Đảo nghịch thuế

-----
Tuần rồi, Burger King, chuỗi cửa hàng burger lớn thứ nhì ở Mỹ, mua Tim Hortons, chuỗi cửa hàng cà phê được ưa chuộng nhất Canada, với giá 11,4 tỉ đô-la Mỹ. Mặc cho lãnh đạo công ty tán tụng các lợi ích cộng hưởng và mở rộng thị trường của thương vụ tạo nên công ty fast-food lớn thứ ba thế giới, khi biết công ty mới sáp nhập sẽ chuyển tổng hành dinh về Canada, giới quan sát thốt lên: “À há, đích thị là tax inversion (tạm dịch là đảo nghịch thuế)”.

Inversion là một cách tránh thuế hợp pháp. Theo The Economist, Mỹ đánh thuế doanh nghiệp với thuế suất cao nhất (35%) trong 34 nước OECD. Nhưng luật thuế doanh nghiệp của Mỹ có nhiều lỗ hổng lớn mà các công ty có thể lợi dụng để giảm thuế. Inversion là một lỗ hổng cho phép công ty tái đăng ký thành lập ở nước ngoài, tuy chỉ trên danh nghĩa, trong khi vẫn giữ cơ cấu hoạt động tại thị trường nội địa.

Thuế doanh nghiệp Mỹ đánh vào lợi nhuận cả ở Mỹ lẫn ở nước ngoài. Lợi nhuận ở nước ngoài chỉ đóng thuế khi đưa về Mỹ, nên các công ty đa quốc gia của Mỹ hiện nay giữ lại khoảng 2.000 tỉ đô-la ở nước ngoài. Các công ty có hoạt động ở nước ngoài phải đóng bù mức chênh lệch giữa thuế suất nước ngoài và ở Mỹ. Ví dụ, trước khi sáp nhập, lợi nhuận tại Ontario của Burger King phải đóng thuế tổng cộng 26,5% ở Canada (gồm 15% ở cấp liên bang và 11,5% ở tỉnh Ontario), và đóng phần chênh lệch 8,5% thuế ở Mỹ.

Trong khi đó, thuế ở Canada và nhiều nước áp dụng theo nguyên tắc lãnh thổ, tức là lợi nhuận làm ra ở đâu nộp thuế ở đó. Sau khi sáp nhập và đăng ký thành lập ở Ontario, công ty sẽ chỉ đóng 26,5% trên lợi nhuận làm ra ở Canada, và các mức thuế sở tại cho hoạt động ở các nước trên thế giới, ví dụ 35% ở Mỹ, 12,5% ở Ireland và 21% ở Anh.

Để tận dụng inversion, một công ty ở Mỹ mua công ty ở nước ngoài và đăng ký địa chỉ hợp pháp của mình ở nước ngoài đó. Những nơi như Ireland, Thụy Sĩ và Bermuda thường là các địa điểm được ưa chuộng vì thuế suất doanh nghiệp khá thấp. Tuy nhiên, sự thay đổi địa chỉ này chỉ cần trên giấy tờ. Công ty kết hợp mới, giống như vụ sáp nhập Burger King-Tim Hortons, có thể lập một công ty đầu tư vốn (holding company) ở nước có thuế suất thấp hơn. Yêu cầu bắt buộc duy nhất về địa bàn kinh doanh thực tế là công ty phải có một phần tư hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, hoặc cổ đông của công ty nước ngoài bị mua lại phải nắm 20% vốn của công ty mới thành lập.

Hình thức inversion ngày càng phổ biến. Theo tờ The Wall Street Journal, kể từ tháng 1/2013, 19 công ty (chỉ riêng từ đầu năm 2014 đến nay có 14) đã công bố kế hoạch tái đăng ký thành lập ở nước ngoài vì mục đích thuế. Theo Ban nghiên cứu Quốc hội Mỹ, từ năm 1983 đã có 76 công ty tận dụng inversion, riêng con số của thập niên vừa qua là 47. Cho đến gần đây, xu hướng này chỉ diễn ra trong ngành sản phẩm y khoa và dược phẩm.

Quốc hội Mỹ ước tính nếu hạn chế inversion thì ngân sách có thêm được 19,5 tỉ đô-la trong mười năm. Tổng thống Obama lên án inversion là hành động “không yêu nước”, và hứa sẽ thực hiện các biện pháp để ngăn chặn trào lưu này. Chính phủ Mỹ đang nghiên cứu những cách thay đổi luật thuế, trong đó có tăng ngưỡng sở hữu vốn của nước ngoài từ 20% lên 50%. Obama đề xuất giảm thuế suất xuống còn 28% nhưng giữ cách đánh thuế toàn cầu. Dave Camp, hạ nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa, đề xuất thuế suất 25%, mức trung bình của OECD, và chuyển sang cách đánh thuế theo lãnh thổ.

Hai bên vẫn còn bất đồng vì gắn chuyện này với nhiều vấn đề khác. Obama muốn cải cách thuế làm sao để có nguồn thu nhiều hơn cho những chi tiêu như cơ sở hạ tầng công cộng. Đảng Cộng hòa lại muốn kết hợp với giảm thuế suất cá nhân (mà Obama không muốn). Obama đã dọa sẽ tìm cách dùng các quyền lực hành pháp của mình để chặn đứng làn sóng tránh thuế này nếu ông không đạt được một giải pháp với Quốc hội Mỹ. Theo Forbes, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew có thể công bố các hạn chế về inversion trong tháng 9 này.

Tags: finance

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc