Crimea: vùng đất giữa các cuộc chiến

Bài của tác giả Nguyễn Giang trên BBC.
-----
Đợt xung kích của binh đoàn Scotland tại trận Baklalava năm 1854

Những diễn biến hiện nay ở Crimea không khỏi nhắc lại cuộc chiến đẫm máu giữa thế kỷ 19 mà nhiều chi tiết còn đầy tính thời sự để đánh giá tình hình quốc tế ngày nay.

Nhìn từ Anh và Pháp, Chiến tranh Crimea (1853-1856) là cuộc chiến quốc tế lớn nhất giữa trận Waterloo (1815) và Đại chiến Thế giới thứ nhất (1914-1918).

Chiến tranh Crimea cũng có nhiều yếu tố như địa chính trị, nhu cầu thông thương hàng hải, tôn giáo và mô hình thể chế khá giống ngày nay và để lại nhiều vết thương sâu nặng cho các dân tộc nhỏ trong vùng.

Không chỉ địa chính trị
Năm 1853, Nga Hoàng Nicholas I khi thấy đế quốc Ottoman suy yếu đã quyết định tranh thủ cơ hội chiếm Moldova và Walachia trên sông Danube thuộc vùng châu Âu mà người Thổ Nhĩ Kỳ làm chủ.

Điều này đã đụng chạm đến quyền lợi của Áo muốn đảm bảo thông thương trên dòng Danube và khiến Anh và Pháp phản ứng mạnh hơn Nga tưởng.

Sang năm 1854, chừng 1 triệu liên quân Anh, Pháp, Áo, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ đã phối hợp đánh Nga vốn có Bulgaria và Serbia cùng theo Chính Thống giáo trợ giúp, với số quân cả thẩy khoảng 700 nghìn.

Các xung đột diễn ra ở nhiều vùng tại Nam Âu, Trung Cận Đông và cả trên biển Baltic nhưng chủ yếu là ở bán đảo Crimea thuộc đế chế Nga với trận Sevastopol nổi tiếng.

Phía liên quân đã gạt sang một bên khác biệt tôn giáo: Anh Quốc theo Tin Lành, Pháp thời Napoleon III theo Công giáo La Mã và Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi, để chống lại sự bành trướng của nước Nga theo Chính Thống giáo.

Theo cách nhìn từ Anh, binh đoàn Scotland của Anh hồi đó đã tấn công cú quyết định ở Balaklava ngày 24/10/1854, bẻ gãy ý chí chiến đấu của quân Nga, dẫn tới Hòa ước Paris ký kết năm 1856, định lại một trật tự khu vực mới.

Lần đầu tiên, truyền thông Anh, nhờ đường dây cáp nối thẳng từ Crimea qua Biển Đen, đã đọc tin tức chiến sự hàng ngày trong một cuộc cách mạng về thông tin và nghề báo.

Các tin xấu từ chiến trường cũng khiến chính phủ của Lord Aberdeen ở London sụp đổ, đánh dấu tác động trực tiếp của báo chí vào chính trường Anh.

Các trận chiến hải quân và xung kích trên bộ vừa bằng súng, vừa bằng gươm giáo tại Chiến tranh Crimea cũng khiến ngành quân khí châu Âu và nhiều loại súng và pháo mới được cải thiện, có ảnh hưởng lớn tới cuộc nội chiến ở Mỹ (1861-1865).
Điều thú vị là dù các huy chương Thập giá Victoria của Anh được đúc ra từ nòng pháo bằng đồng của quân Nga, trên thực tế đó là một khẩu pháo Nga lấy của nhà Thanh bên Trung Hoa.

Trượt dần vào chiến tranh
Nhưng tổn thất về nhân mạng quá lớn đa số do thương tật, bệnh dịch của các bên: chừng 1 triệu quân Nga, 25 nghìn quân Anh, 100 nghìn quân Pháp, không kể quân Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Áo...đã đặt ra nhiều vấn đề mang tính nhân đạo và cách thi hành chiến tranh.

Anh Quốc ghi nhớ vai trò của nữ y tá chiến trường Florence Nightingale và trẻ con ở trường học Anh đến nay vẫn học tấm gương của ‘nữ anh hùng’ đã dẫn đầu các nhóm quân y cứu chữa cho thương binh ở Crimea.

Dù sau cuộc chiến, Anh Quốc có được chừng 30 năm mà các quyền lợi ở Cận Đông không bị Nga đe dọa, sự tham chiến của quân Anh vào một nơi xa xôi đã không đến từ tính toán chiến lược nào cả, mà chỉ do tình thế đưa đẩy và phản ứng thời đoạn của chính giới London, khiến người ta không khỏi lo ngại về sự can dự vào Ukraine ngày nay của châu Âu.
Liên quân Pháp - Anh - Áo và Ý bao vây Sevastopol

Nước Pháp của Hoàng đế Napoleon III, kẻ cho pháo thuyền đánh Việt Nam ngay sau đó (1858), đã giành vị thế thượng phong ở châu Âu sau trận chiến Crimea nhưng không lâu sau đã bị ngay quân Phổ thách thức.

Châu Âu học được bài học lớn về Chiến tranh Crimea rằng xung khắc đôi khi chỉ mang tính danh dự giữa các bậc vua chúa đã gây ra thương vong lớn cho quân sỹ, làm nhiều dân tộc lầm than, và châu Âu trở thành bất ổn trong nhiều thập niên.
Nga cũng biết tham vọng bành trướng lãnh thổ thường thất bại khi phải đối mặt với nhiều nước một lúc.

Trận Crimea chấm dứt thời lãnh đạo của Nga Hoàng Nicholas I (1796-1855) và dưới thời vị kế nhiệm Alexander II, các nỗ lực cải tổ quân đội và giải phóng nông nô phần nào thay đổi xã hội Nga nhưng nhiều vấn đề khác lại nảy sinh.

Nga không còn hạm đội Biển Đen, mất quyền kiểm soát đường biển xuống phía Nam và chuyển bạo lực vào nội địa.

Năm 1863, người Ba Lan khởi nghĩa đòi độc lập và bị Nga đàn áp đẫm máu.

Nga Hoàng Alexander II dù tăng quyền tự trị cho người Phần Lan ở phía Bắc đã thanh lọc chủng tộc tại vùng Caucasus với dân Hồi giáo, giết chết hàng trăm nghìn người, gồm cả dân Tatar ở Crimea, tính đến năm 1864.

Một hệ quả khác của Chiến tranh Crimea là cuộc chiến của các bộ tộc miền núi Chechnya chống lại Nga mà dư âm còn đến ngày nay.

Bản thân Alexander II bị ám sát chết năm 1881 trong làn sóng sôi sục vùng lên của các tầng lớp xã hội Nga.
Đồ̉ng Minh họp tại Yalta vẽ lại bản đồ thế giới sau Thế Chiến II

Hai vị kế nhiệm, Alexander III và Nicholas II đều dựa vào mật vụ Okhrana để đàn áp nội bộ nhưng đến năm 1905 thì Nga nổ ra thời kỳ cách mạng liên tiếp tới tận năm 1917.

Crimea - một biểu tượng
Crimea trở thành biểu tượng của sự chia rẽ, các vết thương lịch sử chưa lành, những cuộc hòa đàm của đại cường định đoạn số phận của các dân tộc nhỏ hơn.

Crimea từ xa xưa luôn là vùng đất tranh chấp của nhiều giống người, từ người Hy Lạp cổ đại đến các nhóm dân Trung Đông, Nga và Cận Đông.

Người Tatar theo Hồi giáo từng có vương quốc ở đây trong nhiều thế kỷ – tên Crimea đến từ tiếng Tatar ‘Qirim’ chỉ các vách núi đâm thẳng xuống biển – nhưng thù hằn cũng đến từ lịch sử quân Tatar chuyên bắt người Nga và Ukraine làm nô lệ bán sang Trung Đông.

Trong Thế chiến II, phát-xít Đức chiếm Crimea của Liên Xô và lập ra chính quyền ủng hộ thiểu số Tatar, điều khiến họ bị Stalin trả thù sau này.

Sau Thế chiến, chính tại khu nghỉ mát Yalta ở Crimea, Joseph Stalin đã hội đàm với Winston Churchill và Franklin Roosevelt, hoạch định bàn cờ quốc tế từ Âu sang Á.

Với các dân tộc Đông Âu, Yalta là biểu tượng của sự chia cắt và mất mát: Ba Lan mất 1/3 lãnh thổ cho Liên Xô, Ukraine mất nhiều vùng đất cho Nga, Moldavia, còn Hungary mất quá nửa quốc gia cho các vùng Moscow tạo thành Tiệp Khắc, Romania, và Đức mất nhiều thành phố phía Đông cho nước Ba Lan cộng sản.

Sau Thế chiến, người Tatar chịu đau khổ nhất vì Stalin bắt toàn bộ dân tộc này đầy sang Trung Á và họ chỉ được trở về Crimea sau khi Liên Xô tan rã, nay chiếm chừng 12% dân số tổng số hơn 2 triệu người mà đa số là người Nga (58%), sau đến người Ukraine (25%).

Trong các cuộc đầy ải có tổ chức của Liên Xô, ước tính trên 600 nghìn người Tatar đã thiệt mạng.

Điều này giải thích vì sao hiện nay, người Tatar ủng hộ chính phủ Kiev và không muốn sự ảnh hưởng của Nga ở Crimea.
Người Tatar ở Crimea tưởng niệm cuộc đầy ải của Liên Xô làm chết quá nửa dân tộc họ

Bên cạnh đó, cuộc thảm sát hơn 2 triệu người Armenia theo Thiên Chúa Giáo bởi bàn tay của quân Thổ Nhĩ Kỳ năm 1915 vì trả thù họ theo người Nga góp phần làm nên bức tranh đầy máu và nước mắt trong vùng.

Không ai nói tình hình hiện nay tại Crimea sẽ dẫn tới một cuộc chiến toàn diện nhưng cũng khó quên tính biểu tượng của bán đảo nằm giữa Biển Đen và Biển Azov ở vùng đất lại đang biến động.

Sau Chiến tranh Lạnh, một số nhà quan sát đã coi khu vực Âu Á (Eurasia) là nơi có các cuộc ‘xung đột bị đóng băng’ và chưa được giải quyết xong, mà lần gần nhất bùng lên khi Nga đưa quân vào Gruzia năm 2008.

Chiến tranh nếu xảy ra sẽ có thể giải quyết được các quyền lợi địa chính trị, sắp đặt lại các vùng ảnh hưởng, nhưng nhìn từ góc độ con người, có thể trích lời Florence Nightingale về nỗi đau chiến tranh bà chứng kiến ở Crimea như sau:

"Điều khủng khiếp của chiến tranh là thứ không ai có thể hình dung ra. Đó không phải là vết thương chảy máu, là cơn sốt, cái nóng ngột ngạt hay đói rét mà là sự độc địa, tàn ác như cơn say, là sự mất nhân phẩm, hỗn loạn ở phía bị khuất phục, là sự cao ngạo, tàn độc, ích kỷ ở phía kẻ chiến thắng..."

Câu hỏi là các xung đột quanh Crimea có đang tan băng?

Nguyễn Giang
BBC

Bài trước: Công chúa Ngọc Vạn

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc