Tôn giáo ở Nhật Bản: Những ngôi chùa diệt vong

Tìm đâu những người hành hương... Photo courtesy Richard.

Những ngôi chùa ở Nhật Bản đang phá sản

Thay vì giảng giải sự kiêng kem những lạc thú trần thế, các nhà sư ở sau quầy của Vowz, một quầy bar tại Tokyo, lại khuyến khích điều ngược lại. Trong khi rót một cốc gin và tonic cho khách hàng, sư thầy Yoshinobu Fujioka nói rằng có nhiều con đường khác nhau để đến với Đức Phật. "Thức tỉnh tâm linh có thể tới trong bất kì cuộc trò chuyện nào. Chúng tôi mang đến những cơ hội đó."

Đó là những thay đổi về kinh kệ mà các nhà sư Nhật Bản đôi khi dùng đến để giữ cho Phật giáo vẫn liên quan tới đời sống. Trong số 77.000 ngôi chùa ở quốc gia này, một số đang mở các quán cà phê, tổ chức trình diễn thời trang hoặc chủ trì tang lễ cho vật nuôi. Tuy nhiên, mỗi năm, hàng trăm ngôi chùa vẫn phải đóng cửa. Hidenori Ukai, tác giả của cuốn sách mới về Khủng hoảng Phật giáo ở Nhật Bản, than rằng tới năm 2040, 40% các ngôi chùa có thể sẽ phải đóng cửa.

Năm 1950, Kim Các Tự ở Kyoto đã bị một tu sĩ mắc chứng tâm thần phân liệt quá mến mộ nơi này đốt cháy. Ngược lại, ngày nay, các ngôi chùa đang nhạt nhòa dần. Qua mỗi năm, người dân Nhật Bản ngày càng ít theo đạo và dân số ngày càng ít đi.

Bạn có thể nghĩ rằng các đám tang sẽ giúp những ngôi chùa ngày nay tấp nập. Tại Nhật Bản, năm ngoái có gần 1,3 triệu người chết (một kỉ lục sau chiến tranh); trong nhiều thế kỉ, những gia đình có người thân mất đã chọn Phật giáo để chủ trì lễ tang và là nơi nương tựa tinh thần. Nhưng với chi phí thường vào khoảng 3 triệu Yên (24.700 USD), tang lễ ở Nhật Bản gần như đắt nhất thế giới. Sau hỏa táng là nghi lễ trong đó tang quyến dùng đũa để gắp những khúc xương đã cháy thành than của người thân đã mất từ một chiếc khay và bỏ vào bình. Một sư thầy lầm rầm tụng kinh và đặt một tên thụy. Tất cả các công đoạn này được thực hiện khá công phu.

Vì vậy, các lựa chọn khác rẻ hơn đang ngày càng phổ biến. Theo Mark Mullins, một chuyên gia về tôn giáo Nhật Bản, giờ đây, hơn một phần tư các đám tang ở Tokyo là phi tôn giáo. Nhiều gia đình quyết định rắc tro trong rừng hay xuống biển, hoặc thậm chí gửi tro cốt của người đã khuất qua đường bưu điện đến những nghĩa trang chung. Ngôi chùa Koukokuji ở Tokyo quản lý một nghĩa trang trong nhà tự động với hơn 2.000 bàn thờ nhỏ lưu giữ tro cốt của những người quá cố. Điều đó giúp cho các gia đình của họ tránh được những chi phí và sự bất tiện nếu phải mua một mảnh đất xa xôi ở quê. Một trang web liệt kê giá, các lựa chọn và khoảng cách đi bộ đến các ga tàu gần đó.

Ở ngoại tỉnh, hàng triệu người Nhật Bản vẫn duy trì những mộ trang gia đình gắn liền với những ngôi chùa ở nông thôn, và hằng năm, họ phải trả tới 20.000 Yên để chăm sóc các mộ trang này. Tuy vậy, các nhà xã hội học cho biết, những ngôi chùa này vẫn cần phải có tới 200 hộ gia đình đóng góp thì mới có thể hòa vốn. Những cộng đồng đang già hóa và ngày càng thu hẹp không thể duy trì những ngôi chùa này thêm bao lâu.

Tuấn Minh
The Economist

Tags: japan

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc