Hệ thống nông nghiệp kém hiệu quả của Trung Hoa

Chinese man plowing a rice field, China, ca. 1918-1938. Photo courtesy Ashley Van Haeften.

Kể từ sau nạn đói lớn “tự gây ra” vào những năm 1950, khiến hàng chục triệu người chết, Trung Hoa đã rất thành công trong việc tự cung cấp đủ lương thực cho người dân. Nước này đã nuôi sống một phần năm dân số thế giới chỉ với gần một phần mười diện tích đất có thể canh tác của mình. Giờ đây, với nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang gia tăng, Trung Hoa đã vượt qua ngưỡng có thể tự cung cấp lương thực (mà chỉ) dựa vào những cánh đồng trong nước. Năm 2011, nước này đã trở thành nhà nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới.

Nhưng Trung Hoa vẫn tin rằng, để ngăn ngừa nạn đói xảy ra, nước này phải tự mình sản xuất được hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các loại lương thực quan trọng thay vì phụ thuộc vào thị trường thế giới đầy biến động. Vậy điều gì đã khiến cho hệ thống nông nghiệp Trung Hoa không hiệu quả?

Nông dân đang được trợ cấp rất nhiều để làm ra những loại lương thực mà nếu nhập từ nước ngoài sẽ rẻ hơn. Họ đang được khuyến khích để canh tác trên những mảnh đất không thực sự phù hợp. Hậu quả là lãng phí lớn và ô nhiễm nặng nề: những hóa chất dùng để kích thích sản xuất đã chảy thẳng vào nguồn nước.

Và một phần lúa gạo được Trung Hoa tích trữ ở trong những kho chứa (granary) quốc gia cũng sẽ chẳng giúp gì nhiều trong việc đẩy lùi nạn đói. Những quan chức tham nhũng đã mua thật nhiều lúa gạo chất lượng thấp với giá rẻ để chất đầy những kho chứa và báo cáo lên cấp trên rằng họ đã mua lúa gạo chất lượng cao. Rồi bỏ túi phần chênh lệch.

Các khoản trợ cấp của chính quyền Trung Hoa cấp cho người nông dân phù hợp với tiêu chuẩn của thế giới. Tuy nhiên, các khoản này đang gia tăng nhanh chóng trong khi ngay cả những nước giàu cũng đang giảm quy mô (scale down) trợ cấp nông nghiệp. Với quy mô của Trung Hoa, những khoản trợ cấp này và những sai phạm trong quản lý các kho dự trữ lúa gạo có khả năng gây tác động lớn tới sự ổn định của thị trường lương thực thế giới. Và rất tốn kém đối với Trung Hoa. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2012, nước này đã tiêu tốn 165 tỉ đôla Mỹ cho trợ cấp nông nghiệp, gấp đôi so với con số của năm năm trước. Chi phí này sẽ còn tiếp tục tăng, mà nguyên nhân quan trọng là do thiếu lao động vì những người trẻ tuổi di cư ra thành phố.

Tại Trung Hoa, đã xuất hiện một số tranh luận rằng liệu an ninh lương thực của nước này liệu có được đảm bảo tốt hơn khi mua lương thực từ thị trường thế giới hay không. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Hoa vẫn luôn tự hào về nguồn gốc nông nghiệp của mình. Chính quyền không muốn khơi thêm bất ổn ở những vùng nông thôn. Vì vậy nước nàyvẫn tiếp tục cấm nhập khẩu khi chính phủ cảm thấy các nhà sản xuất trong nước bị đe dọa. Chính quyền vẫn sẵn sàng để nông dân tiếp tục làm việc trên những cánh đồng không năng suất.

Tuấn Minh
The Economist



Bài trước: “Nan đề Malacca” nghĩa là gì?
Tags: china

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc