Các doanh nghiệp Nhật Bản và những tội ác chiến tranh: Mitsubishi thể hiện sự hối hận

Photo credit: Economist.

Các cựu tù nhân Mỹ nhận được lời xin lỗi từ Mitsubishi

James Murphy, một người Mỹ 94 tuổi, nói rằng đó là lời xin lỗi khiêm nhường và chân thành. Người ta đã chờ đợi lời xin lỗi này từ rất lâu. Ông Murphy (ảnh) đã bị ép buộc phải làm việc trong các hầm mỏ khai thác đồng do Công ty Vật liệu Mitsubishi (Mitsubishi Materials) điều hành trong những năm 1944-1945. Ngày 19 tháng 7, công ty Nhật Bản này, một chi nhánh của tập đoàn Mitsubishi, đã trở thành công ty đầu tiên đưa ra lời xin lỗi chính thức cho việc đối xử với tù nhân của Mỹ trong Thế chiến II. Công ty này đưa ra lời xin lỗi trong một buổi lễ tại Bảo tàng Tha thứ (Museum of Tolerance) thuộc Trung tâm Simon Wiesenthal ở Los Angeles.

Ông Murphy, người đã chấp nhận lời xin lỗi, là một trong số 30.000 tù nhân Đồng minh bị giam giữ ở Nhật Bản trong thời chiến. Bà Kinue Tokudome, giám đốc điều hành của tổ chức Đối thoại Mỹ-Nhật Bản về tù binh chiến tranh, một nhóm phi lợi nhuận giúp dàn xếp cuộc hòa giải mới nhất này, cho biết khoảng một phần mười trong số các tù nhân ấy đã chết. Từ đầu năm 1942, hàng ngàn người đã bị đưa tới Nhật Bản từ các thuộc địa của Nhật ở nước ngoài để giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động.

Ông Hikaru Kimura, một lãnh đạo cấp cao của Mitsubishi, đã đưa ra "lời xin lỗi đầy hối hận" đối với tất cả các tù nhân bị buộc phải làm việc cho Công ty Khai khoáng Mitsubishi (Mitsubishi Mining). Ông Yukio Okamoto, thành viên hội đồng quản trị của Mitsubishi và là nguyên cố vấn về các vấn đề lịch sử cho ông Shinzo Abe, Thủ tướng theo trường phái bảo thủ của Nhật Bản, bày tỏ sự hối tiếc rằng lời xin lỗi ấy đáng lẽ phải được đưa ra sớm hơn. Thực tế là hầu hết các cựu tù nhân đã chết và ông Murphy là người duy nhất còn đủ sức khỏe để tham dự sự kiện này.

Năm 2009 và 2010, chính phủ Nhật Bản đã chính thức xin lỗi về sự "đối xử vô nhân đạo" của quân đội hoàng gia của Nhật Bản đối với tù nhân Mỹ và các quốc gia khác (mà không chỉ rõ quốc gia nào). Nhưng lời xin lỗi này không hề có bất kì sự thừa nhận nào từ phía các công ty tư nhân đã ép buộc họ phải làm việc và đã bị một số cựu tù nhân chỉ trích là sáo rỗng.

Bà Mindy Kotler, Giám đốc tổ chức Đánh giá Chính sách Châu Á (Asia Policy Point), một nhóm tư vấn có trụ sở tại Washington, nói rằng Mitsubishi và các công ty khác của Nhật ý thức được rằng yêu cầu đòi bồi thường trong thời chiến có thể bùng lên bất kì lúc nào. Bà trích dẫn trường hợp của SNCF, một công ty đường sắt nhà nước của Pháp, đã bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi trong nhiều thập niên qua về những chiếc tàu hỏa chuyên dùng để vận chuyển người Do Thái tới các trại tập trung của Đức Quốc xã. Năm ngoái, chính phủ Pháp đã đồng ý trả 60 triệu USD để giải quyết những tranh cãi này.

Tuy nhiên, thời điểm đưa ra lời xin lỗi của Mitsubishi khiến các nhà phân tích bối rối. Ông William Underwood, nhà sử học về các vấn đề lao động thời chiến của Nhật Bản, nói rằng động cơ của lời xin lỗi đó có thể mang tính chiến lược. Chính phủ Nhật Bản không hài lòng khi gần đây Hàn Quốc đã rất cứng rắn trong các cuộc đàm phán về việc các khu công nghiệp thời kì đầu Nhật Bản muốn được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Trong tháng này, Nhật Bản đã nhượng bộ và phải thừa nhận rằng những người dân Hàn Quốc đã bị buộc phải lao động ở đó. Lời xin lỗi của Mitsubishi có khả năng làm phiền lòng người dân Hàn Quốc, những người đã chiến đấu đòi một lời xin lỗi từ các công ty, và lời xin lỗi này cũng tăng cường liên minh của Nhật Bản với Mỹ để chống lại Trung Hoa, nơi một số trường hợp bồi thường liên quan đến lao động ép buộc cũng đang chờ được giải quyết.

Lời xin lỗi được Mitsubishi đưa ra trước tuyên bố rất được mong đợi của ông Abe vào ngày kỉ niệm lần thứ 70 Nhật Bản đầu hàng, ngày 15 tháng 8. Ông Abe đang chịu áp lực phải giải quyết sự oán giận từ lâu về chiến tranh Nhật Bản và chế độ thuộc địa của Nhật Bản ở châu Á. Trong chuyến thăm tới Washington vào tháng Tư, ông đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản phát biểu trong một phiên họp chung của Quốc hội Mỹ, bày tỏ sự hối hận về chiến tranh Nhật Bản nhưng vẫn thiếu một lời xin lỗi.

Bà Tokudome hi vọng Thủ tướng sẽ tránh không làm nhạt nhòa những lời xin lỗi vào tháng Tám trước đây về cuộc chiến tranh Nhật Bản và có đối sách để làm tan băng mối quan hệ với Trung Hoa và Hàn Quốc. Nhưng nói xin lỗi với một đồng minh thân cận dễ hơn là đối với những người hàng xóm đã không còn gần gũi. Ông Tomohiko Taniguchi, cố vấn đặc biệt cho nội các ông Abe, hoài nghi rằng "chủ nghĩa dân tộc tràn lan" trong những quốc gia đó có thể đã thành thói quen. Ông cho rằng sự thù ghét Nhật Bản đã được "khắc sâu" vào tâm lý của người dân Hàn Quốc và Trung Hoa.

Tuấn Minh
The Economist

Tags: japan

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc