Hội nghị Bretton Woods quyết định những gì?

Photo credit: The Economist.

Ngày 1 tháng Bảy năm 1944, 730 đại biểu đến từ 44 quốc gia đã gặp nhau tại một khách sạn ở vùng núi New Hampshire để thảo luận về hệ thống tiền tệ sau chiến tranh (tránh nguy cơ tái diễn khủng hoảng kinh tế). Hệ thống Bretton Woods được thành lập sau Hội nghị này bao gồm hai định chế toàn cầu vẫn đóng vai trò quan trọng ngày nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Hội nghị cũng thiết lập chế độ tỷ giá hối đoái cố định kéo dài đến năm 1971. Động lực quan trọng đối với các đại biểu tham gia Hội nghị là cảm giác rằng hệ thống tài chính giữa hai cuộc Thế chiến đã trở nên hỗn loạn (chaotic), sự sụp đổ của chế độ bản vị vàng, cuộc Đại Khủng hoảng và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ. Henry Morgenthau, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, tuyên bố Hội nghị nên 'từ bỏ những điều tệ hại về kinh tế - các nước đua nhau phá giá đồng tiền và các rào cản thương mại mang tính phá hoại-. xuất hiện trước cuộc chiến tranh hiện nay'. Tuy nhiên, Hội nghị phải vượt qua được sự chia rẽ phức tạp (tricky) giữa hai bờ Đại tây dương. Lãnh đạo trí thức của Hội nghị là John Maynard Keynes, nhà kinh tế học người Anh, nhưng quyền lực tài chính lại thuộc về Harry Dexter White, chuyên gia cao cấp của Bộ Tài chính Mỹ - đại diện cho Tổng thống Mỹ Roosevelt.

Trạng thái căng thẳng trong việc duy trì tỷ giá hối đoái cố định là quá lớn cho các quốc gia trong quá khứ, nhất là khi tài khoản thương mại của họ bị thâm hụt. Quỹ Tiền tệ Quốc tế được thiết kế nhằm giải quyết vấn đề này, với vai trò như người cho vay quốc tế cuối cùng. Nhưng trong khi White, đại diện của quốc gia chủ nợ (với thặng dư thương mại), muốn tất cả các gánh nặng điều chỉnh (adjustment) do các quốc gia đi vay gánh chịu, Keynes cũng muốn các hạn chế (constraints) đối với các quốc gia chủ nợ. Ông muốn một hệ thống bù trừ cán cân thanh toán quốc tế không dựa trên đồng đôla, mà dựa trên một đồng tiền mới với tên gọi bancor. White cho rằng, như vậy, nước Mỹ sẽ phải trả tiền cho hàng xuất khẩu của mình bằng một "đồng tiền hài hước"; và Keynes đã thua tranh luận này. Tuy nhiên, trớ trêu thay, giờ nước Mỹ là quốc gia mắc nợ, và những người kế nhiệm White đã kêu gọi các quốc gia chủ nợ phải chịu một phần của việc điều chỉnh khi cán cân thương mại trở nên không kiểm soát được (get out of line).

Trong hệ thống tỷ giá hối đoái Bretton Woods, tất cả các đồng tiền xoay quanh đồng đôla, gắn với giá vàng. Nhằm ngăn chặn đầu cơ chống lại tỷ giá trao đổi cố định, các dòng vốn bị hạn chế chặt chẽ. Hệ thống này mang lại hơn hai thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, và hầu như không xảy ra (paucity) cuộc khủng hoảng tài chính nào. Tuy nhiên, hệ thống này tỏ ra quá cứng nhắc để đối phó với các cường quốc kinh tế mới nổi như Đức và Nhật Bản, và sự miễn cưỡng của Mỹ trong việc điều chỉnh chính sách kinh tế nội địa để duy trì tỷ giá vàng. Tháng 8 năm 1971, Tổng thống Mỹ Nixon đã phải rút hẳn khỏi hệ thống Bretton Woods và hệ thống tỷ giá hối đoái cố định tan rã (disintegrate).

Dù sao, cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới vẫn tồn tại. Nhưng các định chế này đều bị chỉ trích gay gắt, không chỉ vì sự thống trị của các nước giàu ở hai cơ quan này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế bị chỉ trích vì các điều kiện đi kèm với các khoản vay, bị coi là quá chú trọng tới biện pháp thắt lưng buộc bụng và các quyền của chủ nợ mà không mấy quan tâm đến phúc lợi của người nghèo. Ngân hàng Thế giới, chủ yếu cho các nước đang phát triển vay, bị chỉ trích vì không quan tâm đầy đủ đến các hậu quả xã hội và môi trường của các dự án tài trợ. Khó có thể tin rằng một trong hai tổ chức này sẽ còn tồn tại trong 70 năm nữa, trừ khi chúng thay đổi để phản ánh sức mạnh ngày càng tăng của các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Hoa.

Sơn Phạm
The Economist


Tags: economics

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc