Vì sao cảnh sát Mỹ được trang bị đến tận răng như vậy?

Mike Brown's father. Photo courtesy blue cheddar.

Ngày 9 tháng Tám, cảnh sát da trắng Darren Wilson ở thị trấn Ferguson, Missouri, đã bắn chết thanh niên da màu 18 tuổi Michael Brown – người không một tấc sắt trong tay. Hai ngày sau, lực lượng cảnh sát bán quân sự (paramilitary) chiến thuật SWAT (Special Weapons and Tactics – Đội Chiến thuật và Vũ khí Đặc biệt) được điều đến giải tán đám đông biểu tình trước trụ sở cảnh sát Ferguson. Họ xuất hiện với vũ trang như chuẩn bị cho chiến tranh: các thiết bị chống bạo động (riot gear), mặt nạ phòng độc (gas mask), dùi cui (long truncheon) và súng tự động, dù ngoài vài vụ hôi của (looting) một ngày sau vụ nổ súng, các cuộc biểu tình ở Ferguson hầu hết diễn ra trong trật tự. Những ngày sau đó, đội chiến thuật đã bắn hơi cay vào một tổ phóng viên thời sự, đặt người biểu tình không vũ trang vào tầm ngắm của súng tự động và các tay bắn tỉa (sniper), đi tuần (patrol) trên các con phố trong những chiếc xe bọc thép như thể đang ở giữa Baghdad hay Aleppo. Thời kì mà cảnh sát khu vực (beat cop) đi quanh phố chỉ với khẩu súng lục (revolver) có vẻ như đã xa rồi. Vì sao cảnh sát Mỹ lại được vũ trang đến tận răng như vậy?

Như hầu hết các vấn đề khác ở Mỹ, tất cả bắt đầu từ ngân quỹ liên bang. Hàng năm, Quốc hội thông qua Luật ngân sách Bộ Quốc phòng (National Defence Authorisation Act). Năm 1990, giữa lúc bạo lực liên quan đến ma túy tăng mạnh, luật cho phép Bộ Quốc phòng điều chuyển trang thiết bị và vũ khí của quân đội cho các sở cảnh sát địa phương nếu ‘phù hợp với các hoạt động chống ma túy’. Từ năm 2002 đến năm 2011, Bộ An ninh Nội địa – được thành lập sau vụ 11 tháng Chín – đã giải ngân (disburse) hơn 35 tỉ đôla cho cảnh sát các bang và địa phương. Thêm vào đó, ‘Chương trình 1033’ cho phép Bộ Quốc phòng tái phân phối trang bị dư thừa cho các sở cảnh sát địa phương để chống khủng bố và chống buôn lậu ma túy. Hiệp hội Dân quyền Mỹ (American Civil Liberties Union) nhận thấy giá trị các trang bị quân sự của cảnh sát Mỹ đã tăng từ 1 triệu đôla năm 1990 lên gần 450 triệu đôla năm 2013. 

Và các trang bị này được dùng đến thật sự chứ không phải xếp xó. Năm 1980, các đội SWAT khắp nước Mỹ được triển khai khoảng 3.000 lần. Từ đó đến nay, con số này tăng gần 17 lần lên 50.000 lần/năm. Các đơn vị cảnh sát chiến thuật không chỉ phổ biến ở các thành phố lớn: khoảng 90% các thành phố hơn 50.000 người ở Mỹ có đội SWAT, mà tương tự như vậy là 90% các thành phố có từ 25.000 tới 50.000 người – tăng hơn bốn lần so với giữa những năm 1980. Số lượng cảnh sát bán quân sự tăng mạnh trong khi số vụ tội phạm bạo lực lại giảm. Tuy đội SWAT vẫn rất cần thiết cho các tình huống rủi ro cao và nguy hiểm, hầu hết lại được triển khai tới những vụ bắt giữ (warrant) tội phạm ma túy tại nhà riêng, và thường gây ra hậu quả tai hại. Nhà báo Radley Balko, tác giả cuốn sách quan trọng về việc quân sự hóa lực lượng cảnh sát đã thấy ít nhất 50 người vô tội bị thiệt mạng do các cuộc bố ráp cẩu thả (botched) của đội SWAT. Các đội chiến thuật còn được triển khai để triệt phá các tụ điểm chơi bài poker, các quán bar bị nghi phục vụ khách chưa đủ tuổi và bắt hàng chục người về tội "chẳng chết ai" như ‘cắt tóc không giấy phép’. Cách làm việc này bị lực lượng vũ trang coi thường. Các cựu chiến binh đã chỉ trích rằng lực lượng cảnh sát ở Ferguson đã đe dọa đám đông thay vì kiểm chế họ, không chia sẻ thông tin và khiến căng thẳng leo thang. Một cựu chiến binh lên tiếng ‘chúng tôi từng chiến đấu trên các địa bàn khốc liệt ở Afghanistan mà chẳng có trang bị tận răng như h’.

Cuối cùng thì người dân Mỹ có vẻ đã ngán đến tận cổ tình trạng này. Cuộc thăm dò ý kiến của Reason Rupe hồi tháng Mười Hai cho thấy 58% người Mỹ tin rằng việc quân sự hóa cảnh sát đã ‘đi quá xa’. Tuy nhiên, các chính trị gia của họ có lưu ý ý kiến này không lại là chuyện khác. Ứng cử viên nặng kí cho đề cử Tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2016 - nghị sĩ bang Kentucky Rand Paul mới viết một bài báo nêu quan điểm đã đến lúc ‘phi quân sự hóa lực lượng cảnh sát’ nhưng vẫn chưa đề xuất một dự luật nào ủng hộ cho quan điểm này. Hồi tháng Sáu, Alan Grayson thuộc đảng Dân chủ ở Florida đệ trình một sửa đổi (amendment) cấm Bộ Quốc phòng điều chuyển cho cảnh sát địa phương ‘máy bay (bao gồm cả không người lái), xe tăng, xe bọc thép, súng phóng lựu (grenade launcher), ống giảm thanh (silencer), các chất độc (hóa học, sinh học và các dụng cụ liên quan), bộ phóng, tên lửa dẫn đường (guided missile), tên lửa đạn đạo (ballistic missile), tên lửa (rocket), ngư lôi (torpedo), bom, mìn và vũ khí hạt nhân.’ Dự luật này thất bại: lãnh đạo cả 2 đảng đều không bỏ phiếu thuận. Công nghiệp quốc phòng Mỹ ủng hộ nhiều triệu đôla cho các chính trị gia và còn nhiều hơn thế cho vận động hành lang. Những người chống lại dự luật của ông Grayson nhận được trung bình từ các khoản đóng góp của công nghiệp quốc phòng nhiều hơn 73% so với những người ủng hộ (dự luật).

Đăng Duy
The Economist


Tags: economics

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc