Bắt đầu thu học phí

Tôi chuyển trường từ Teppozu đến Shinsenza vào năm Meiji thứ nhất, hay còn gọi là năm Keio thứ 4 (1868). Vì trường có từ trước cuộc Minh Trị duy tân, nên tôi lấy niên hiệu đó để đặt tên cho trường thành Keio-gijuku (Khánh Ứng nghĩa thục). Các học trò tản đi, nay quay trở về và trường lại trở nên đông vui, tấp nập. Số lượng học sinh nhiều lên, cần thiết phải tăng cường việc quản lý nơi ăn, chốn ở chặt chẽ hơn, nên tôi đã viết một cuốn sách nhỏ về nội quy trường học. Nếu ngồi chép lại sẽ mất nhiều thời gian, công sức nên tôi cho in và phát cho mỗi học sinh một cuốn. Trong đó ghi nhiều điều, nhưng có một điểm là hàng tháng sẽ thu học phí từ học sinh. Đó là ý tưởng mới, được thực hiện đầu tiên ở trường Keio-gijuku.

Trước đó, trong các trường tư thục của Nhật đều theo cách của người Trung Hoa, tức là khi nhập môn, các học trò sẽ mang tiền hoặc lễ vật đến để nhận thầy. Trong suốt quá trình học, mỗi năm sẽ phải mang lễ vật đến hai lần vào dịp Obon và dịp cuối năm. Tùy từng học sinh mà có thể chuẩn bị tiền hoặc đồ vật gì đó, gói ghém cẩn thận mang đến dâng thầy. Nhưng theo tôi, những đồ vật đó sẽ không có tác dụng thiết thực. Giảng dạy cũng là một công việc, mà đã là công việc thì phải được trả lương. Không có chuyện gì xấu ở đó, nếu như quy định mức lương rõ ràng và công khai. Tôi gọi là "Tiền học phí" và hàng tháng tiến hành thu của mỗi học sinh 2 Bu tiền vàng để các học sinh lớp trên dạy lại các học sinh lớp dưới.

Thời đó, một tháng cứ có khoảng 4 Ryo tiền vàng là đủ để chi phí cho việc ăn ở trong trường. Vì vậy, hàng tháng sẽ trích học phí mà học sinh nộp để chi cho giáo viên, mỗi người 4 Ryo là coi như tạm sống được, còn thừa sẽ đem bổ sung vào quỹ của trường.

Ngày nay, việc thu học phí là chuyện đương nhiên, nhưng khi mới bắt đầu thực thi, thiên hạ xung quanh đã phải trố mắt vì ngạc nhiên. Tôi bảo mỗi tháng học sinh chỉ cần mang đến 2 Bu tiền vàng, không cần gói vào giấy hay thắt dây gì hết. Có cả thông báo rằng, nếu mang 1 Ryo sẽ được trả lại tiền thừa. Thế nhưng cũng vẫn có những học trò gói tiền cẩn thận vào giấy, buộc lại và đem đến. Mà như thế thì tôi bảo: gói vào giấy buộc lại sẽ khó cho việc kiểm tiền và cố tình tháo ra trả lại học trò. Chúng tôi thực hiện quy định này khá nghiêm chỉnh, nên việc mọi người xung quanh lấy làm ngạc nhiên cũng là điều dễ hiểu.

Thú vị là hiện nay, việc này đã đương nhiên trở thành cách làm chung trên toàn nước Nhật, mà không ai có ý kiến gì. Không cần nói đến ý nghĩa của việc làm đó là lớn hay nhỏ, chỉ riêng sự cố công thực hiện những quy định mới như vậy đã phải rất cần một sự táo bạo, quyết đoán. Nhưng cũng may là việc làm đó được tiến hành trôi chảy từ đầu đến cuối và nhanh chóng lan rộng ra nhiều nơi khác. Đối với tôi, đó coi như một sở nguyện đã thành hiện thực nên không còn gì vui hơn nữa.

P. 332 - Vương chính Duy Tân - Phúc ông tự truyện

Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc