Vì sao lượng người di cư đến châu Âu tăng khi mùa đông cận kề?

Aylan Kurdi Body. Photo courtesy Freedom House.

Mùa hè vừa qua, khi tranh luận về cuộc khủng hoảng di cư trở nên gay gắt, các chính trị gia châu Âu hi vọng họ sẽ có thời gian nghỉ ngơi vô cùng cần thiết trong những tháng mùa đông. Những năm trước, lượng người mạo hiểm vượt qua Địa Trung Hải giảm mạnh khi nhiệt độ giảm. Năm 2014, số người di cư bằng thuyền giảm một phần ba trong khoảng tháng Chín và tháng Mười, khoảng thời gian khi cuộc hành trình trở nên nguy hiểm hơn. Tháng Mười năm nay, điều ngược lại đã xảy ra. Có tới 218.953 người di cư đã đến Châu Âu, một mức kỉ lục, tăng 27% so với tháng Chín. Những người di cư phải vật lộn với biển động, tình trạng hạ thân nhiệt, rủi ro lật thuyền ngày càng tăng và gian khổ nói chung khi thực hiện chuyến đi vào mùa đông. Vậy vì sao lượng di cư đến châu Âu lại tăng chứ không giảm khi những ngày lạnh, tăm tối đến gần?

Năm ngoái, hầu hết người di cư đến châu Âu phải trải qua một chặng đường nguy hiểm dài 300km từ Libya đến hòn đảo Lampedusa của Italia trên Địa Trung Hải. Nhưng thời tiết mùa đông khiến cho chuyến đi khó khăn và nguy hiểm hơn. Lượng người di cư trong tháng Một chỉ bằng 10% so với tháng Chín năm ngoái. Tình huống đó cũng diễn ra trong năm nay. Biển động, thiếu thuyền khiến cho lượng người tới Italia giảm một nửa so với tháng trước xuống còn 8.500 người (tương đương 4%). Nhưng người di cư hiện nay chọn tuyến đường đông Địa Trung Hải từ tây Thổ Nhĩ Kỳ đến các đảo của Hy Lạp. Biển Aegean thường rất động và gió lớn vào tháng Mười, nhưng với hành trình ngắn chỉ 10km - có thể nhìn thấy đích đến qua ống nhòm – người di cư ít bị chùn bước trước thời tiết khắc nghiệt. Ngay cả khi điều kiện xấu đi, thuyền vẫn có thể đi lại được trong những ngày mùa thu lặng sóng. Vào những ngày biển động nhất, một số người di cư chờ thời tiết tốt hơn. Những người khác, bị thuyết phục bởi mức giá giảm từ những tàu buôn lậu, đánh liều một chuyến.

Khi mùa đông gần kề, người di cư có thể muốn hoãn hành trình của họ tới mùa xuân.
Nhưng năm nay, có vẻ như thái độ "bây giờ-hoặc-không-bao-giờ" đã thắng thế. Lo ngại rằng châu Âu sẽ thắt chặt biên giới trong tương lai gần và mỗi tuần chậm trễ thì chuyến đi qua Địa Trung Hải càng thêm nguy hiểm. Hơn nữa, những cuộc tàn sát ngày càng tồi tệ ở Afghanistan đã đẩy lượng người Afghanistan đến Hy Lạp tăng từ 27.500 trong tháng Chín (16% tổng số) lên đến 64.000 trong tháng Mười Hai (30%) (xem biểu đồ). Những kẻ buôn lậu đang hoan hỉ lợi dụng những người di cư đang tuyệt vọng. Hoạt động này mang về hàng trăm triệu đôla và đang ngày càng trở nên tinh vi hơn.

Lượng nhập cư giảm cũng sẽ làm nhẹ bớt áp lực cho giới chức châu Âu. Hệ thống giải quyết yêu cầu xin tị nạn đang yếu kém. Nhiều người di cư phải đối mặt với việc chờ đợi hàng năm trời mới được xử lý đơn yêu cầu. Nhu cầu nhà ở đang tăng nhanh hơn lượng cung, ngay cả khi nhiệt độ giảm. Mùa đông tạm lắng sẽ cho phép chính quyền thiết kế lại hệ thống trước khi mùa xuân đến, thời điểm mà lượng người di cư một lần nữa gia tăng. Nếu số lượng di cư không giảm, các quốc gia quá tải có thể tìm cách cưỡng chế tái lập trật tự - như Đức và Thụy Điển đã báo hiệu tuần vừa qua. Tin tức về các chính sách khắc nghiệt có thể lọt tới những người vẫn mắc kẹt ở Afghanistan và Syria, ngăn cản họ thực hiện chuyến đi. Dù họ đi hay ở, một mùa đông khắc nghiệt vẫn đang đến gần.

Phương Thùy
The Economist

Tags: economics

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc