Kinh tế đã ủng hộ đề xuất này và nhận được lời ngợi khen từ Thời báo New York Times.

Chống thâm hụt ngân sách
Vào cuối thập niên 1950, Ủy ban này cũng ủng hộ tăng thuế xăng dầu để tài trợ cho hệ thống cao tốc liên bang. Năm 1966, Ủy ban kêu gọi tạm thời tăng thuế thu nhập cá nhân để bù đắp thâm hụt ngân sách do tham chiến ở Việt Nam, và đề xuất rằng ‘mức tăng này phải mang lại nguồn thu cần thiết, có thể nhanh chóng được áp dụng, được người dân chấp thuận và đồng thời dễ dàng dỡ bỏ khi khó khăn được đẩy lùi’.

Hiệp hội Bàn tròn doanh nghiệp, tổ chức gồm các giám đốc điều hành của Fortune 500 (500 tập đoàn lớn nhất nước Mỹ), sau khi thành lập năm 1973, đã từng bước thay thế Ủy ban Phát triển Kinh tế trong vai trò đại diện hàng đầu cho các tập đoàn lớn, ủng hộ tăng thuế thu nhập cá nhân đồng thời tìm cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Để đối phó với thâm hụt ngân sách do chương trình cắt giảm thuế của Tổng thống Ronald Reagan, Hiệp hội đã đề xuất tăng thuế thu nhập cho dù các thành viên thu nhập cao của Hiệp hội sẽ phải nộp một khoản không hề nhỏ.

Gần đây nhất, năm 1989, ngay sau khi George H.W. Bush được bầu làm Tổng thống với lời hứa ‘không tăng thuế’ (“Read my lips, no new taxes”), tạp chí Fortune đã xuất bản một câu chuyện với tựa đề ‘Các CEO gửi tới Tổng thống: Hãy tăng thuế ngay’. Trên thực tế, Tổng thống George H.W. Bush đã chấp thuận tăng thuế - một quyết định mà theo nhiều người đã khiến ông thất bại trong cuộc đua tranh cử Tổng thống lần 2 năm 1992.

Chỉ đến khi chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống George W. Bush gây ra mức thâm hụt lớn hơn cả so với thời của Tổng thống Reagan, các công ty lớn mới bỗng nhiên ngừng kêu gọi tăng thuế. Dù hai cuộc chiến tranh tốn kém tại Iraq và Afghanistan khiến thâm hụt ngày càng thêm trầm trọng, Hiệp hội vẫn im lặng.

Có lẽ Hiệp hội đã đồng tình với phát biểu của Phó Tổng thống Dick Cheney: ‘Reagan đã chứng minh thâm hụt (ngân sách) không thành vấn đề’, bởi lẽ thay vì chỉ trích chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Bush, Hiệp hội còn ủng hộ duy trì dài hạn chính sách này.

Vậy tại sao, các công ty lớn từng sẵn sàng đề xuất tăng thuế trong gần nửa thế kỷ bỗng dưng phủ nhận cả mối liên hệ giữa chính sách cắt giảm thuế và thâm hụt ngân sách?

Liên minh tan rã
Câu trả lời nằm ở sự tan rã liên minh các lãnh đạo tập đoàn. Trong những năm 1950, lãnh đạo các tập đoàn phải bắt tay với nhau để đàm phán với cả phong trào công nhân đang diễn ra mạnh mẽ cũng như chính quyền liên bang lớn mạnh. Nhu cầu thương thuyết với hai nhóm đối tượng này đã hình thành nên một cộng đồng doanh nhân thực dụng, cố gắng vạch ra những chính sách được tất cả các bên chấp thuận. Tuy nhiên, khi phong trào công nhân tan rã và chính quyền mất đi phần nào tính chính thống, các lãnh đạo tập đoàn hầu như không còn động cơ phải thiết lập liên minh để đảm bảo các chính sách có lợi cho mình, và đơn phương theo đuổi lợi ích riêng.

Vì vậy, các công ty càng lúc càng không thể và không muốn cùng nhau giải quyết các vấn đề mà bản thân họ và cả đất nước phải đối mặt. Điều này được thể hiện rõ ràng trong cuộc tranh luận về Kế hoạch y tế do Tổng thống Bill Clinton đề ra đầu thập niên 1990 khi các tập đoàn lớn ủng hộ kế hoạch này phải chịu nhiều áp lực từ các thành viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội – những người có thiện cảm hơn với các công ty nhỏ, và phản đối kế hoạch nêu trên. Thậm chí các tập đoàn lớn hầu như không tham dự cuộc tranh luận về Chương trình cải tổ y tế do Tổng thống Barack Obama đề xướng hoặc cùng bàn bạc để tìm ra biện pháp kiểm soát thâm hụt tốt nhất.

Các lãnh đạo tập đoàn ngày nay đã từ bỏ quan điểm thực dụng vì lợi ích tập thể và thay vào đó theo đuổi lợi ích riêng cho công ty mình. Dầu cho một số doanh nhân như Warren Buffet, Robert Rubin lên tiếng ủng hộ chính sách tăng thuế nhưng lãnh đạo các tập đoàn, vẫn tiếp tục phản đối chính sách này, kể cả các công ty có doanh thu hàng chục triệu USD một năm. Fix the Debt, nhóm công chức và doanh nhân nỗ lực giảm thâm hụt, lại hầu như chỉ tập trung vào cắt giảm chi tiêu và mơ hồ đề cập tới “tăng ngân sách” trong khi đồng thời ủng hộ giảm thuế suất.

Các lãnh đạo tập đoàn Mỹ thời hậu chiến luôn mang trong mình tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng ủng hộ các chính sách (của Chính phủ) dù chúng có thể là gánh nặng đối với chính họ. Ngược lại, các lãnh đạo tập đoàn (Mỹ) ngày nay dù giành được sự ủng hộ chính trị rất lớn cho bản thân nhưng không hề tự nguyện giải quyết những khó khăn của giới doanh nghiệp và xã hội.

(Mark S. Mizruchi là giáo sư Barger Family nghiên cứu về tổ chức, giáo sư xã hội học và giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Michigan. Cuốn sách của ông ‘Sự chia rẽ giữa lãnh đạo các tập đoàn Mỹ’ - ‘The Fracturing of the American Corporate Elite’ sẽ được xuất bản bởi Harvard University Press vào tháng tới.)

Bloomberg


Tags: economics

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc