Tín dụng sinh viên: Chắp cánh Giấc mơ Mỹ

Diễu hành sinh viên năm cuối trong ngày khai giảng tại Đại học Michigan năm 1903. Nguồn: Thư viện Quốc hội (Mỹ), Phòng In ấn và Nhiếp ảnh.

By Lawrence Bowdish / Phương Thùy dịch, Sơn Phạm (hiệu đính)

Ngày 1 tháng Bảy vừa qua, lãi suất vốn vay hỗ trợ sinh viên Stafford đã tăng gấp đôi, từ 3,4% lên 6.8% sau khi Quốc hội (Mỹ) ngừng họp dịp lễ Độc Lập trong khi không thực hiện bất cứ giải pháp nào để ngăn chặn việc tăng lãi suất định kỳ. Nếu các nghị sĩ không đạt được một thỏa thuận pháp lý có hiệu lực hồi tố (retroactive) trước phiên nghỉ họp tháng Tám thì trung bình tính ra mỗi sinh viên vay vốn Stafford sẽ phải trả thêm khoảng 800 USD tiền lãi/năm so với mức lãi suất trước đó.

Hiện nay, khoảng 66% sinh viên phải vay vốn để được ngồi trên ghế giảng đường. Trong năm học 2011-2012, 10,4 triệu sinh viên đã vay tổng cộng 85,9 tỷ USD từ chương trình tín dụng Stafford, trung bình 8,200 USD/sinh viên. Trong 50 năm qua, hơn 60 triệu người Mỹ học đại học bằng nguồn vốn vay sinh viên.

Năm 1950, chỉ có 5% người Mỹ độ tuổi trên dưới 25 có bằng cử nhân. Hiện nay, con số này là 31%. Sự bùng nổ này, cùng với nhiều thời kì lạm phát, chi phí tăng, chính sách thuế của các bang và một vài nhân tố khác nữa đã làm tăng học phí và chi phí tuyển sinh. Chỉ tiêu đại học có tăng song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Tín dụng cho cựu binh
Những chi phí tăng cao này đòi hỏi những giải pháp chi trả mới cho giáo dục đại học và cao đẳng (postsecondary). Chính phủ liên bang bắt đầu thực hiện các chương trình từ năm 1958 thông qua Luật Giáo dục quốc phòng (National Defense Education Act). Biện pháp này đã góp phần hình thành nên Quỹ tín dụng Perkins – một hệ thống vốn vay theo nhu cầu với lãi suất 5%, cung cấp các khoản vay hợp lý cho các cựu binh và những sinh viên đủ tiêu chuẩn.

Năm 1965, Luật Giáo dục đại học (Higher Education Act ) cho phép chính phủ liên bang hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho sinh viên thông qua Chương trình Tín dụng Giáo dục Gia đình Liên bang (Federal Family Education Loan Program). Chương trình này mở rộng tín dụng Perkins và áp dụng tín dụng Stafford do chính phủ liên bang bảo lãnh bằng việc chi trả lãi suất phát sinh trong thời gian học đại học của sinh viên cũng như chênh lệch giữa lãi suất thấp cố định và lãi suất thị trường sau khi sinh viên tốt nghiệp. Theo ngôn ngữ ngày nay, nếu chính phủ chi trả lãi suất vay vốn cho sinh viên chưa tốt nghiệp thì khoản vay đó được coi là ‘được trợ cấp’, nếu không thì đó là khoản vay ‘không được trợ cấp’.

Chính phủ liên kết với một số công ty tư nhân nhằm chi trả lãi suất hoặc cung cấp các khoản vay này, và do đó trên thị trường xuất hiện các nhà tín dụng tư nhân. Năm 1972, chính phủ tái khởi động Luật Giáo dục đại học và thành lập Hiệp hội kinh doanh giấy vay nợ của sinh viên (Student Loan Marketing Association) - một doanh nghiệp do chính phủ tài trợ mang tên Sallie Mae.

Cuối thập niên 1980, các đại biểu Quốc hội (Mỹ) và Bộ Giáo dục thúc đẩy một hệ thống tín dụng do Chính phủ cung cấp các khoản vay hoặc chi trả lãi suất nhằm loại trừ những chi phí mà sinh viên phải trả cho các nhà tín dụng tư nhân.

Tổng thống Bill Clinton đã ký Chương trình Tín dụng trực tiếp liên bang (Federal Direct Loan Program) thành Luật vào năm 1993. Điều này có nghĩa là chính phủ liên bang, chứ không phải các doanh nghiệp do nhà nước tài trợ, sẽ chịu trách nhiệm cung cấp vốn vay. Nhưng chỉ một năm sau đó, Quốc hội đã ban hành luật mới trong đó không bắt buộc tất cả các khoản vay phải được cung cấp thông qua Chương trình Tín dụng trực tiếp liên bang.

Tuy vậy, nhiều sinh viên đã không vay vốn từ nguồn tài chính của chương trình này do các doanh nghiệp tư nhân đã quảng cáo và vận động hành lang một cách mạnh mẽ để tiếp tục duy trì hệ thống tín dụng cũ mà ở đó các doanh nghiệp do chính phủ tài trợ và các nhà tín dụng tư nhân chi trả lãi suất cho các khoản vay được chính phủ bảo lãnh. Trong những năm 1990, Chương trình Tín dụng giáo dục gia đình liên bang cung cấp các khoản vay trị giá 215.3 tỷ USD cho sinh viên trong khi con số này ở Chương trình Tín dụng trực tiếp liên bang chỉ là 60 tỷ USD.

Tiết kiệm liên bang
Năm 2010, chính phủ liên bang thông qua Luật Hòa hợp giáo dục và y tế (Health Care and Education Reconciliation Act), đưa Chương trình Tín dụng trực tiếp liên bang trở thành chương trình duy nhất được chính phủ hỗ trợ, đồng thời xóa bỏ Chương trình Tín dụng giáo dục gia đình liên bang. Chính phủ liên bang và các sinh viên vay vốn có thể tiết kiệm được khoảng 6 tỷ USD mỗi năm, số tiền mà đáng lẽ sẽ rơi vào túi của các công ty cho vay do nhà nước tài trợ.

Trong phần lớn khoảng thời gian 60 năm qua, tất cả các công ty tín dụng dùng lãi suất cơ bản hoặc lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm làm lãi suất vốn vay sinh viên. Năm 2007, Quốc hội (Mỹ) thông qua Luật Tiếp cận và Giảm chi phí cao đẳng (College Cost Reduction and Access Act) để tạm thời hạ thấp lãi suất tín dụng sinh viên trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Luật này loại bỏ lãi suất biến đổi trong chương trình tín dụng Stafford và thay vào đó cố định các khoản vay không trợ cấp với lãi suất 6.8% và các khoản vay được trợ cấp với lãi suất thấp hơn.

Tuần trước, Quốc hội đã không thể thống nhất để tiếp tục việc cắt giảm trên. Các nghị sĩ đã không thể lựa chọn giữa hai đề xuất cùng gắn lãi suất chương trình tín dụng Stafford được trợ cấp với tỷ suất trái phiếu kho bạc 10 năm. Một trong hai đề xuất sẽ tăng lãi suất vay thêm 1% và giữ nguyên mức này trong suốt quá trình vay vốn. Đề xuất còn lại sẽ thả nổi lãi suất theo từng năm, giống như các khoản vay thế chấp với lãi suất điều chỉnh, với mức tối thiểu là 5% và tối đa là 8%.

Từ giữa những năm 1990 đến 2007, lãi suất tín dụng sinh viên dao động từ 0,5% đến 1%, thấp hơn so với lãi suất cơ bản, hiện tại ở mức 3,25%. Do đó, lãi suất tín dụng sinh viên cao hơn lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm - hiện ở mức 2,5%.

Điều này có nghĩa là không phương án nào trong hai đề xuất trên có sự thay đổi đột phá so với thông lệ từ trước đến nay. Câu hỏi thực sự ở đây là bối cảnh hiện tại có gì khác biệt (đến mức) phải chấm dứt 60 năm lãi suất tín dụng sinh viên thấp. Chi phí để đi học đại học ngày càng đắt đỏ, dù tính theo mức thực tế hay danh nghĩa. Nhiều người quyết tâm vào đại học nhưng cũng không ít người trong số họ không có đủ nguồn lực để tự chi trả. Chính phủ đã coi giáo dục đại học là bước đi quan trọng để hiện thực hóa giấc mơ Mỹ thì giờ đây, đã đến lúc cần quyết định các sinh viên phải trả bao nhiêu cho bước đi này.

(Lawrence Bowdish là giáo sư dự khuyết về lịch sử tại Đại học quân sự Mỹ. Ông viết về tín dụng sinh viên và tín dụng tiêu dùng trong cuốn sách: ‘Sự phát triển của tín dụng tiêu dùng dưới góc nhìn toàn cầu: Kinh doanh, Luật lệ và Văn hóa’ - ‘The Development of Consumer Credit in Global Perspective: Business, Regulation, and Culture.’)

Bloomberg

Tags: economics

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc