Sở thích thịt bò của người Anh ảnh hưởng đến khẩu vị người Mỹ như thế nào?

Năm 1900, Chicago trở thành trung tâm ngành công nghiệp giết mổ gia súc. Nguồn: Thư viện Quốc hội (Mỹ), Phòng In ấn và Nhiếp ảnh.

By Kara Newman / Phương Thùy dịch, Sơn Phạm (hiệu đính)

Chú ý, chú ý! Hỡi ‘những người Mỹ ăn thịt’: Lần tới khi cầm dao dĩa lên để thưởng thức miếng thịt thơm ngon tại cửa hàng bít-tết ưa thích, hãy nói lời cảm ơn đến ‘những người ăn thịt bò ở Anh’.

Ít ai trong chúng ta biết được vai trò của nước Anh đối với sự phát triển của ngành buôn bán thịt bò ở Mỹ. Là ‘những người tiêu thụ lượng lớn thịt bò ở châu Âu trong các thế kỷ trước, người Anh (ít nhất là tầng lớp trung và thượng lưu) đã tiêu thụ lượng thịt bò nhiều hơn bất kì dân tộc láng giềng nào. Người ta tin rằng thịt, mà cụ thể là thịt bò, mang lại sức khỏe và sinh lực cường tráng.

Thịt bò không chỉ là đồ ăn mà còn là một phần phong cách sống, thể hiện sự giàu có (affluence), viên mãn (contentment). Cuối thế kỷ 18, những ‘bức tranh gia súc’ rất được ưa chuộng, và các đàn gia súc béo núc ních, nhẩn nha gặm cỏ trên nền cảnh thôn dã (bucolic) trở thành đặc trưng trong những bức vẽ điền trang ở Anh.

Vì vậy, bạn có thể tưởng tượng sự hỗn loạn như nào trong những năm 1860 khi thịt bò trở nên khan hiếm và đắt đỏ bởi dịch bệnh than (anthrax) ở gia súc lan từ châu Âu lục địa sang Ireland và Anh. Lúc này, Anh quay sang châu Mỹ, và từ đó lượng gia súc sống cũng như thịt bò ướp muối được vận chuyển băng qua Đại Tây Dương ngày một tăng.

Tiếp cận thị trường
Cùng thời điểm đó, người dân Bắc Mỹ bắt đầu di cư về phía bờ Tây, chăn thả (graze) gia súc trên những cánh đồng cỏ màu mỡ, phì nhiêu (abundant) miền Trung Tây. Tuy nhiên, câu hỏi lớn là: làm thế nào để kết nối những cánh đồng chăn thả gia súc này với người tiêu dùng ở bờ Đông và những người ‘đói’ (famished) thịt bò ở Anh?

Câu trả lời xuất hiện vào thập niên 1870 khi hệ thống đường sắt nước Mỹ được mở rộng về phía tây, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyên chở hàng hóa về những thành phố cảng đông dân cư miền Đông hay đưa người đến miền Trung Tây. Phần lớn tài chính cho việc xây dựng hệ thống đường sắt xuyên lục địa này trong những năm 1870, 1880 đến từ các công ty của Anh.

Các nhà tư bản tài chính Anh và Scotland bắt đầu nắm bắt cơn sốt gia súc này. John Clay, một đại diện của các nhà đầu tư Anh nhớ lại, trong cuốn tự truyện ‘Cuộc sống trên đồng cỏ: Câu chuyện đời tôi’ viết năm 1924 của ông: ‘Ở Edinburgh, các trại chăn nuôi gia súc bùng nổ. Phòng khách luôn râm ran các câu chuyện về vận đỏ này, những quý ông “điềm đạm” (staid), có khi chẳng thể phân biệt được sự khác nhau giữa bò đực non (steer) và bò cái tơ (heifer), vừa nhắm rượu vừa rôm rả bình luận’. Rất nhiều những “cao bồi salông” mua đất ở vùng Trung Tây để xây các biệt thự nguy nga (palatial).

Nhưng tuyệt vời nhất phải kể đến sự ra đời của các khoang tàu đông lạnh (refrigerated railway compartments). Chi phí cao trong việc vận chuyển gia súc sống đến châu Âu (phải có khoang vận chuyển đặc biệt, gia súc có thể bị thương hoặc sụt cân) đã thôi thúc cải tiến trong việc vận chuyển thịt làm sẵn (dressed meat), thuật ngữ ‘không mùi máu’ ám chỉ gia súc sau khi bị giết mổ.

John I. Bates, một nhà phát minh trẻ tuổi đến từ New York đã thử nghiệm treo các tảng thịt bò trong những phòng đông lạnh với khí lạnh từ đá được thổi bằng các chiếc quạt lớn. Tháng Sáu năm 1875, ông vận chuyển xác 10 con bò đến Anh. Khi đến nơi, tất cả còn tươi nguyên và đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư người Anh.

Timothy Eastman, chủ hãng đóng gói thành đạt, đã mua lại bằng sáng chế của Bates và khởi xướng một chiến dịch đầy tham vọng nhằm vận chuyển thịt đông lạnh đến Anh. Cuối năm đó, hơn 93 tấn thịt bò được vận chuyển; ngay năm sau, con số này là 454 tấn/tháng. Cũng cuối năm đó, công ty của Eastman đã cung cấp cho quần đảo Anh (British Isles) gần 1.400 tấn thịt bò tươi mỗi tháng.

Các công ty khác cũng bắt chước Eastman. Chẳng mấy chốc, hầu hết các con tàu hơi nước từ New York hay Philadelphia đến Anh đều chở thịt bò Mỹ. Cuối thế kỷ 19, lượng thịt bò từ Mỹ chiếm tới 90% lượng thịt bò nhập khẩu của Anh.

Các tàu đông lạnh
Sự ra đời của các khoang tàu đông lạnh vào những năm 1870 đồng nghĩa với việc gia súc có thể được giết mổ ngay gần các nông trại và sau đó thịt sẽ được chuyển đi, xóa bỏ sự cần thiết phải chở gia súc sống đến chợ. Đến năm 1883-1884, lượng gia súc giết mổ ở Chicago nhiều đến mức cụm từ ‘thịt đóng gói’, thay vì ‘thịt lợn đóng gói’, trở thành tên gọi của ngành này.

Nhưng người Anh không chỉ đơn thuần mang đến nguồn tài chính dồi dào. Họ còn phổ biến khẩu vị độc đáo của mình: thịt bò ‘nhiều mỡ’ – các miếng thịt với đường gân mỡ dày, béo ngậy. Ở châu Âu, gia súc được chăn thả trên những đồng cỏ hàn đới, giàu protein và ít sơ (fiber) nên cơ thể chúng tích tụ các lớp mỡ bảo vệ. Ngược lại, phần lớn diện tích nước Mỹ ở vĩ độ (latitude) thấp, mùa hè rất nóng, đất đai chủ yếu là đất phèn (acid soil), do đó cỏ thường ít protein hơn.

Các nhà tư bản (cattle baron) Anh đã nghĩ ra phương pháp mới để có được thịt bò giàu chất béo: cho chúng ăn ngô.

Lần đầu tiên trong lịch sử ngành nông nghiệp, việc chăn nuôi gia súc và trồng ngũ cốc lại có mối quan hệ cộng sinh (symbiotic). Đầu thế kỷ 20, việc vận chuyển gia súc từ các đồng cỏ (prairie) đi ‘vỗ béo’ bằng một chế độ ăn nhiều ngô trước khi bị đưa đi giết mổ ở St. Louis hay Chicago đã trở thành thông lệ phổ biến.

Dần dần, khẩu vị ăn thịt bò giàu chất béo của người Anh được du nhập vào Mỹ. Năm 1927, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã luật hóa thịt bò giàu chất béo thành tiêu chuẩn đánh giá giá trị và giá cả của thịt bò bán cho người tiêu dùng. Thậm chí cho đến ngày nay, mức độ và sự phân bổ các đường gân mỡ (marbling) vẫn là nhân tố chính quyết định chất lượng thịt bò. Loại ‘Prime’ có chất lượng cao nhất, đồng nghĩa với rất nhiều gân mỡ. Loại ‘Choice’ có lượng gân mỡ vừa phải, còn loại ‘Select’ không (devoid) có mỡ.

Người Anh vẫn rất yêu thích thịt bò dù ngày nay đa phần (thịt) không bắt nguồn từ Mỹ (across the pond). Nhưng khi hỏi bất cứ người Mỹ ‘mê’ bít-tết nào về việc (cảm giác) ‘những đường gân mỡ khiến cho món bít-tết thêm mềm hơn, thơm ngon hơn’ thì câu trả lời hiển nhiên là: dù xuất xứ từ đâu thì bít-tết thơm ngon (luscious) đã là một phần di sản của tất cả người Mỹ.

(Kara Newman là tác giả của cuốn ‘Bí mật tài chính của thực phẩm: Từ chợ cóc tới siêu thị’- ‘The Secret Financial Life of Food: From Commodities Markets to Supermarkets’).

Bloomberg


Tags: economics

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc