Đội tàu đánh bắt cá voi của Nhật Bản nhả khói ra khơi để chống lại chủ nghĩa đế quốc phương Tây về ẩm thực

Photo credit: Economist.

Nhật Bản quay trở lại vùng Nam Băng Dương

Đầu năm ngoái, khi Tòa án Công lí Quốc tế (ICJ) đưa ra phán quyết rằng các cuộc thám hiểm săn bắt cá voi hằng năm của Nhật Bản tới vùng Nam Băng Dương rõ ràng là không vì mục đích "khoa học" như tuyên bố và vì thế là bất hợp pháp, nhiều người đã hi vọng tới một kết thúc cho sự giết chóc ghê rợn hằng năm này. Trong nhiều năm qua, những con tàu của Nhật Bản đã vượt qua những cơn biển động, các cuộc biểu tình vì môi trường và những công kích ngoại giao để giết những con cá voi với số lượng lên đến hàng ngàn con mỗi năm. Và có thể chắc chắn rằng từ trước tới nay, năm ngoái là lần đầu tiên không một tàu săn cá voi nào của Nhật Bản ra khơi khi mùa hè ở phương nam bắt đầu.

Tuy nhiên, bất chấp phán quyết của tòa án, hạm đội đang già hóa của Nhật Bản lại một lần nữa nhả khỏi nam tiến trong tuần này. Mục đích của chuyến đi này là giết được 333 con cá voi lưng xám, một phần ba so với số lượng của lần đánh bắt gần đây nhất. Nhật Bản cho biết, chuyến hành trình này là "bắt buộc mang tính khoa học" nếu muốn hiểu tác động của biến đổi khí hậu và các yếu tố khác đối với loài động vật này. Bạn thấy đấy, Nhật Bản đang giết chóc để làm người tốt mà.

Hơn hai thập kỉ sau khi một lệnh cấm toàn cầu buộc Nhật Bản phải từ bỏ việc săn bắt cá voi, ngoại trừ việc nghiên cứu thực sự, ngọn lửa oán hận vẫn chưa ngừng cháy. Các chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền cho rằng săn bắt cá voi biển sâu là một truyền thống cổ xưa của Nhật Bản. Trên thực tế, chỉ một số ít các cảng có truyền thống săn bắt cá voi, và vào thời đó, việc săn bắt chỉ thực hiện ở ven bờ. Nhật Bản học hỏi săn bắt cá voi biển sâu từ người Na Uy ở giai đoạn đỉnh cao của ngành công nghiệp này một thế kỉ trước. Tướng Douglas MacArthur, chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản sau khi Nhật thất bại trong Thế chiến II, đã khuyến khích tiến vào vùng biển Nam Băng Dương như một cách để có được protein trong bát cơm của một đất nước đang đói kém. Nhưng trong những thập kỉ gần đây, lượng tiêu thụ thịt cá voi đã giảm mạnh buộc Nhật Bản phải dự trữ một lượng lớn thịt đông lạnh (xem biểu đồ). Gần đây, số lượng các kho dự trữ đã giảm xuống, nhưng việc đánh bắt cá voi ở Nam Băng Dương được nối lại sẽ làm cho chúng tăng trở lại.

Những lợi ích nhỏ nhoi của Nhật Bản từ việc đánh bắt cá voi tiếp tục có được những quyền lực không hề nhỏ. Cục Thủy sản của Nhật Bản cho biết hạm đội của nước này nên được phép săn bắt một lượng cá voi bền vững ngoài biển sâu. Australia, New Zealand và các nước khác với các phong trào ủng hộ bảo tồn và chống ngược đãi thú vật diễn ra mạnh mẽ không đồng ý điều đó. Cả hai bên không ngừng ve vãn sự ủng hộ của Ủy ban Đánh bắt Cá voi Quốc tế, cơ quan quản lý của thế giới, nhưng cả hai phía cùng không thể ghi được những điểm số mang tính quyết định để đi tới chiến thắng.

Các đội tàu đánh bắt cá voi ra khơi trong tuần này chỉ làm vấn đề này thêm trầm trọng. Hideki Moronuki, phát ngôn viên của Cục Thủy sản Nhật Bản, nói rằng nước này sẽ không chấp nhận bất kì phán quyết nào của Ủy ban Đánh bắt Cá voi Quốc tế về tài nguyên biển. Thay vào đó, ông nói, các tranh chấp quốc tế sẽ được xử lí thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, trong đó đề cập việc quản lý sử dụng các đại dương trên thế giới. Đây là "cơ quan thích hợp hơn", ông Moronuki nói. Việc đánh bắt này cũng tỏ ra không hiệu quả, ít nhất là xét về vấn đề cá voi. Ông Atsushi Ishii, chuyên gia về biển thuộc Đại học Tohoku nói rằng Nhật Bản có thể phải hối tiếc vì đã tuyên bố nước này không chịu sự ràng buộc của các thỏa thuận quốc tế mà nước này không vừa ý. Nguyên nhân là do Trung Hoa và Hàn Quốc có thể áp dụng lập luận tương tự trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ gay gắt của họ với Nhật Bản, ông nói. Nhưng Cục Thủy sản của nước này dường như không hiểu và không quan tâm tới điều đó.

Theo một nghiên cứu cẩn thận, các chương trình săn cá voi này đã tiêu tốn ít nhất 400 triệu USD của người nộp thuế Nhật Bản dưới hình thức các khoản trợ cấp từ năm 1988. Công tác an ninh để bảo vệ hạm đội khỏi những nhà bảo tồn máu lửa luôn theo sát những cuộc săn bắt của họ đang dần gia tăng chi phí cho mỗi chuyến hành trình tới Nam Cực. Thay vì tranh luận liệu điều này có xứng với tiền bỏ ra hay không, các phương tiện truyền thông Nhật Bản lại chọn cách tường thuật bảo vệ hoạt động săn bắt cá voi trước "chủ nghĩa đế quốc ẩm thực" của phương Tây.

Tuấn Minh
The Economist

Tags: japan

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc