Những ai đang bắn giết nhau ở Myanmar, và vì sao?

Peace is every step (Amarapura, Myanmar). Photo courtesy Jean-Marie Hullot.

Ngày 17 tháng Ba, chính quyền trung ương Myanmar và Đoàn Điều phối Thỏa thuận Ngừng bắn Quốc gia (NCCT) - nhóm đại diện cho 16 đội quân sắc tộc ở nước này - ngồi xuống cho cuộc đàm phán hòa bình ở Yangon, thành phố lớn nhất và là thủ đô thương mại của nước này. Đây là vòng thứ bảy của các cuộc đàm phán hòa bình chính thức, mặc dù các nhà đàm phán của cả hai bên đã gặp không chính thức hơn 200 lần trong vài năm qua. Mục đích của các cuộc đàm phán là một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc (các lệnh ngừng bắn song phương đã được thoả thuận giữa chính phủ và hầu hết các đội quân sắc tộc, nhưng thường trở nên tồi tệ hơn). Các nhà đàm phán luôn hào hứng nói với các phóng viên rằng chỉ còn một vài điểm bất đồng, và một thỏa thuận quốc gia sẽ sắp thành hiện thực. Tuy nhiên, những sự kiện gần đây khiến tuyên bố này khó tin hơn thường lệ. Trong khi các nhà đàm phán thỏa thuận ở Yangon, giao chiến ác liệt vẫn tiếp tục diễn ra ở khu vực cực đông bắc của đất nước; kể từ khi cuộc xung đột này bắt đầu, ngày 9 tháng Hai, theo thông báo đã có gần 200 người chết và hàng chục ngàn người bị mất nhà cửa. Vậy, những ai đang bắn giết nhau ở Myanmar, và vì sao?

Kể từ khi giành được độc lập từ Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland vào năm 1948, nhiều nhóm sắc tộc thiểu số của nước này, bao gồm hơn 30% dân số của đất nước, đã chiến đấu với chính quyền trung ương (và đôi khi bắn giết lẫn nhau) gần như liên tục. Tại trung tâm các cuộc xung đột này là những lời cam kết được ghi trong Hiệp định Panglong. Với chữ ký của ông Aung San, lãnh đạo phong trào độc lập của nước này (và là cha của bà Aung San Suu Kyi, một nghị sĩ và nhà hoạt động dân chủ lâu năm), cũng như đại diện các sắc tộc Kachin, Chin và Shan, Hiệp định hứa hẹn sự tự chủ rộng rãi trong các khu vực dân tộc thiểu số của đất nước và tuyên bố rằng một "Nhà nước Kachin độc lập ... là điều mong muốn". Chính phủ nước này chưa hề thực hiện lời hứa nào. Một số đội quân sắc tộc tự tài trợ thông qua những hoạt động bất hợp pháp (như khai thác gỗ, sản xuất ma túy, buôn lậu vũ khí, "thu thuế" người dân địa phương), nhưng có nguồn gốc từ những lời hứa không được đáp ứng này. Thein Sein, Tổng thống Myanmar, nói rằng ông muốn một lệnh ngừng bắn đạt được thoả thuận và các cuộc đàm phán chính trị để quyết định tương lai đất nước được tiến hành tốt cho tới các cuộc bầu cử Tháng Mười Một này, nhưng những điểm tắc nghẽn vẫn còn: chủ yếu liên quan đến quân đội (chính quyền trung ương muốn các đội quân sắc tộc tập hợp lại thành một quân đội quốc gia duy nhất), kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên và mức độ tự chủ được giành cho các tiểu bang dân tộc thiểu số.

Cuộc xung đột gần đây nhất bùng nổ khi một lãnh đạo quân nổi dậy tộc người Kokang lưu vong từ lâu phát động những cuộc tấn công bất ngờ vào các vị trí quân đội Miến Điện gần Laukkai, thủ phủ của vùng Kokang ở cực đông bắc của nước này, gần biên giới Trung Hoa. Người Kokang gốc Trung Hoa không nằm trong số 16 nhóm thuộc Đoàn Điều phối Thỏa thuận Ngừng bắn Quốc gia, và có lẽ chiến đấu để giành một ghế trên bàn đàm phán; chính phủ ban đầu phản đối đàm phán với người Kokang, nhưng sự phản đối này có lẽ đang trở nên mềm dần. Dù chính phủ luôn miêu tả cuộc xung đột này là bị cô lập và nhỏ, nhưng nó dường như ngày càng khốc liệt hơn. Một vụ ném bom đi lạc xuyên biên giới đã giết chết bốn nông dân ở miền nam Trung Hoa. Có lẽ đáng lo ngại nhất, nó đã thu hút những đội quân sắc tộc khác vốn từ lâu bất mãn với chính quyền trung ương, bao gồm người Kachin, Palaung và Arakan. Đồng thời, lực lượng chính phủ đã đụng độ với các sinh viên biểu tình đòi giáo dục ở trung tâm Miến Điện.

Hai kết luận có thể rút ra từ những cuộc giao tranh này. Đầu tiên, con đường hòa bình không hề thẳng tắp hay suôn sẻ. Myanmar chưa bao giờ có một chính quyền trung ương mạnh, và những gì chúng ta đang thấy hiện nay ở cực đông bắc là công việc xây dựng nhà nước chưa được hoàn thành. Quá trình này có thể khó chịu, nhưng cần thiết - một nhà nước hoạt động được, mạnh mẽ phải có độc quyền về bạo lực trên toàn lãnh thổ - và sẽ dẫn đến sự ổn định chính trị lớn hơn và lâu dài hơn. Khả năng thứ hai là con đường hòa bình bị tắc nghẽn. Quá trình này đã tiến xa tới mức có thể dựa trên những lời hứa mơ hồ về hành động tương lai; phá vỡ sự bế tắc giữa chính quyền trung ương và đội quân cuối cùng sẽ đòi hỏi những nhượng bộ thực sự mà cả hai bên cho đến nay không sẵn sàng thực hiện. Nếu sự không khoan nhượng này tiếp tục, thì những gì đang xảy ra ở Kokang có thể lan ra toàn bộ phần còn lại của đất nước. Liệu đây là cơn bão trước khi lặng gió hay một cơn gió trước khi giông bão sẽ trở nên rõ ràng hơn trong những tháng tới.

Sơn Phạm
The Economist

Tags: economics

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc