Sir Nicholas Winton - Sức mạnh của tình thương

shared from fb Nam Nguyen.
-----
Một buổi talk-show chương trình That`s Life! trên truyền hình BBC nước Anh năm 1988, Nicholas Winton là một khán giả được mời, ông khi đó đã 79 tuổi và đã nhận những giải thưởng danh giá nhất của nước Anh vì công tác từ thiện đối với những người cao tuổi. Thật bất ngờ khi người dẫn chương trình tuyên bố rằng trong trường quay hôm nay có một người anh hùng thầm lặng, người mà 49 năm trước đã cứu mạng sống cho 669 đứa trẻ con nước Tiệp gốc Do Thái khỏi sự tàn sát của phát xít Đức-người đó là Nicholas Winton, và trong trường quay cũng có mặt rất nhiều những đứa trẻ thời đó, nay đã là những công dân Anh đứng tuổi, và họ chưa hề gặp lại-ân nhân và những đứa trẻ “cuả mình”. Hãy xem những giọt nước mắt hạnh phúc và ứng xử vô cùng cảm động của những con người đã xa nhau nửa thế kỷ.

Nicholas Winton là một cậu bé người Anh gốc Do thái và tuổi trẻ đã theo bố mẹ sống khá lâu ở nước Đức hồi đầu thế kỷ 20. Chàng thanh niên trẻ tuổi này làm môi giới chứng khoán ở London cho đến kỳ Noel năm 1938 ông được một người bạn rủ sang Praha tại Séc. Tại đây anh ta thấy rất rõ chủ nghĩa phát xít bài Do thái chẳng bao lâu nữa sẽ dẫn đến sự tàn sát đẫm máu những người gốc Do thái ở đây (đến giờ vẫn là câu hỏi chưa được giải đáp-vì sao một cậu thanh niên người Anh 29 tuổi lại biết trước và biết chắc chế độ Hitler chuẩn bị làm gì với dân Do thái-vào thời điểm này ngay cả người Đức cũng còn chưa thể tưởng tượng ra được!). Và thế là chàng trai Nicholas coi việc cứu người Do thái khỏi sự thảm sát tàn khốc ấy là nghĩa vụ của cá nhân mình. Hồi đó nước Anh có đạo luật nhân đạo cho phép tị nạn những đứa trẻ nước khác bị đàn áp, miễn là dưới 17 tuổi, cho nên Nicholas hiểu rằng không thể cứu được tất cả mọi người gốc Do thái thì phải cố cứu thoát ít nhất là những đứa trẻ. Anh cùng một người bạn chạy vạy lo mọi thủ tục, visa, tiền nong, phương tiện...để cứu chúng, và thế là những chuyến tàu hỏa chở trẻ em sang Anh bắt đầu xuất phát-chiến dịch Babylift (hay Kindertransport)-những đứa trẻ sang Anh lại được Nicholas và bà mẹ nuôi tại nhà, rồi khi đông quá phải thuê khách sạn cho chúng ở, rồi phải tìm những bố mẹ nuôi cho chúng!

Chuyến tàu cuối đã không chạy được do thế chiến 2 xảy ra. Winton quay về Anh để giúp tất cả 669 đứa trẻ đó được có nơi có chốn với một cuộc sống mới, tự nhủ bản thân rằng “Xong! Chuyện rất bình thường ấy mà! Bây giờ là lúc ra chiến trường để chiến đấu với chính bọn phát xít Hitler đó"-ông xin vào làm cho Hội Chữ thập đỏ của Anh trên chiến trường, rồi sau vào lính. Sau chiến tranh ông về Anh làm công việc thiện nguyện, không bao giờ nhắc lại chuyện cũ, còn lũ trẻ con kia và bố mẹ của chúng (đa số bố mẹ chúng đã mất trong lò hơi ngạt của trại tập trung Osvensim!) cứ nghĩ rằng chúng được cứu bởi Hội chữ thập đỏ quốc tế. Cho đến 1988 người vợ của Winton mới tình cờ mở một vali cũ kỹ, trong đó có danh sách đầy đủ những đứa trẻ đã được cứu và những ông bố, bà mẹ nuôi của chúng tại Anh-một “danh sách Schindler của nước Anh”-và nước Anh mới biết về người anh hùng của mình! Những đứa trẻ ngày nào nay đã thành ông bà hết rồi, tổng cộng các con cháu chắt của họ đã khoảng 15000 người, những người đáng ra không thể xuất hiện trên cõi đời nếu không có lòng tốt và sự quả cảm của Nicholas Winton!

Khỏi nói là ông trở thành anh hùng dân tộc của nước cộng hòa Séc và được nữ hoàng Anh phong chức Hiệp sỹ, hình ảnh ông với mấy đứa trẻ được làm thành tượng đài ở khá nhiều ga tàu hỏa của những nước liên quan...Năm 2009 để kỷ niệm ông tròn 100 tuổi người ta đã mời ông ra ga tàu London để đón một chuyến tàu “the Winton train”-chuyến tàu định mệnh vào đúng ngày này năm 1939 đã không đến được bởi vì chiến tranh sớm bùng nổ. Trên chuyến tàu đó là những “đứa trẻ” ngày nào và con, cháu của họ-“Nicky`s Family”...

Chúng ta là những người may mắn, vì vẫn còn đó người anh hùng “bất đắc dĩ” Nicholas Winton ở tuổi 106! Năm 2013 ông vẫn lái máy bay Cessna cùng với một phi công nữa, trẻ hơn ông 76 tuổi! Ông vẫn rất minh mẫn, vui tính và ưa hoạt động, và đang khởi động chương trình xây nhà dưỡng lão cho những "đứa trẻ" năm 1939 của ông, vì ông vẫn nói đùa rằng "lũ trẻ bây giờ đã trở nên già nua, và lại cần đến sự giúp đỡ của ông rồi!".

P.S.:
-trong số 669 trẻ em lúc đó người ta mới tìm lại được 261 người. Lý do là rất nhiều "em" sau chiến tranh quay lại Séc thì bố mẹ đã bị hành quyết, không nơi nương tựa và lại còn bị chế độ cầm quyền thân Stalin đàn áp khốc liệt vào năm 1948 (vì tội "trong thời gian chiến tranh lại ở nước tư bản"!?), nhiều trường hợp phải thay tên đổi họ, đa số tìm cách "vượt biên" lần thứ hai, rất nhiều người đến Nam Mỹ để tìm chốn dung thân, tránh xa châu Âu.

-7 chuyến tàu trót lọt trước khi chuyến cuối cùng với 250 em đã bị nhỡ vì chiến tranh. Ngoài lòng dũng cảm và tài tổ chức thì tài năng rất lớn của WInton ở chỗ ông thấy trước được hiểm họa Holocoust đối với người Do thái (nhiều bố mẹ trẻ em cũng không tin rằng họ đang bị nguy hiểm kề cận, nên ông còn phải lập ra một tổ chức "ma" để dễ bề thuyết phục họ cho con em đi sang Anh tỵ nạn!. Cũng vì thế ai cũng nghĩ là cả một tổ chức quốc tế hoạt động, chứ không thể tin rằng chỉ có một người đứng sau công việc vĩ đại này!).

-học sinh Séc, và sau này thêm cả các “trẻ em” của Winton đã đề cử nhiều lần tên ông cho giải Nobel hòa bình, hàng trăm ngàn chữ ký để ủng hộ ông, nhưng 3 lần ông đều không được! Chắc chưa phải là lần cuối cùng...

-ông cũng không được trao huân chương cao nhất của nhà nước Izrael dành cho những người nước ngoài đã cứu vớt dân Do thái trong hoạn nạn, chỉ bởi gốc gác ông cũng là người Do thái.

-rất nhiều phim tài liệu, sách báo, media đã nói về ông, ví dụ: https://www.youtube.com/watch?v=c0aoifNziKQ&feature=youtu.be

-Ông luôn vẫn bảo: “Nếu có việc gì bất khả thi, thì tức là vẫn có một cách nào đó để làm cho bằng được!”

Bài trước: Chuyện ở Sài Gòn
Tags: thinking

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc