Roosevelt phục hồi kinh tế như thế nào?

Năm 1933, Cục Quản lý Phục hồi Quốc gia thực hiện các nỗ lực để người Mỹ có thể trở lại làm việc. Nguồn: MPI / Getty Images.

Giáo sư Philip Scranton mới có bài ở Bloomberg, kể về việc: cũng giống như các phục hồi kinh tế trước đó, vào năm 1933, sản xuất ở Mỹ đã bắt đầu tăng nhanh hơn so với lượng người lao động có thể tìm được việc làm. Sản lượng công nghiệp tăng 50% từ tháng Ba đến tháng Bảy nhưng chỉ tạo ra thêm 14% việc làm nhà máy. Với việc đơn đặt hàng tăng lên, các nhà sản xuất thường kéo dài giờ làm việc hàng tuần của nhân viên hiện tại thay vì tuyển dụng lại những người đã bị sa thải.

Hugh "quần sắt" (Iron Pants) Johnson, Cục trưởng Cục Quản lý Phục hồi Quốc gia, tập trung nỗ lực vào việc thu hẹp khoảng cách này khi 100 ngày đầu tại chức của Tổng thống Franklin D. Roosevelt kết thúc vào tháng Sáu. Mục tiêu của Luật Phục hồi Công nghiệp Quốc gia rất đơn giản: 'Tiền lương sẽ được tăng lên và giờ làm việc sẽ được cắt bớt (curtail) để phân phối rộng rãi hơn những việc làm hiện có,' theo tờ The Economist.

'Cục đã không giấu diếm niềm tin rằng để vượt qua khủng hoảng, việc làm và tiền lương, trong giai đoạn đầu phục hồi, phải tăng nhanh hơn nhiều so với sản lượng và giá cả.'

Tuy nhiên, cũng như ở các nơi khác, câu hỏi là làm thế nào. Tiếp thị đại chúng là một trong các cách quan trọng, xét đến cách sử dụng truyền thông truyền thống một cách thông minh trong chiến dịch của Roosevelt và tài năng của Tổng thống trong việc sử dụng đài phát thanh. Theo tinh thần của các chiến dịch 'Khoản vay Tự do' (Liberty Loan) trong Thế chiến I, Johnson trực tiếp kêu gọi hơn 12.000 cộng đồng trên nước Mỹ để thành lập các ủy ban nhằm tiếp tục cuộc chiến chống lại Đại Khủng hoảng. Mục tiêu chính của chương trình là đưa đàn ông và phụ nữ trở lại làm việc. Quần chúng đã rất tích cực, với hàng nghìn lá thư và điện tín ủng hộ chương trình được gửi đến Cục Quản lý Phục hồi Quốc gia.

Thứ hai, để phân cấp công việc, Cục đã mời các nhóm công nghiệp - thường là các hiệp hội thương mại - để soạn thảo quy tắc cạnh tranh lành mạnh theo sau yêu cầu của Luật Phục hồi Công nghiệp Quốc gia về số giờ làm việc tối đa và mức lương tối thiểu, cùng với các quy định khác. Nhân viên Cục Quản lý Phục hồi Quốc gia sẽ kiểm tra tính phù hợp của bộ quy tắc và xác nhận để triển khai.

Hàng chục quy tắc đã được đưa ra nhanh chóng, bắt đầu từ ngành công nghiệp dệt bông, vào cuối tháng Sáu. Tuy nhiên, nước Mỹ có hàng trăm ngành nghề sản xuất khác cũng cần phải được hồi sinh. Các yêu cầu gửi về Cục tới tấp từ xăng dầu và than đá, phát điện, bán lẻ, chiếu phim, dịch vụ thực phẩm và bất động sản. Điều này làm các nhân viên của Cục lụt trong đống giấy tờ. Nếu không được đơn giản hóa, hỗn loạn sẽ xảy ra.

Giải pháp là một quy tắc trống tự nguyện quốc gia, được công bố ngày 20 tháng Bảy. Những người sử dụng lao động trong tất cả các lĩnh vực có thể áp dụng quy tắc này như một phương sách tạm thời. Johnson nói rõ rằng đây là biện pháp khẩn cấp để có thể được sửa đổi cho mỗi ngành công nghiệp khi các quy tắc riêng biệt được trình.

Trong 14 phần, 'Thỏa thuận Tuyển dụng lại của Tổng thống' quy định các nhà máy sử dụng lao động không quá 35 giờ mỗi tuần cho tới cuối năm, với ngoại lệ duy nhất cho phép nhiều giờ hơn trong một khoảng thời gian sáu tuần đối với mùa vụ bận rộn. Nhân viên văn phòng và giao thông vận tải có giới hạn tương ứng: 40 giờ và 52 giờ. Các thị trấn nhỏ cũng như các công ty có ít hơn hai nhân viên được miễn trừ. Lương tối thiểu trong ngành dịch vụ và giao thông vận tải là $15 một tuần ở các thành phố lớn, $12 tại các thị trấn nhỏ, với lao động sản xuất có thể kiếm được từ 30 cent và 40 cent một giờ. Thêm vào đó, các công ty sử dụng lao động đăng ký tham gia chương trình đồng ý không tăng giá.

Một tuần sau đó, nhân viên Cục Quản lý Phục hồi Quốc gia phát 600.000 bản cam kết tới các công ty ở thành phố New York. Các cam kết được ký và gửi về nhanh chóng tăng lên đến 10.000 mỗi ngày, ngay cả khi các nhóm thương mại ở khắp nơi vẫn đang tiếp tục dự thảo khoảng 500 quy tắc ngành.

Tinh thần lên cao cùng với hoạt động nhộn nhịp này, nhưng liệu sau đó việc làm sẽ có cho mọi người?

Sơn Phạm
Bloomberg


Tags: economics

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc