'Đình trệ kéo dài' là gì?

Các cô gái trẻ đi kích cầu nền kinh tế. Photo courtesy anurag agnihotri.

Các sách giáo khoa kinh tế nói nhiều về "chu kỳ kinh doanh". Sau một cuộc suy thoái, họ nói, các nền kinh tế được cho là sẽ hồi phục trở lại (bounce back). Vậy điều gì đã sai lầm trong thế giới các nước giàu? Sau cuộc "Tổng Suy trầm" năm 2008-09, các nước giàu phải vật lộn để lấy lại những gì đã mất. GDP thực tế trong khu vực đồng euro vẫn thấp hơn so với mức năm 2009. Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland chỉ đến mùa hè năm ngoái mới vượt qua mức đỉnh trước khủng hoảng. Hiệu suất đình trệ (sluggish) dù lãi suất ở các nước giàu đã ở mức thấp nhất (rock-bottom) trong nhiều năm. Để giải thích sự tăng trưởng yếu kém của các nước giàu, một số nhà kinh tế (đặc biệt là Larry Summers, cựu Bộ trưởng Ngân khố Mỹ), cho rằng họ đang bị mắc kẹt trong 'đình trệ kéo dài' (secular stagnation). Điều đó có nghĩa là gì?

Lý thuyết đình trệ kéo dài xuất phát từ Alvin Hansen, một nhà kinh tế học theo trường phái Keynes, trong những năm 1930. Những nước bị đình trệ là do tiết kiệm quá nhiều và đầu tư quá ít. Hansen dự đoán rằng các nền kinh tế sụt giảm (slumping) trong những năm 1930 bị đình trệ do triển vọng tăng trưởng kém vì lý do chậm đổi mới sáng tạo và dân số già. Phân tích của Summers không hề khác lý thuyết của Hansen. Ngày nay, tiết kiệm cao do một số lý do. Trong những năm gần đây, nhiều thị trường mới nổi đã bắt đầu tiết kiệm quá mức (savings binge), tích lũy những nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ. Của Trung Quốc hiện trị giá hơn 3 ngàn tỷ USD. Nhưng nhân khẩu học cũng quan trọng. Các nước giàu đang già đi nhanh chóng, do tuổi thọ tăng và tỷ lệ sinh giảm. Ở Mỹ vào năm 1970, tích trữ tiết kiệm cần có để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ suốt đời tương đương -228% GDP. Nói cách khác, các hộ gia đình có lẽ là những người đi vay nhiều hơn là gửi tiết kiệm do dân số nói chung là trẻ, tuổi thọ thấp hơn so với hiện tại, và thu nhập tương lai dự kiến tăng nhanh chóng. Trả nợ và tiết kiệm cho nghỉ hưu không đòi hỏi chi li đong đếm từng xu (penny-pinching). Ngược lại, dân số ngày nay già hơn và dự kiến sống (lây lất) lâu hơn khi về hưu. Mức tiết kiệm cần có ước tính do đó tăng lên tới 52% GDP trong năm 2010.

Nhân khẩu học cũng phần nào giải thích vì sao đầu tư lại thấp như vậy. Tăng trưởng chậm hơn trong lực lượng lao động đồng nghĩa với việc tốc độ tăng trưởng tổng thể chậm hơn. Và khi có ít công nhân hơn để thuê, các doanh nghiệp cũng sẽ cần ít vốn hơn. Cấu trúc của các nền kinh tế giàu ngày nay cũng không giúp ích gì nhiều. Các công ty Internet như Google và Facebook có thể tăng trưởng đến kích thước khổng lồ với rất ít vốn. Đầu tư thuần (tổng đầu tư trừ khấu hao), theo tỷ lệ so với tổng tích trữ vốn, gần đến mức thấp nhất kể từ Thế chiến II. Với đầu tư thấp và tiết kiệm cao, tăng trưởng kinh tế chậm lại. Và, lạm phát đang giảm (tumbling) cũng làm phức tạp thêm vấn đề. Lạm phát thấp (hay giảm phát) khiến các ngân hàng trung ương khó khăn hơn trong việc giảm lãi suất thực tế (và kích thích nền kinh tế) do các ngân hàng trung ương không thể dễ dàng để lãi suất chính sách của họ ở mức âm; một số đã thử liều (take the plunge) và đã gánh chịu những hậu quả đáng tiếc . Các nước khác, bao gồm các ngân hàng trung ương Mỹ, Anh, Nhật Bản và khu vực đồng euro đã thử các chính sách tiền tệ phi truyền thống như "nới lỏng định lượng" - tạo ra tiền để mua các tài sản tài chính - và có các kết quả khác nhau.

Không phải ai cũng bị thuyết phục bởi lý thuyết này. Các nước giàu đã lão hóa trong nhiều thập kỷ. Đã có những công ty Internet ít vốn đầu tư từ những năm 1990. Nhưng những điều này không phải lúc nào cũng thành vấn đề. Ví dụ, trong những năm 2000, các nước giàu có mức tăng trưởng khá mạnh. Những nhà kinh tế học đình trệ cho rằng tăng trưởng nhanh chóng này là một ảo ảnh. Họ lập luận rằng, nhu cầu thấp trong một nền kinh tế có thể được khắc phục một cách tạm thời bằng lạm phát của bong bóng tài chính. Sự mở rộng của nền kinh tế Mỹ trong những năm 2000 (khi thị trường nhà đất sôi sục) hoặc trong những năm 1990 (với các công ty công nghệ) là những ví dụ điển hình. Họ cho rằng, nếu không có những điên cuồng đó, tăng trưởng sẽ chậm lại. Một số các nhà kinh tế khác phản bác rằng thời điểm bong bóng đã qua; ví dụ, sự điên cuồng công nghệ của những năm cuối thập niên 1990 xảy ra sau khi thất nghiệp vốn đã giảm xuống dưới 5%. Nhưng nếu các nước giàu càng "mở rộng đáng thất vọng" với những biến cố (blow-up) tài chính ngắt quãng ở giữa, những lập luận của các nhà kinh tế học đình trệ càng khó bị bác bỏ.

Sơn Phạm
The Economist

Tags: economics

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc