Nhật Bản và quá khứ: Lịch sử chưa thể nguôi ngoai

Cho dù là nạn nhân hay kẻ xâm lược, đất nước này vẫn cảm thấy khó khăn khi đối diện với quá khứ

Tại Tokyo, chìm trong giấc ngủ, nhiều người đã không nghe thấy tiếng máy bay ném bom B-29 của Mỹ gầm rú. Khi được cha lay gọi dậy,
Photo credit: The Economist.
khu phố dưới tại Tokyo nơi Katsumoto Saotome sinh sống đang bốc cháy. Không thể thoát hiểm theo đường kênh rạch vì dầu nhớt paraffin trong các quả bom đã biến nước thành lửa. Ông nói, một khi bị dính nhớt paraffin vào người, da thịt sẽ cháy mãi, "tới tận xương".

Ông Saotome, giờ đây 83 tuổi, sắp sửa tham dự lễ kỉ niệm trận ném bom cháy tại Tokyo năm 1945. Chỉ trong một đêm giữa ngày 9 và 10 tháng 3, khoảng 100.000 người đã thiệt mạng. Do nhiều đàn ông đã đi chiến đấu ở chiến trường xa (mà kết quả cũng rất tệ hại), hầu hết các nạn nhân là phụ nữ, trẻ em và người già.

Đêm hôm đó, mức độ thương vong không nặng nề như vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima ngày 6 tháng 8 năm 1945, nhưng lớn hơn nhiều so với thiệt hại từ quả bom hạt nhân được thả xuống Nagasaki ba ngày sau đó. Và trận ném bom cháy không chỉ giới hạn riêng ở thủ đô. Giữa tháng 11 năm 1944 và tháng 8 năm 1945, gần 70 thành phố đã chỉ còn là đống đổ nát và có lẽ 300.000 người , chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng - một chiến dịch có sức tàn phá lớn hơn bất kì chiến dịch nào diễn ra ở châu Âu (xem bảng).
Photo credit: The Economist.

Nhưng nếu vụ đánh bom Dresden của Vương quốc Anh xảy ra một tháng trước vụ đánh bom Tokyo gây được chút quan tâm của dư luận ở châu Âu, phe Đồng minh hầu như không tỏ ra chút kinh hãi nào đối với việc giết hại nhằm vào dân thường Nhật Bản trên quy mô chưa từng có như vậy. Thậm chí ngày nay, thật kì lạ khi vụ ném bom cháy đó cũng không mấy khi được nhắc tới. Lễ kỉ niệm lần thứ 70 vụ đánh bom Dresden diễn ra vào tháng Hai trên khắp châu Âu. Tuy nhiên, tại Tokyo, thậm chí còn không có nổi một bảo tàng do nhà nước tài trợ để kỉ niệm cơn bão lửa năm đó và dự kiến chỉ lác đác có vài người sẽ tham dự lễ kỉ niệm cùng ông Saotome. Nỗ lực chính thức nhằm lập hồ sơ những người thiệt mạng chỉ mới được bắt đầu từ năm 2009 và vẫn chưa được hoàn thành, mặc dù một đài tưởng niệm đã được dựng lên tại một góc công viên Yokoamicho làm minh chứng cho những người đã khuất, bên cạnh một ngôi nhà mồ với tro tàn lẫn lộn của hàng ngàn người chết. (Công viên này cũng tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong trận động đất và hỏa hoạn với sức tàn phá khủng khiếp tại Tokyo năm 1923.)

Bret Fisk, tiểu thuyết gia chuyên viết về các cuộc tấn công năm 1945, nói: sau chiến tranh, Tokyo thiếu các nguồn lực tình cảm và tài chính để có thể thể hiện niềm thương tiếc với các nạn nhân một cách thỏa đáng. Và mong muốn nói chuyện phải trái với Mỹ, đồng minh mới của Nhật Bản trong Chiến tranh lạnh, cũng không hề tồn tại. Một dự án bảo tàng đã bị sa lầy vào những năm 1990. Đảng Bảo thủ cho rằng, kế hoạch đó, bao gồm việc miêu tả các tội ác chiến tranh, là không yêu nước và mang tính "tự hành xác" (masochistic).

Nếu khó thừa nhận sự đau khổ của người dân, những người theo chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản sẽ càng khó chấp nhận những tội ác do quân đội hoàng gia Nhật Bản gây ra trên khắp châu Á. Đã thành lệ, mỗi Thủ tướng trong thời kì tại nhiệm đều đưa ra một bản tuyên bố về cuộc chiến tranh này vào mỗi lần kỉ niệm tròn một thập kỉ sự thất bại của Nhật Bản, diễn ra vào ngày 15 tháng 8. Năm 1995, ông Tomiichi Murayama, thủ tướng thuộc Đảng Dân chủ Xã hội, đã đưa vấn đề đi xa nhất. Ông bày tỏ "sự hối hận sâu sắc" về "chế độ thực dân và xâm lược" của Nhật Bản. Năm 2005, ông Junichiro Koizumi, một người theo chủ nghĩa dân tộc thuộc Đảng Dân chủ Tự do, đảng nắm quyền trong hầu hết thời hậu chiến, đã nhắc đi nhắc lại gần như từng từ một những cụm từ quan trọng trong phát biểu của ông Murayama.

Ông Shinzo Abe, Thủ tướng đương nhiệm, sẽ nói gì vào ngày kỷ niệm lần thứ 70 là đề tài khiến nhiều người bàn tán. Có lẽ ông Abe biết ông đang nghĩ gì. Trong quá khứ, ông đã từng truy vấn định nghĩa về sự xâm lược của Nhật Bản, chỉ trích công lý của bên thắng cuộc trong phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh Tokyo, và đặt câu hỏi về nội dung của lời xin lỗi năm 1993 của Chánh văn phòng nội các khi đó là Yohei Kono đối với "các phụ nữ giải khuây" bị ép buộc quan hệ tình dục với những người lính quân đội hoàng gia. Tuy nhiên, giờ đây ông đã thành lập một ủy ban tư vấn gồm những người có óc xét đoán, gồm các nhà sử học, nhà báo và những người khác. Ủy ban này có buổi họp lần đầu tiên vào ngày 25 tháng 2.

Nhiều chính trị gia Nhật Bản, và cả những người thân Nhật ở Washington, cùng nhất trí rằng ông Abe phải nhắc lại rõ ràng lời xin lỗi của những người tiền nhiệm. Trung Hoa và Hàn Quốc sẽ theo dõi sát sao bất kì thay đổi nào. Ông Abe đã nói ông sẽ giữ tinh thần chung lời tuyên bố của ông Murayama. Tuy nhiên, những dấu hiệu gần đây cho thấy các cụm từ quan trọng về Nhật Bản và về cuộc chiến có thể sẽ được thay đổi.

Chắc chắn ông Abe muốn nhấn mạnh đến thành tích thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng kể từ thời hậu chiến của Nhật Bản và việc thành tích này sẽ được duy trì như thế nào. Tuy nhiên, như một chính trị gia cấp cao của Đảng Dân chủ Tự do đã hối thúc tháng trước, cách chắc chắn nhất để vị thủ tướng đương nhiệm có thể làm nổi bật tương lai đầy hứa hẹn của Nhật Bản sẽ là vẫn kế thừa các tuyên bố trước đây về quá khứ mà không có sự né tránh nào.

Tuấn Minh
The Economist

Tags: japan

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc