Kỹ năng khó nhất khi học tiếng Anh?

shared from fb Xê Nho Nvp.
-----
Học tiếng Anh, tôi nghĩ khó là giai đoạn sau, khi đã học được ít nhiều nhưng nhiều người vẫn có cái cảm giác thiếu thiếu cái gì đó, khó xác định. Cái thiếu đó, theo tôi, là khả năng đọc hiểu. Hay nói cách khác, lúc đó vấn đề không phải là ngôn ngữ nữa – vấn đề là nền tảng kiến thức để tiếp nhận thông tin mới, bất kể vỏ bọc ngôn ngữ (tức là bất kể nó được thể hiện bằng tiếng Việt hay tiếng Anh).

Lấy ví dụ một hai cái tít vừa xuất hiện trên báo. “Chinese Tourists Find a Movable Feast Best Left Behind” là một tít trên tờ New York Times. Đọc tít này rồi dịch ra tiếng Việt cũng chẳng giúp gì việc đọc hiểu. Nhưng nếu biết “A Movable Feast” là nhan đề một cuốn tự truyện của Hemingway viết về thời gian ông sống ở Paris, một thời gian khó quên với ông thì chúng ta biết là bài báo sẽ nói về lý do vì sao du khách Trung Quốc vỡ mộng về kinh đô hoa lệ và cố quên những ngày vật và vật vưỡng ở Paris (bản thân Hemingway dùng từ Movable Feast cũng theo nghĩa đặc biệt của từ này).

Hay một tít khác “Doubling Down on Democracy” trên tờ The Atlantic. Chơi bài mà double down là xẻ tay bài thành hai, nâng mức ăn thua lên gấp đôi, kiểu như tháu cáy. Ở đây, bài báo nói về nỗi thất vọng khi kinh tế thị trường sống khỏe ở đủ loại thể chế, từ độc tài đến quân phiệt chứ không hẳn chỉ dân chủ. Ví dụ ở Nga hay Trung Hoa hiện đang tồn tại những nhà nước mà kinh tế thì theo tư bản, chính trị thì toàn trị và tư tưởng thì theo dân tộc chủ nghĩa. Nhưng Fukuyama, người từng viết bài “The End of History” nay vẫn “đặt cược vào dân chủ” – được ăn cả ngã về không.

Tuy nhiên không phải tít nào cũng cứ tìm hiểu theo dạng thành ngữ như thế. Đọc bài “To Solve Prison Crowding, Norway Goes Dutch” của Bloomberg mà cứ tra cụm từ “go Dutch” rất dễ nhầm qua nghĩa ai ăn nấy trả. Go Dutch ở đây chỉ đơn giản là nhà tù Na Uy hết chỗ, họ bèn qua Hà Lan nhờ nước này giữ tù giùm họ.


Tags: english

6 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc