Vì sao vẫn chưa có luật kiểm tra lí lịch đối với người mua súng trên toàn nước Mỹ?

WonderCon 2015 - Steampunk cosplay. Photo courtesy William Tung.

Trong bài phát biểu trước các trưởng cảnh sát quốc tế vào ngày 27 tháng 10 tại Chicago, Tổng thống Barack Obama nói ‘tại nhiều khu phố, mua một khẩu súng còn dễ hơn cả mua một cuốn sách hay một mớ rau tươi’. Ông Obama đã một lần nữa kêu gọi kiểm tra lý lịch đối với người mua súng trên cả nước, điều ông đã cố gắng thuyết phục Quốc hội bỏ phiếu thành luật liên bang từ nhiều năm qua, nhưng không thành công. Hai năm trước, ông đã gần đạt được mục tiêu này, nhưng dự luật lưỡng đảng Manchin-Toomey nhằm mở rộng kiểm tra lí lịch đối với người mua súng qua internet và tại các hội chợ súng đã bị Thượng viện bác bỏ.

Các cảnh sát đứng về phía tổng thống. Công việc của họ sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu ít súng được lưu hành và tất cả những người mua súng phải qua kiểm tra lí lịch, đặc biệt là tiền án và tiền sử sức khỏe tâm thần. Họ cho rằng việc sử dụng súng phổ biến là một trong những lí do dẫn đến bạo lực gia tăng ở nhiều thành phố Mỹ trong năm nay. Quy định hiện hành về kiểm tra lí lịch chỉ áp dụng đối với đại lí súng có giấy phép nhưng 40% lượng súng bán ra tại hội chợ súng hoặc qua internet, hai hình thức này không yêu cầu kiểm tra như vậy. Đại đa số công chúng Mỹ cũng đứng về phía Tổng thống. Theo một cuộc thăm dò được Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành vào tháng Tám, 85% số người được hỏi ủng hộ kiểm tra lí lịch chặt chẽ hơn đối với chủ sở hữu súng. Gần 80% ủng hộ luật ngăn chặn người mắc bệnh tâm thần mua súng và 70% ủng hộ việc hình thành một cơ sở dữ liệu liên bang để theo dõi tất cả lượng súng bán ra. Vậy vì sao cho đến nay vẫn chưa có luật liên bang về kiểm tra lí lịch?

Vị thế chính trị lớn mạnh của Hiệp hội Súng trường Quốc gia và các nhóm ủng hộ súng khác phản đối kiểm tra lí lịch và thực tế là bất kì luật nào có thể hạn chế việc bán súng. Họ viện dẫn Tu chính án thứ Hai (1791), trong đó bảo vệ "quyền của người dân được giữ và sử dụng vũ khí". Và họ lập luận rằng súng giúp ngăn chặn tội phạm. Sau một vụ xả súng hàng loạt đặc biệt nghiêm trọng, giết hại 20 trẻ em và sáu người lớn tại Trường tiểu học Sandy Hook ở Connecticut vào năm 2012, Chủ tịch Hiệp hội Súng trường Quốc gia Wayne Lapierre tuyên bố rằng nhân viên nhà trường cần phải được vũ trang vì "cách duy nhất ngăn chặn một kẻ xấu cầm súng là một người tốt có súng".

Khi Hiệp hội Súng trường Quốc gia và các tổ chức ủng hộ súng khác dường như có thể đe dọa Quốc hội đến mức độ họ sẽ không tiếp tục cố gắng thông qua một đạo luật thắt chặt luật kiểm soát súng đạn trong tương lai gần thì nhiều bang đã thông qua luật quản lý súng chặt chẽ hơn của riêng họ. New York, California, Massachusetts, Illinois, Rhode Island và Maryland là những bang có luật lệ kiểm soát súng chặt chẽ nhất cả nước. Một số bang yêu cầu kiểm tra lí lịch các giao dịch tư nhân. Và mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ các vụ giết người và tự tử ở các bang áp dụng luật sử dụng súng nghiêm ngặt là thấp hơn, tình hình ở những bang này vẫn có thể tốt hơn nếu các bang lân cận có luật sử dụng súng ít lỏng lẻo. Ví dụ, Illinois tiếp giáp với Wisconsin và Indiana, hai bang gần như không có bất kì quy định nào liên quan đến hạn chế mua bán súng. Tại Chicago, bang có luật sử dụng súng đặc biệt nghiêm ngặt, hơn một nửa số súng cảnh sát tịch thu được là mua ở ngoài bang. Vì vậy chẳng ngạc nhiên khi cảnh sát trưởng Chicago là một trong những người ủng hộ lớn tiếng nhất luật kiểm tra lí lịch đối với người mua súng trên cả nước.

Phương Thùy
The Economist

Tags: economics

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc