Vì sao lần bầu cử châu Âu tháng này quan trọng nhất từ trước tới nay?

European Election Poster Campaign. Photo courtesy William Murphy.

Từ 22 đến 25 tháng Năm, người dân châu Âu sẽ đi bỏ phiếu để lựa chọn các thành viên cho Nghị viện châu Âu trong một cuộc bầu cử được cho là thước đo sự ủng hộ về việc hợp nhất châu Âu sau nhiều năm khủng hoảng, và quan trọng hơn, để đo lường sức mạnh của các đảng chống Liên minh châu Âu từ cả hai phía tả, hữu. Các cuộc bầu cử châu Âu thường chỉ là những vấn đề nhỏ, cử tri đi bầu ngày càng ít và số phiếu chống cao. Nhưng lần này nó sẽ quan trọng hơn bình thường và có thể (gián tiếp) ảnh hưởng tới tiến trình Dự án châu Âu. Vì sao vậy?

Các hiệp ước nối tiếp nhau của Liên minh châu Âu đã mang lại quyền lực lớn hơn cho Nghị viện châu Âu, tới mức cơ quan này gần như ngang với Hội đồng Bộ trưởng (đại diện cho các Chính phủ) trong việc phê duyệt các đề án luật do Ủy ban châu Âu (cơ quan dân sự của Liên minh châu Âu) đề xuất. Nhưng quyền lực gia tăng cũng không đảo ngược được xu hướng tỉ lệ cử tri đi bầu liên tục giảm, ở tất cả các cuộc bầu cử, kể từ khi hình thức bầu cử trực tiếp được thiết lập năm 1979; và cũng không xóa bỏ được quan niệm về sự ‘thiếu dân chủ’ (democracy deficit) ở ngay trung tâm châu Âu. Một lý do là các luật viết ra ở Brussels thường phức tạp trong khi quyền lực bị phân tán và việc quyết định lại tùy thuộc vào những thỏa hiệp mờ ám (murky) ở nhiều định chế khác nhau. Một yếu tố khác cũng là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong những năm gần đây – khi nào và với những điều kiện nào các nước vỡ nợ sẽ được cứu trợ - chủ yếu được quyết định bởi chính phủ các nước chứ không phải bởi các định chế của Liên minh châu Âu. Nguyên nhân thứ ba là khoảng 500 triệu công dân châu Âu không có nhiều cảm giác về một bản sắc chính trị chung; họ không tạo nên một ‘cộng đồng cử tri’ (demos) thống nhất.

Nghị viện châu Âu đang cố gắng khơi dậy (kindle) sự quan tâm của công chúng bằng cách biến cuộc bỏ phiếu thành cuộc đua cho chiếc ghế Chủ tịch Ủy ban, vị trí vốn được quyết định bởi lãnh đạo các nước. Các đảng (umbrella party) dẫn đầu đang đưa ra những ứng cử viên được biết tới với cái tên Đức là Spitzenkandidaten, cùng với hàng loạt các cuộc tranh luận tay đôi và thống nhất rằng ứng cử viên của nhóm lớn nhất sẽ được Nghị viện lựa chọn để lãnh đạo Ủy ban. Lãnh đạo các nước tỏ ra nghi ngờ ý tưởng này nhưng cũng không dám ngăn quá trình này lại. Sự cân bằng kéo dài giữa các ứng viên là một khả năng có thật và có thể dẫn đến tình trạng tê liệt ở Brussels. Người được kì vọng sẽ chiến thắng là Martin Schulz, thành viên đảng Dân chủ Xã hội Đức đồng thời là Chủ tịch Nghị viện châu Âu. Nếu ông Schulz đắc cử, đây sẽ là một chiến thắng cá nhân to lớn và chuyển hẳn quyền lực từ tay các chính phủ sang Nghị viện châu Âu. Tuy nhiên, một Ủy ban bị chính trị hóa nhiều hơn sẽ làm dấy lên những nghi vấn về vai trò của Ủy ban này như một quan tòa không thiên vị (ví dụ: trong chính sách cạnh tranh) hay trọng tài giữa các nước thành viên dù lớn hay nhỏ, thuộc cánh tả hay cánh hữu.

Dù phe liên minh có thể giành được nhiều ảnh hưởng hơn, những người hoài nghi châu Âu cũng được củng cố thêm sức mạnh. Phía cánh hữu nhiều khả năng sẽ hình thành ít nhất 3 nhóm: nhóm cải cách đối lập với nòng cốt là Đảng Bảo thủ Anh (hiện được biết đến với tên Bảo thủ và Cải cách châu Âu – ECR); một liên minh khác còn hoài nghi về châu Âu hơn do đảng Độc lập Anh chi phối (hiện mang tên Châu Âu Tự do và Dân chủ) và một liên minh cực hữu mới do Mặt trận Quốc gia Pháp, Đảng Tự do Hà Lan và các đảng phái khác lãnh đạo. Ở cánh tả, các cuộc thăm dò cho thấy những người hoài nghi châu Âu có thể tăng số phiếu từ 1/5 lên gần 1/3 trong số 751 ghế nghị viện (nếu không tính Đảng Bảo thủ Anh, thì số phiếu tăng từ 1/10 lên 1/4). Những người hoài nghi sẽ khó có ảnh hưởng trực tiếp lên quá trình lập pháp nhưng dù sao cũng sẽ có ba tác động ngầm. Đầu tiên, số ghế họ nắm sẽ khiến các cơ quan Liên minh châu Âu khó có thể khẳng định: giải pháp cho mọi vấn đề là ‘hợp nhất với châu Âu hơn nữa’. Thứ hai, họ sẽ buộc các đảng chính phải tạo ra một liên minh đủ lớn để luật được thông qua, do đó càng làm tăng thêm sự thiếu dân chủ. Thứ ba, họ sẽ làm suy yếu và đe dọa rất nhiều chính phủ, đẩy họ tới những chính sách mang tính hoài nghi châu Âu hơn. Tất cả những điều này s ngăn cản châu Âu khởi động quá trình cải cách vốn đã rất bức thiết từ việc mở rộng thị trường chung tới nâng cao thương mại tự do và điều chỉnh khu vực đồng euro.

Đăng Duy
The Economist


Tags: economics

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc