Bạo lực thanh trừng cờ bạc báo hiệu khủng hoảng 1837

Chú Sam bị ốm vì cúm (la grippe). Nguồn: Thư viện Quốc hội (Mỹ), Phòng In ấn và Nhiếp ảnh.

By Joshua Rothman / Phương Thùy dịch, Sơn Phạm (hiệu đính)

Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đến nay vẫn được coi là kết cục của một nền kinh tế với những dấu hiệu vỡ vụn khi các động cơ và lợi nhuận giống như một sòng bạc không bao giờ dứt (freewheeling) hơn là một thị trường có lý trí.

Các ngân hàng, cơ quan chính phủ và người tiêu dùng khi vô tình, khi cố ý nhưng thường do thiển cận, đã cùng hợp sức tạo ra môi trường kinh tế mà ở đó hoạt động đầu cơ không bị kiểm soát (untrammeled), tín dụng không được bảo lãnh và núi nợ vay một cách xuẩn ngốc dẫn đến sự phồn vinh giả tạo trong khi che dấu nguy cơ thảm họa không thể tránh khỏi.

Trong quá khứ, nước Mỹ đã từng rơi vào tình trạng tương tự. Giai đoạn giữa thập niên 30 của thế kỷ thứ 19 là một thời kỳ như vậy khi đầu cơ đất đai và tín dụng dễ dãi đã xóa nhòa (blur) ranh giới giữa con đường làm giàu (pursuits of wealth) hợp pháp và bất hợp pháp.

Không nơi nào trên nước Mỹ lại lún sâu vào hoạt động đầu cơ này như ở Deep South, nơi những thổ dân da đỏ bị buộc phải di cư, để lại vùng đất đai rộng lớn (vast swaths), phì nhiêu và lý tưởng cho canh tác bông. Bông do nô lệ canh tác chính là nguyên liệu thô thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp thời kỳ đầu. Giá bông trên thị trường, dường như không bị ảnh hưởng bởi nguồn cung, tăng liên tục và trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước Mỹ và có lẽ là hàng hóa quan trọng nhất trên thế giới.

Dòng thác tín dụng
Nơi bông được trồng cũng là nơi người dân và dòng tiền đổ về. Khi ngân hàng và các nhà đầu tư đổ hàng triệu đô la vào khu vực tây nam Mỹ lúc bấy giờ, hầu như ai cũng có thể tiếp cận với tín dụng. Trong thời gian ngắn, các bang như Alabama và Mississippi trở thành những vùng kinh tế sôi động nhất nước Mỹ, nơi giấc mơ kiếm tiền dễ dàng trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, ngay cả những người thấy thỏa mãn khi được yên vị trong môi trường năng động của chủ nghĩa tư bản Mỹ cũng cảm thấy hoài nghi về nền tảng cũng như giá trị đạo đức của những gì đang xảy ra. Tin đồn về các sai phạm (malfeasance) tài chính và tham nhũng đã lan truyền khắp các ngân hàng phía tây nam, còn những kẻ lừa đảo (swindler) và luật sư bịp bợm (fast-talking) lợi dụng những người thiếu cảnh giác. Chủ nghĩa cá nhân dần biến thành lòng tham không đáy (rapacious) và việc ‘mượn đầu heo nấu cháo’ nhằm lên đỉnh danh vọng, không phải tạo ra của cải cho xã hội mà như đánh bạc vậy.

Trong một lần phát biểu, nhà kinh tế chính trị Thomas Dew đã than phiền (bewail) ‘cơn nghiện đỏ đen hoang phí bạt mạng’ đang ‘lan rộng khắp cả nước’.

Mùa hè năm 1835, mâu thuẫn (ambivalence) về tính chính đáng của “khát vọng làm giàu” (avarice) này và nỗi lo về sự bền vững của nền kinh tế đã bùng phát thành bạo lực. Tại thành phố giàu có Vicksburg, bang Mississippi, xích mích (confrontation) trong một bữa tiệc đứng mừng ngày Độc lập - 4 tháng Bảy, kết thúc với việc đám đông cố gắng thanh trừng (purge) những con bạc chuyên nghiệp trong thành phố và cuối cùng đã hành hình kiểu Lynch năm con bạc giữa thanh thiên bạch nhật. Bốn người trong số họ bị trói bằng dây thừng và bị lôi đến địa điểm hành hình (scaffold) rồi bị treo cổ, mặc cho lời van xin của họ mong được xét xử tại tòa. Người thứ năm bị đám đông đánh trọng thương và bị xử tử trước khi kịp tỉnh lại. Thân thể ngập ngụa trong máu, đám đông vứt anh ta lên xe ngựa (wagon) và chở đến giá treo cổ (gallow), kéo lê lên cầu thang, buộc thòng lọng (noose) vào cổ và đẩy xuống.

Trong suốt nhiều tuần, nhiều tháng sau đó, những người bị coi là con bạc chuyên nghiệp bị đe dọa bằng bạo lực và bị đuổi đánh trên tất cả các thị trấn, thành phố lớn của bang Mississippi cũng như khu vực sông Mississippi và Ohio. Tại New Orleans và Mobile bang Alabama, Little Rock bang Arkansas, St. Louis bang Missouri, Memphis và Nashville bang Tennessee, Lexington và Louisville, Cincinnati và Wheeling phía Tây bang Virginia, người dân đe dọa các con bạc phải ra khỏi thành phố, tấn công, bắt và bỏ tù họ, phá hủy các thiết bị, đồng thời triệu tập những cuộc mít tinh công cộng để thành lập nên các tổ chức chống cờ bạc.

Những con bạc bị trục xuất
Đến mùa thu, sự khủng bố này còn lan sang cả bờ phía Đông (Eastern Seaboard) khi chính quyền New York, Norfolk, Virginia đột kích các sòng bạc, tấn công con bạc và sợ rằng những đám đông đang tụ tập sẽ giành quyền “thực thi công lý” theo cách của họ.

Giải thích những gì đang xảy ra tại Vickburg, chủ bút một tờ báo tại thị trấn này cho rằng các con bạc chuyên nghiệp là những kẻ tội phạm nghiện rượu đê tiện (wretch), lừa tiền các thanh niên trẻ tuổi, nhẹ dạ rồi bỏ đi sau khi đã lừa được tất cả những ai chúng có thể. Cách duy nhất để bảo tồn chuẩn mực và bảo vệ cuộc sống thanh bình của người dân là loại bỏ những phần tử này khỏi xã hội.

Ngay cả khi chủ bút của các tờ báo khác chỉ trích bạo lực xảy ra ở Vicksburg, nhiều người trong số họ cũng đồng tình với lời nhận xét trên, và nhắc đến những con bạc này như là “ma cà rồng” (vampire), “đỉa hút máu” (blood-sucker) và “kền kền ăn xác chết” (vulture).

Tuy nhiên, những con bạc chỉ có đất sống khi có “con mồi”, và sự thù địch đối với họ và “nghề” đánh bạc trong những năm 1830 đã không hề giúp phân định rõ ranh giới hợp pháp hay bất hợp pháp của những “nỗ lực kiếm tiền” loại này, mà trái lại chỉ cho thấy việc nhận thức được ranh giới này mong manh như thế nào.

Vào thời điểm khi những ‘lợi nhuận’ tiềm tàng của nền kinh tế đầu cơ đẩy nhiều người Mỹ vào cảnh cùng quẫn (distraction) thì những người “thành công” chỉ nhờ vào việc tính tỉ lệ ăn thua (figuring the odds) và đánh cược tương lai sẽ thuận buồm xuôi gió cho riêng mình đã dẫn đến tình trạng hoang tàng trên đất nước theo cách đặc biệt phá hoại.

Dầu vậy, cuối cùng thì việc loại bỏ tất cả các con bạc chuyên nghiệp trên đất Mỹ vẫn không thể ngăn được sụp đổ kinh tế. Giai đoạn từ mùa hè năm 1836 đến mùa xuân năm 1837, mối nghi ngại của các nhà đầu tư và chủ nợ nước ngoài về sức khỏe nền kinh tế Mỹ đã ngày càng tăng cùng với sự đi xuống của giá bông.

Tháng 5 năm 1837, việc ngừng thanh toán của hai ngân hàng hàng đầu tại Natchez, bang Mississippi đã gây ra (touch off) hàng loạt (cascade) vụ ngừng thanh toán của hầu hết các ngân hàng trên cả nước chỉ trong vài tuần. Cuộc khủng hoảng sau đó kéo dài 6 năm, khiến hàng nghìn người bị vỡ nợ và để lại bài học (mà vẫn bị lãng quên) đó là: trong canh bạc, nhà cái luôn nắm phần thắng.

(Joshua Rothman là giáo sư lịch sử, giám đốc Trung tâm nghiên cứu miền Nam Summersell tại Đại học Alabama, và là tác giả cuốn ‘Thời kỳ hoan ca và những giấc mơ bồn chồn - Câu chuyện về Chủ nghĩa tư bản và chiếm hữu nô lệ trong thời đại Jackson’ - ‘Flush Times and Fever Dreams: A Story of Capitalism and Slavery in the Age of Jackson.’)

Bloomberg


Tags: economics

5 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc