Ngày Quân Lực Úc

-----
...tưởng nhớ một ngày bại trận

Mỗi năm đến ngày 25/4 xứ Úc mừng ngày ANZAC hay còn được gọi nôm na là ngày quân lực Úc. Có lẽ Úc là quốc gia duy nhất trên thế giới mà ngày Quân Lực không phải để đánh dấu một chiến thắng để chứng tỏ sức mạnh vũ lực trong chiến tranh, mà ngược lại ngày ANZAC là ngày đánh dấu một cuộc bại trận vĩ đại nhất trong lịch sử hơn 100 năm qua của nước Úc.

Cách đây đúng 100 năm, trong Đệ Nhất Thế Chiến, rạng sáng ngày 25/4/1915, quân đội Úc và New Zealand (tức ANZAC - Australian & New Zealand Army Corps) đã nhập trận, đổ bộ lên bờ biển Gallipoli Thổ Nhĩ Kỳ. Dưới làng mưa đạn của quân Thổ bắn trả, quân Úc và New Zealand không tài nào chiếm được mục tiêu. Trận ra quân thử lửa đầu tiên của Úc (chỉ trở thành một quốc gia 14 năm trước đó, 1901) kéo dài 8 tháng, đến cuối tháng 12 năm 1915 thì phải lui binh. Kết quả là bại trận với 25 ngàn thương vong, trong đó 8700 lính Úc tử trận.

Gallipoli là trận chiến đầu tiên và là trận thất bại thê thảm nhất trong lịch sử non trẻ của nước Úc. Vậy mà người ta dùng ngày ANZAC là ngày Quân Lực. Úc không dùng một ngày chiến thắng nhưng lại là một ngày bại trận để nói lên sự hy sinh của người lính. Nói lên những mất mác tang thương mà người lính (và thân nhân họ) đã phải gánh chịu vì chiến tranh, nói lên tình đồng đội và vì lòng ái quốc mà những người trai trẻ này đã hy sinh xương máu mình.

Lễ ANZAC hàng năm khởi đầu bằng lễ Hừng Đông (Dawn Service) vào 5 giờ sáng tại khắp mọi thành thị trên nước Úc (và tại Gallipoli Thổ Nhĩ Kỳ), tiếp sau đó là cuộc diễu hành. Nhưng cũng chẳng phải là những cuộc diễu hành với súng đạn của các binh chủng hiện dịch để phô trương vũ lực, mà là cuộc diễu hành bình dị của những CỰU quân nhân đã tham chiến trong mọi trận chiến từ trước đến nay. Họ bước đi những bước chậm rãi do tuổi đời, do sức khoẻ, có người ngồi xe lăn, có người không đi được vì quá già yếu hay vì đã qua đời, có con cháu vinh dự đi thế cha ông mình. Họ diễu hành qua các nẻo đường nước Úc giữa những tràng pháo tay tri ân của quần chúng hai bên đường...

Tags: history

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc