"Lang bạt kỳ hồ" nghĩa là gì?

shared via Aiviet Nguyen.
-----
"Lang bạt kỳ hồ" trong ngôn ngữ Việt Nam hiện nay được hiểu là "lang thang phiêu bạt giang hồ đến kỳ thích". Thực ra đây là một thành ngữ chữ Hán 狼跋其胡 "lang bạt kỳ hồ" nói về thế mắc kẹt không tiến thoái được.

Trong Kinh Thi có bài Mân phong có câu: "Lang bạt kỳ hồ, tái chí kỳ vĩ" 狼跋其胡, 载疐其尾 . Nghĩa đen là "Con sói bước tới dẫm vào yếm lông trước cổ của mình, lui lại vấp phải cái đuôi của mình". Khi dịch cần phân tích để hiểu ý nghĩa của câu này thế nào? Trước hết "lang" không phải là "lang thang" mà đúng là con sói trong từ "sói lang", "vĩ" là đuôi, "tái" là quay lại, là những từ có nghĩa cố định trong câu. Bây giờ còn lại chữ "hồ" cần phải hiểu xem tại sao lại xuất hiện ở đây. Chữ "Hồ" cũng chỉ người rợ Hồ, cái cổ họng,... nhưng không phải chữ "hồ" trong "Tây Hồ" hoặc "giang hồ". Như vậy cần phải tìm một nghĩa "hồ" có liên quan đến "lang", "bạt" hoặc "vĩ". "Hồ" có một nghĩa là cái yếm lông trước ngực ngay dưới cổ họng con sói, cũng là một bộ phận như "vĩ" là đuôi. "Hồ" phía trước, "vĩ" phía sau, cũng như "bạt" là đi về trước, "tái" là lui về sau. Tấm yếm ngực của các con sói già thường mọc lông rất dài. Trong sách Mao truyện lại có viết:老狼有胡, 进则躐其胡, 退则跲其尾, 进退有难 Lão lang hữu hồ, tiến tắc liệp kỳ hồ, thối tắc cấp kỳ vĩ, tiến thối hữu nan. Nghĩa là: "Sói già có "hồ", tiến thì dẫm lên "hồ' của mình, thoái lục thì dẵm phải đuôi, tiến thoái đều khó". Vậy là đủ hiểu nghĩa câu trên và thành ngữ "lang bạt kỳ hồ". Thành ngữ này về sau có thể dùng rút gọn thành "lang bạt" = thế mắc kẹt, khó xử, không biết làm sao.


Tags: china

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc